Theo quy định, người điều khiển phương tiện giao thông (xe gắn máy), nếu để xe dưới lòng đường không đúng quy định sẽ bị phạt. Song, nhiều người nghĩ rằng, nếu còn người ngồi trên xe trong lúc xe dựng dưới lòng đường sẽ không bị lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt nên cố tình “lách” luật bằng cách này. Đa số các trường hợp vi phạm, người “dằn chỗ” là trẻ em. Hành vi này không chỉ bị xử phạt mà còn tiềm ẩn mối nguy hiểm đối với trẻ. Đơn cử trường hợp chị Nguyễn Thị Kim (phường An Bình, quận Ninh Kiều), chở theo con gái 5 tuổi đi chợ Xuân Khánh, dựng xe dưới lòng đường và để con mình trên xe để tiện vào gian hàng mua bao tay, khẩu trang. Do dựng xe không cẩn thận nên xe bị ngã, may mắn là xe ngã vào bên trong lề đường và mọi người xung quanh kịp thời chạy đến đỡ xe nên cháu gái chỉ bị trầy xước nhẹ. Chị Kim kể: “Trời nắng nóng nên tôi định dựng xe, vào mua bao tay cho tôi và khẩu trang cho con gái, rồi trở ra liền. Nhưng không ngờ chỉ trong tích tắc lại xảy ra sự cố. Tôi rất hối hận, cũng may con tôi không sao”. Tương tự, anh Nguyễn Giang (phường An Khánh, quận Ninh Kiều) thắc mắc việc lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt mình vì lỗi dựng xe dưới lòng lề đường, trong khi còn người ngồi trên xe. Anh Giang kể: “Tháng trước, tôi ghé tiệm tạp hóa trên đường 30-4 để mua chai nước, hộp bánh ngọt. Khi trở ra, tôi bị xử phạt vì lỗi dựng xe dưới lòng đường trong khi con trai tôi (học lớp 9) đang ngồi trên xe. Tôi biết dựng xe không đúng quy định sẽ bị phạt nhưng trường hợp này có con tôi ngồi trên xe!”. Thực tế cho thấy, khi điều khiển phương tiện giao thông trên các tuyến đường lớn trong quận Ninh Kiều như: đường 30 Tháng 4, Mậu Thân, Hòa Bình
sẽ dễ dàng bắt gặp trường hợp tương tự, nhất là những điểm gần các chợ (Xuân Khánh, Tân An, Hưng Lợi,
), do tâm lý muốn đến chợ nhanh, tiện lợi và khỏi mất công gởi xe.
 |
Việc đậu xe dưới lòng đường không chỉ gây mất vẻ mỹ quan đô thị mà còn vi phạm Luật Giao thông đường bộ. |
Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có quy định xử phạt đối với người điều khiển xe máy, như sau: Tại khoản 3, Điều 9 được sửa đổi, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường; dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông; tụ tập từ 3 xe trở lên ở lòng đường, trên cầu, trong hầm đường bộ; đỗ, để xe ở lòng đường đô thị, hè phố trái quy định của pháp luật; không thực hiện đúng các quy định về dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt; dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, điểm dừng đón trả khách của xe buýt, trên cầu, nơi đường bộ giao nhau, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; dừng xe nơi có biển cấm dừng; đỗ xe tại nơi có biển cấm dừng hoặc biển cấm đỗ;... Đối với các thành phố Trung ương: mức phạt này sẽ tăng từ 300.000 - 500.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm một trong các hành vi quy định tại: Điểm đ, Điểm h Khoản 3 Điều 9 Nghị định này.
Thêm vào đó, việc người điều khiển phương tiện giao thông bị phạt do các lỗi trên, còn để con mình (nhỏ tuổi) ngồi trên xe, rất nguy hiểm nếu sự cố xảy ra. Do vậy, việc xử phạt của lực lượng chức năng là không sai, nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản cho người điều khiển phương tiện giao thông.
Bài, ảnh: NG.NGÂN