13/01/2012 - 09:58

Giá lúa ở ĐBSCL giảm mạnh

Không nên đẩy trách nhiệm cho người trồng lúa!

Hơn tháng qua, giá lúa ở ĐBSCL giảm mạnh, đặc biệt là lúa phẩm cấp thấp. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do việc xuất khẩu gạo, đặc biệt là gạo phẩm cấp thấp đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm, trong cơ cấu giống lúa vụ đông xuân 2011-2012 ở ĐBSCL, nhiều nơi, giống lúa IR50404 (lúa phẩm cấp thấp) chiếm tỷ lệ từ 30-60%. Thực trạng của cây lúa ở ĐBSCL “dội chợ, giá giảm” có nên đùn đẩy hết trách nhiệm cho người trồng lúa?

Giá lúa hàng hóa đang giảm mạnh ở ĐBSCL - nông dân cần được
trợ lực bằng giải pháp căn cơ, hiệu quả. 

Giá lúa quay đầu “lao dốc không phanh” từ mức 7.200-7.600 đồng/kg giữa tháng 11-2011 còn 5.000-5.900 đồng/kg như hiện nay, lúa tươi chỉ 4.700-4.800 đồng/kg. Đặc biệt, lúa phẩm cấp thấp IR50404 chiếm sản lượng lớn nhưng tiêu thụ rất nhỏ giọt. Thực trạng này diễn ra hơn 1 tháng qua tại nhiều địa phương ở ĐBSCL như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang... Nông dân lâm vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”: bán lúa giá rẻ để trả tiền vật tư nông nghiệp; chuẩn bị Tết hoặc “bấm bụng” trữ lúa trong tâm trạng thấp thỏm... vì lúa trữ tại nhà có nguy cơ thất thoát lớn, rớt phẩm cấp, giá càng thấp. Đáng báo động là nông dân vẫn ào ạt trồng lúa phẩm cấp thấp, nhất là giống IR50404 với tỷ lệ rất cao ngay vụ đông xuân 2011-2012. Đến nay, ĐBSCL xuống giống khoảng 1/1,55 triệu ha. Thống kê sơ bộ của nhiều địa phương như Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang... tỷ lệ dùng giống IR50404 chiếm từ 30-60% trên diện tích gieo sạ. Một số nơi như huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp), Ô Môn (TP Cần Thơ) có từ 60% đến gần 100% diện tích dùng giống IR50404... Trong khi khuyến cáo của các chuyên gia, nhà khoa học việc trồng giống lúa phẩm cấp thấp chỉ khoảng 20% là tỷ lệ hợp lý.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngành nông nghiệp các địa phương, doanh nghiệp, nhà quản lý cho rằng: Việc xuất khẩu gạo, đặc biệt là gạo phẩm cấp thấp đang gặp nhiều khó khăn, nhất là sự cạnh tranh quyết liệt từ Ấn Độ và Pakistan. Các quốc gia này đang đẩy mạnh xuất ra sản lượng gạo phẩm cấp thấp với giá thấp hơn gạo cùng chủng loại của Việt Nam từ 50-100 USD/tấn. Cũng chính vì thế, việc tiêu thụ lúa trong dân bị chậm lại, không còn cảnh săn lùng lúa gạo phẩm cấp thấp như trước đây chỉ vài tháng. Khi đó (trung tuần tháng 10-2011), chính VFA dự báo rằng việc xuất khẩu gạo nhiều thuận lợi (?!). Giá lúa vụ 3, phẩm cấp thấp từ giống IR50404 ngay tại vùng ngập lũ An Giang, Đồng Tháp... được thương lái lùng mua với giá cao chóng mặt: 7.200-7.500 đồng/kg lúa khô, lúa ướt tại ruộng 6.300-6.400 đồng/kg... Đến khi lúa rớt giá, tồn đọng, thì mọi trách nhiệm đều đổ hết cho người nông dân: Vì sản xuất lúa gạo chất lượng thấp nên khó tiêu thụ. Bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng, ào ạt xuống giống phẩm cấp thấp thay vì các giống lúa chất lượng cao, xuất khẩu, lúa thơm. Nông dân đang đánh cược thành quả sản xuất với các rủi ro được báo trước...!

Đã đến lúc, vấn đề này cần phải được nhìn nhận, đánh giá lại một cách khách quan. Khi mùa vụ bắt đầu, nông dân ĐBSCL thường xuyên đối mặt với tình trạng sốt giá, khan hiếm lúa giống, đặc biệt các giống chất lượng cao. Đầu vụ đông xuân 2011-2012, giá nhiều loại lúa giống chất lượng cao, lúa thơm đã tăng 1.000-3.000 đồng/kg nhưng vẫn khan hiếm. Vụ đông xuân này, nông dân ĐBSCL xuống giống 1,55 triệu ha, cần khoảng 200.000 tấn lúa giống nhưng khả năng cung ứng của các trung tâm giống của nhà nước, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giống tư nhân có hạn. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhìn nhận: “Bình quân, khả năng đáp ứng nhu cầu giống lúa xác nhận, chất lượng cao cho nông dân tại các địa phương trong vùng hiện chỉ dừng lại mức 30-40%. Các địa phương như An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang có tỷ lệ cao hơn, khoảng 60% – 70%. Diện tích còn lại, nông dân chọn lựa từ lúa sản xuất vụ trước làm giống cho vụ sau”. Không có giống chất lượng cao, nông dân không thể bỏ đồng ruộng trống không, đương nhiên phải trở lại với giống phẩm cấp thấp. Trong đó, lúa IR50404 là ưu tiên số một. Bởi ngay cả “vua” sản xuất lúa giống Dương Văn Châu (Trà Vinh) cũng phải thừa nhận: Có nhiều lý do để nông dân sản xuất lúa IR50404. Đây là giống lúa ngắn ngày (hơn 80 ngày), tiện cho các vùng sản xuất 3 vụ/năm, dễ thích nghi nên chi phí sản xuất thấp, ít tốn công chăm sóc; đặc biệt là năng suất cao. Thực tế nhiều qua nhiều vụ, nông dân trồng lúa IR50404 đều thắng đậm. Ngay lúc đầu, vụ lúa thu đông 2011, giá lúa IR50404 chênh lệch không nhiều so với lúa chất lượng cao, chỉ thấp hơn 100-200 đồng/kg. Xét trên 1 đơn vị sản xuất thì dùng giống IR50404 vẫn lời nhiều hơn...

Rõ ràng, người nông dân vẫn có cái lý khi sử dụng giống lúa chất lượng thấp... Vì vậy, không thể đổ hết trách nhiệm cho người trồng lúa. Rõ ràng, mối gắn kết 4 nhà, đặc biệt giữa nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ lúa gạo còn khá lỏng lẻo, mờ nhạt. Để nâng tầm sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam, các chuyên gia cho rằng vấn đề cốt lõi để tránh tình trạng bị đọng, theo đuôi thị trường, trúng mùa mất giá... là việc liên kết quy hoạch, dự báo, định hướng sản xuất có tính chiến lược bền vững, tập trung quy mô lớn; đảm bảo hài hòa lợi ích của người nông dân với doanh nghiệp...!

Bài, ảnh: THANH HUY

Chia sẻ bài viết