27/04/2020 - 09:29

Không chỉ là trách nhiệm…

Phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc ngày 23-4 vừa qua, đề cập đến công tác nhân sự đại hội đảng các cấp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: "Công tác nhân sự phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học, nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, thật sự công bằng, trong sáng, khách quan. Đặc biệt là phải có con mắt tinh đời trong việc giới thiệu, đánh giá, lựa chọn cán bộ". Riêng trong vấn đề giới thiệu nhân sự vào cấp ủy đảng các cấp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Người giới thiệu phải chịu trách nhiệm về người mình giới thiệu". Đây được xem là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, liên quan đến sự sống còn của Đảng, đến sự phát triển bền vững của đất nước và đã từng được Đảng ta nhiều lần đề cập. Đây cũng chính là sự kế thừa và phát triển những tinh hoa văn hóa của cha ông ta trong việc đề cử, tiến cử hiền tài vào các vị trí lãnh đạo, quản lý để đảm bảo cho sự phát triển ổn định, bền vững của quốc gia, vốn đã có từ ngàn xưa.

Với quan niệm "hiền tài là nguyên khí quốc gia", nhiều triều đại phong kiến Việt Nam từ xưa đã đề ra các chế định về tuyển chọn, tiến cử hiền tài vào bộ máy quan lại cao cấp, với yêu cầu chung: các quan lại có vị trí cao trong triều đình, ai cũng phải cử một người có tài đức hoặc người có danh vọng để triều đình bổ dụng. Về trách nhiệm của người tiến cử, đến thời vua Lê Thánh Tông đã được quy định rõ tại Điều 174 trong Quốc triều hình luật: "Những người làm nhiệm vụ cử người mà không cử được người giỏi thì bị biếm (giáng chức - NV) hoặc bị phạt theo luật nặng nhẹ; nếu vì tình riêng hoặc vì ăn tiền mà tiến cử thì xử nặng thêm hai bậc". Và lịch sử đã chứng minh, giai đoạn thịnh vượng của các triều đại phong kiến Việt Nam cũng chính là giai đoạn mà nhiều hiền tài được phát hiện, được tiến cử và trọng dụng trong các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Ngược lại, khi nạn mua quan bán tước, bè phái trong triều ngày càng lớn, hiền tài bị kìm hãm bị đàn áp thì triều đình suy vi, vận nước ngày càng đi xuống và chế độ
sụp đổ.

Thực tế đất nước ta những năm gần đây cho thấy, ở nhiều nơi, nhiều cấp đang bộc lộ nhiều "lỗ hổng" trong công tác cán bộ. Nạn chạy chức, chạy quyền trước các nhiệm kỳ đại hội đảng các cấp, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có nhiều nguyên nhân - mà một trong những nguyên nhân là do tình trạng bè phái, cục bộ, cánh hẩu trong công tác cán bộ; không có những quy định rõ ràng về trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề cử người có đức có tài vào bộ máy lãnh đạo, quản lý các cấp. Thực trạng đó còn có nguyên nhân là nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu vì đức kém, tài non, từng leo cao nhờ biết chạy chức, chạy quyền nên không muốn, không dám giới thiệu, đề cử người thực đức thực tài nhưng không có gắn bó về "hậu duệ, quan hệ, tiền tệ" với mình vào bộ máy lãnh đạo, quản lý. Thực trạng đó, nếu không được ngăn chặn, chấn chỉnh, sẽ làm suy yếu đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ cơ sở đến Trung ương, tạo ra một nguy cơ lớn đối với sự tồn vong của Đảng, của chế độ ta.

Không chỉ trong giai đoạn tiến hành đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII chúng ta mới chú trọng nhiều đến việc phát hiện, chọn lọc, giới thiệu, đề cử những người đức trọng, tài cao vào hàng ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp. Vấn đề đặt ra là phải đề ra và thực thi nhiều giải pháp có tính đồng bộ, xuyên suốt về trách nhiệm giới thiệu, đề cử hiền tài trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền từ cơ sở đến Trung ương. Muốn thế, việc giới thiệu, đề cử hiền tài không chỉ dừng lại ở mức độ là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, của người đứng đầu các cấp mà phải thật sự trở thành một nét văn hóa trong hoạt động chính trị. Điều đó, đòi hỏi những người lãnh đạo, quản lý phải xem việc tìm kiếm, lựa chọn, bồi dưỡng, giới thiệu người có đức có tài vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị là một trọng trách, một mục tiêu trong sự nghiệp chính trị của mình. Và để thực thi được trọng trách, mục tiêu đó, người giới thiệu, tiến cử phải thực sự là người yêu nước, trung thành với lý tưởng của Đảng, của Nhân dân ta, chí công vô tư, tiến cử hiền tài xuất phát từ đức tài thật sự của họ chứ không phải do mối quan hệ thân hữu hay bè cánh.

Tổ chức cơ sở đảng, cấp ủy, người đứng đầu ở cơ sở là nơi gác cửa, thẩm định, sàng lọc và cũng là nơi tiến cử đầu tiên cán bộ cho toàn bộ hệ thống chính trị. Vì thế, các cấp ủy, người đứng đầu tại cơ sở cần phát huy cao nhất vai trò gương mẫu, dân chủ trong nội bộ, lắng nghe ý kiến từ cơ sở, để cán bộ, đảng viên có điều kiện và mạnh dạn tham gia lựa chọn, thẩm định, giới thiệu cán bộ có đức, có tài vào các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể. Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy chế liên quan đến việc thực hiện giới thiệu, tiến cử cán bộ lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong viêc cùng tham gia thực hiện chế độ giới thiệu, tiến cử cán bộ lãnh đạo, quản lý; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tổ chức, đảng viên trong việc thực hiện các quy định về giới thiệu, tiến cử cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Và điều không kém quan trọng là tiếp tục nghiên cứu, chọn lọc, kế thừa, phát huy những kinh nghiệm quý báu về giới thiệu, tiến cử nhân tài trong lịch sử dân tộc cũng như trên thế giới.

HUY HƯNG

Chia sẻ bài viết