02/05/2015 - 17:01

Khởi sắc làng Chăm

Sau 40 năm xây dựng và phát triển quê hương, đời sống đồng bào Chăm ở An Giang đã có nhiều khởi sắc. Bà con tự tin vào cuộc sống mới, đoàn kết cộng đồng các dân tộc anh em để cùng tiến bộ...

Ông Haji Zacky, Trưởng ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang cho biết, thông qua các chương trình và dự án đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào Chăm ở các huyện An Phú, Châu Phú và thị xã Tân Châu được xây dựng 6 khu dân cư mới. “Nhờ vậy, đường dây điện thắp sáng và hệ thống cung cấp nước sinh hoạt được phát triển đồng bộ; góp phần thúc đẩy đời sống và sinh hoạt của đồng bào ngày thêm khởi sắc” – ông Haji Zacky nói. Thay đổi lớn nhất, là đồng bào chuyển đổi nghề nghiệp làm ăn, không còn hình ảnh chiếc ghe lườn lênh đênh trên sông nước.

3 ấp: Hòa Long, Châu Giang và Phũm Soài của xã Châu Phong (thị xã Tân Châu) có 4.690 đồng bào Chăm sinh hoạt tại 11 tiểu thánh đường và 4 thánh đường. Đây là địa phương có đông đồng bào Chăm so với 9 xã, phường còn lại ở An Giang. Sau 40 năm xây dựng và phát triển, 100% hộ được sử dụng điện thắp sáng và nước sinh hoạt, xóa nhà tạm bợ và dột nát, tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 4%. Theo chị Mari Dâm, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Phong, đạt được kết quả trên, là cả quá trình huấn luyện và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ vốn và tạo điều kiện cho bà con làm ăn. Qua đó, đồng bào chung tay cùng địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, như trường hợp ông Mohamad Yousoh tham gia xây dựng cầu giao thông và trạm y tế xã.

Giới thiệu sản phẩm làng Chăm ở An Giang.  

Anh Asary (ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hanh) kể, 100% đồng bào Chăm ở đây đều di cư từ các xã khu vực biên giới Khánh Bình, Quốc Thái, Nhơn Hội… (huyện An Phú). Trong khi đó, Vĩnh Hòa cũng thuộc vùng kinh tế mới của huyện Châu Thành, điều kiện sinh sống coi như hoàn toàn mới. “Vậy mà, cơ sở hạ tầng khu vực đồng bào Chăm ở Vĩnh Hòa ngày nay coi như hoàn chỉnh, chiếc ghe lườn đã gắn bó bao đời với bà con cũng được thay đổi” – anh Asary khoe. Khi giao thông thuận tiện rồi, chiếc ghe và chiếc xuồng chỉ làm vật kỷ niệm, mà thay vào đó là xe gắn máy và xe hơi. Còn phương tiện sinh hoạt gia đình, mọi người đều sắm sửa đầy đủ, không thiếu thứ nào, kể cả chiếc máy vi tính cho con em đi học.

Ông Trần Quốc Thanh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang cho biết, sau 40 năm xây dựng và phát triển, tất cả 9 địa bàn có đông đồng bào Chăm đều có trường mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở. Đối với địa bàn liền kề người Kinh, nơi đông dân cư thì có trường trung học phổ thông khu vực. “Riêng địa bàn Châu Phong của thị xã Tân Châu, có đầy đủ lớp học cho các bậc học. Nhờ vậy, nơi đây cũng là địa phương có số học sinh dân tộc Chăm chiếm phần lớn, số em thi đậu tú tài và vào đại học cũng chiếm tỷ lệ cao”. Hiện tại, cộng đồng dân tộc Chăm ở An Giang có 77 em du học nước ngoài và hơn 100 em vào trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học.

Theo ông Haji Zacky, Trưởng ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang, việc học của con em đồng bào Chăm ở An Giang phát triển mạnh khoảng 10 – 15 năm trở lại đây, với tỉ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường hàng năm đạt từ 95%. Cùng với nhà trường phổ thông, 16 tiểu thánh đường và 12 thánh đường trong tỉnh còn kết hợp dạy tiếng Chăm vào dịp nghỉ hè hàng năm. “Đây cũng là cách nâng cao dân trí trong cộng đồng, vừa bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của dân tộc Chăm” – ông Haji Zacky phấn khởi nói. Chương trình này, do Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Tây Ninh chủ trì, phối hợp biên soạn và ứng dụng từ nhiều năm nay.

Bài, ảnh: PHAN TRỌNG ÂN

Chia sẻ bài viết