23/01/2024 - 09:17

Khởi sắc giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số 

Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội TP Cần Thơ luôn quan tâm thực hiện tốt công tác và chính sách dân tộc, đặc biệt là chăm lo giáo dục trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Từ đó, tạo nền tảng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ÐT) thành phố nói chung, giáo dục vùng đồng bào DTTS nói riêng.

Một buổi học của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú.

Chăm lo học sinh

Nhiều năm qua, bên cạnh thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người dạy, người học và các cơ sở giáo dục ở vùng DTTS, các địa phương ở TP Cần Thơ còn thực hiện tốt công tác chăm lo học sinh DTTS khó khăn, giúp các em có điều kiện đến trường.

Tại huyện Cờ Ðỏ, huyện vùng ven của TP Cần Thơ có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, thời gian qua các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, đặc biệt ngành GD&ÐT huyện đã thực hiện nhiều giải pháp chăm lo học sinh DTTS. Ông Ngô Thanh Vũ, Phó trưởng Phòng GD&ÐT huyện Cờ Ðỏ, cho biết trong nhiều năm qua, ngành đã trao nhiều học bổng, quà, tập sách… đến học sinh đồng bào dân tộc vào dịp năm học mới, lễ Tết... từ nguồn kinh phí của Nhà nước và nhà hảo tâm. Việc thực hiện chế độ chính sách hỗ trợ học sinh người dân tộc được đảm bảo, vận động hỗ trợ cho 1.092 học sinh, với 8.890 quyển tập, 117 máy tính, 142 bộ sách giáo khoa, 133 cặp da, 137 bộ đồng phục và 20 phần học bổng; tổng trị giá trên 170,6 triệu đồng. Ông Ngô Thanh Vũ nói thêm: “Dịp khai giảng năm học mới, ngành đã phối hợp các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ tập, sách, học bổng, quần áo cho học sinh đồng bào dân tộc. Phối hợp Phòng Dân tộc triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực GD&ÐT của Trung ương, thành phố ban hành nhằm hỗ trợ cho học sinh và giáo viên dạy tiếng DTTS”.

Thầy Ðặng Lộc Lành, Hiệu trưởng Trường THCS Thới Xuân, cho biết: Xã Thới Xuân có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Học sinh là người dân tộc tập trung nhiều nhất ở ấp Thới Trường 1 và Thới Trường 2. Năm học 2023-2024, Trường có 18 lớp, 647 học sinh, trong đó có 103 học sinh là người DTTS. Quán triệt chủ trương của Ðảng, Nhà nước, ngành giáo dục, từ đầu năm học Ban Giám hiệu phối hợp Chi hội khuyến học của Trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm rà soát, lập danh sách học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhất là các học sinh DTTS, để kịp thời hỗ trợ. Từ đầu học kỳ I đến nay, Trường vận động hỗ trợ học bổng, tập, sách, đồng phục… cho học sinh, với trên 71,7 triệu đồng. Em Mai Thiên Kim, học sinh lớp 7A1, Trường THCS Thới Xuân, là một trong số học sinh dân tộc Khmer có hoàn cảnh khó khăn được nhận học bổng khuyến học 2,1 triệu đồng vào tháng 11-2023. Thiên Kim cho biết sẽ cố gắng học tập tốt để trở thành cô giáo.

Ở Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú, Ban Giám hiệu, đoàn thể tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho học sinh. Năm học 2023-2024, Trường có 482 học sinh cấp THCS và THPT. Ðầu năm học, Trường rà soát, lập danh sách 63 học sinh khó khăn và đã hỗ trợ quà, tập, sách... Thầy Trương Văn Quỳnh, Bí thư Ðoàn Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú, cho biết: “Bên cạnh chăm lo vật chất, các hoạt động đoàn thể, giao lưu văn hóa, văn nghệ… cũng được tổ chức”.

Ðầu tư, phát triển trường lớp

Trong 20 năm qua, mạng lưới trường lớp TP Cần Thơ không ngừng được củng cố, mở rộng; quy mô học sinh được giữ vững, ổn định. Năm học 2004-2005, thành phố có 337 trường mầm non, phổ thông; đến năm học 2022-2023, thành phố có 448 trường (tăng 111 trường). Ðến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố và bán kiên cố đạt trên 99,84%, cơ bản đã xóa phòng học tạm. Ðể nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, chất lượng giáo dục của vùng DTTS nói riêng, TP Cần Thơ tập trung đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Tổng số trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia lũy kế đến ngày 31-12-2023 là 347/446 trường, đạt 77,8%.

Ðơn cử, trong 20 năm qua, kể từ khi chia tách từ huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ (cũ), huyện Cờ Ðỏ từng bước được xây dựng vững mạnh cả về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội… Trong đó, GD&ÐT nói chung, giáo dục trong đồng bào DTTS nói riêng, luôn được lãnh đạo địa phương quan tâm đầu tư các nguồn lực; từ đó tạo chuyển biến tích cực về trường lớp, đội ngũ giáo viên. Huyện hiện có 43/48 trường mầm non, tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia; trên 1.440 cán bộ, giáo viên, nhân viên; với trên 21.000 học sinh, trong đó có khá đông con em là người dân tộc Khmer. Theo ông Ngô Thanh Vũ, Phó trưởng Phòng GD&ÐT huyện Cờ Ðỏ, ngành đã tham mưu UBND huyện thực hiện các chỉ đạo, kế hoạch của UBND TP Cần Thơ về xây dựng phát triển giáo dục đối với đồng bào DTTS; tham mưu UBND huyện ưu tiên lồng ghép, bố trí nguồn lực tài chính để thực hiện và duy trì mục tiêu phát triển về giáo dục đối với đồng bào DTTS… Hiện tại, mạng lưới trường lớp của huyện ngày càng hoàn thiện, hiện đại hóa; góp phần đảm bảo nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục nói chung, giáo dục trong đồng bào DTTS nói riêng.

Học sinh Trường Tiểu học Thị trấn Cờ Ðỏ 2 tập múa hát sân trường.

Trường Tiểu học Thị trấn Cờ Ðỏ 2 là một trong những trường đạt chuẩn quốc gia của huyện Cờ Ðỏ. Năm học 2023-2024, Trường có 771 học sinh, trong đó có 181 em người dân tộc Khmer. Trong năm qua, Trường tham mưu với lãnh đạo cấp trên đề nghị sửa chữa phòng học, phòng chức năng và hệ thống nhà vệ sinh; với tổng kinh phí hơn 2 tỉ đồng. Tham mưu với UBND huyện mua sắm trang thiết bị dạy học từ lớp 1 đến lớp 3 đầy đủ đảm bảo theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; vận động giáo viên học nâng chuẩn và tham gia tập huấn chuyên đề nâng cao trình độ chuyên môn. Thầy Nguyễn Thanh Vũ, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường có cơ sở vật chất và đội ngũ nhà giáo đảm bảo phục vụ dạy và học cho 100% học sinh lớp học 2 buổi/ngày”. 

Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp ở các bậc học, thành phố tập trung thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5 “Dự án đầu tư, nâng cấp Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú thành phố” (Dự án); với vốn được phê duyệt triển khai thực hiện giai đoạn 2021-2025 là gần 25 tỉ đồng (theo Quyết định số 21/QÐ-UBND ngày 6-1-2022). Dự kiến công trình trường được đưa vào sử dụng tháng 7-2024. Sau khi công trình hoàn thành, góp phần phục vụ tốt hơn việc dạy và học cho hơn 450 học sinh và 55 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Hiện tại, trường có 18 phòng học, 6 phòng chức năng, 12 phòng ký túc xá...

Nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục

Nguồn lực cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo vững mạnh tạo nền tảng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học, bậc học. Những đổi mới được các trường ứng dụng rộng rãi là công nghệ thông tin; giáo dục học sinh theo quan điểm lấy học sinh là trung tâm, với nhiều hình thức phù hợp. Ðiển hình như Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú hằng năm có tỷ lệ học sinh trúng tuyển đại học, cao đẳng trên 20%. Cô Ðào Mai Phương Thảo, giáo viên dạy môn Tiếng Anh, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú, cho biết: “Cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo phục vụ dạy và học. Trường luôn tạo điều kiện để giáo viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy. Ðể tiết học đạt hiệu quả, tôi chuẩn bị giáo án kỹ, sử dụng công nghệ thông tin vào dạy học; đặc biệt là lồng ghép văn hóa đồng bào Khmer để tạo hứng thú, thu hút học sinh tham gia học tập, thảo luận”.

Toàn thành phố có 2.946 học sinh DTTS trong độ tuổi ra lớp tiểu học; bậc THCS có 1.571 học sinh DTTS và 1.360 học sinh THPT. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên người DTTS là 128 người; trong đó có 125 giáo viên. Cùng với sự phát triển GD&ÐT thành phố nói chung, tỷ lệ huy động học sinh đúng độ tuổi năm 2023 ở các bậc học đạt từ 70% trở lên; tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt 96,88%.

Thời gian tới, ngành GD&ÐT TP Cần Thơ tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục vùng DTTS, nhất là Trường Phổ thông Dân tộc nội trú, trường phổ thông có tổ chức ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú đảm bảo phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương. Thực hiện các giải pháp tăng tỷ lệ trẻ em, học sinh DTTS ở các cấp học, bậc học từ mầm non đến phổ thông đi học đúng độ tuổi, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nghỉ học vào dịp lễ tết, mùa vụ; duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục các cấp học nhằm hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững lĩnh vực GD&ÐT đối với đồng bào DTTS. Tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm định, đánh giá các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục ở địa phương, từ đó có các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học vùng DTTS…l

Bài, ảnh: B.KIÊN

 

Chia sẻ bài viết