11/11/2011 - 21:44

Festival lúa gạo Việt Nam lần II

Khơi nguồn nâng cao giá trị hạt ngọc Việt

Sau 4 ngày diễn ra, Festival lúa gạo Việt Nam lần II-năm 2011 tại Sóc Trăng có nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, tạo được ấn tượng tốt trong lòng du khách gần xa về hình ảnh của nền văn minh lúa nước Việt Nam và hạt ngọc Việt. Qua các chương trình hội thảo, hội thi, hội chợ-triển lãm…và các hoạt động tôn vinh nông dân, doanh nghiệp, những người tham gia trong chuỗi giá trị lúa gạo đã thổi luồng sinh khí phấn khởi, tạo thêm động lực mới cho sự phát triển lúa gạo Việt Nam. Festival đã khơi gợi tiềm năng và mở hướng cho việc nâng cao hiệu quả sản xuất, cũng như giá trị và hình ảnh, thương hiệu của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế…

* Hấp dẫn các sản phẩm lúa gạo tại Festival

Các nông cụ phục vụ sản xuất lúa trưng bày tại hội chợ triển lãm festival đã cuốn hút khách tham quan.  

Trong những ngày diễn ra Festival, 936 gian hàng của các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã thu hút hàng trăm ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về lúa gạo.

Tại đây, các đơn vị, doanh nghiệp đã trưng bày, giới thiệu rất nhiều các sản phẩm lúa, gạo, từ các loại gạo thông dụng đến những loại gạo thơm, gạo chất lượng cao, gạo đặc sản như: ST đỏ, nàng keo, nàng trích... Khách tham quan tỏ ra rất thích thú trước sự đa dạng, phong phú của các loại lúa, gạo Việt Nam. Cùng với các sản phẩm lúa gạo, tại hội chợ-triển lãm Festival lúa gạo Việt Nam lần II, các doanh nghiệp còn trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm làm từ lúa gạo và các loại vật tư máy móc phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nhiều loại hàng hóa, sản phẩm khác. Đặc biệt, tại hội chợ triển lãm còn có các khu triển lãm “vinh danh hạt ngọc Việt” triển lãm, giới thiệu các mô hình trồng lúa các vùng miền, các giống lúa, sự phát triển của cây lúa Việt Nam qua các thời kỳ, các giải pháp canh tác hiện đại... Tại triển lãm “Nông cụ từ thời khẩn hoang đến thời hiện đại”, trưng bày, giới thiệu các vật dụng, nông cụ sản xuất lúa gạo trong cả nước như: cày, bừa, nong nia, nọc cấy, vòng gặt, cây quéo, chét làm cỏ... Ngoài ra, trong những ngày diễn ra hội chợ-triển lãm còn có các hoạt động hấp dẫn liên quan đến lúa gạo Việt Nam như: hội thi “Đâm cốm dẹp”, hội thi “Gạo ngon thương hiệu Việt”, triển lãm tác phẩm đạt giải hội thi Nhiếp ảnh Nghệ thuật với chủ đề “Cây lúa Việt Nam với biến đổi khí hậu toàn cầu”; các hoạt động ẩm thực-du lịch Việt Nam...

Ông Nguyễn Thành Sơn ở huyện Châu Thành, tỉnh Cà Mau đến tham quan hội chợ triển lãm tại Festival, cho biết: “Đến với Festival lần này tôi đã được biết thêm nhiều giống lúa, học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm hay trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, giá trị lúa gạo mình làm ra. Tận mắt chứng kiến các sản phẩm lúa gạo thơm ngon, gạo đặc sản độc đáo của Việt Nam như: gạo đỏ, nếp than... được các doanh nghiệp chế biến, đóng gói thành những mặt hàng cấp cao, tôi càng quý trọng hạt gạo Việt và thêm yêu cây lúa”. Bà Trịnh Thị Chi ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, bộc bạch: “Đến với Festival tôi mới có cơ hội hiểu thêm về nền văn minh lúa nước Việt Nam. Tôi thật sự bất ngờ lạ lẫm, thú vị khi biết nhiều loại nông cụ sản xuất lúa ở ĐBSCL”. Ông Trần Hữu Phúc, Cán bộ Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Đại học Cần Thơ), cho biết: “114 mẫu nông cụ 67 chủng loại được Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL sưu tập và trưng bày tại Festival đã thu hút rất đông khách tham quan, các em nhỏ và giới trẻ rất hào hứng và thích thú khi được xem vì có nhiều cái được sử dụng từ đời xưa đến nay đã không còn ngoài thực tế nữa. Những cô, chú lớn tuổi khi xem các nông cụ rất vui, nhớ lại cái thời làm lúa năm xưa và thấy như mình được tôn trọng vì đời sau vẫn còn nhớ đến cách làm lúa gạo của thế hệ đi trước”.

Các hoạt động trưng bày, giới thiệu lúa gạo và các sản phẩm liên quan đến lúa gạo tại Festival lần này đã tạo được ấn tượng tốt đẹp. Chị Lê Thị Minh Châu, Quản lý bán hàng, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Đại Dương Xanh (TP Hồ Chí Minh), cho biết: “Đây là lần đầu tiên công ty tôi tham dự Festival lúa gạo nhằm quảng bá và phát triển thị trường tiêu thụ ở nội địa đối với các sản phẩm gạo cấp cao của công ty như: Lotus rice, Jasmine rice. Qua những ngày diễn ra Festival, tôi thấy cả khách trong nước và quốc tế đều rất quan tâm tìm hiểu sản phẩm của công ty, hỏi thăm kỹ về giá bán, nguồn hàng, quy cách đóng gói sản phẩm...”. Theo ông Nguyễn Thành Danh, Trưởng vùng Miền tây, Công ty phân bón Bình Điền, ngoài việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm, đến với Festival lúa gạo công ty Bình Điền còn tổ chức các buổi giao lưu giữa nhà khoa học và nông dân để giúp tư vấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. Lượng khách đến tham quan gian hàng của công ty rất đông, với khoảng 1.000-1.500 lượt người/ngày, góp phần tạo mối giao lưu, liên kết giữa doanh nghiệp, các nhà khoa học và nông dân.

* Mở hướng phát triển

Festival lần này diễn ra nhiều hội thảo và hội thi, thông qua đó đã giúp nông dân, doanh nghiệp xác định hướng phát triển mới thích hợp cho ngành lúa gạo Việt Nam. Ông Huỳnh Văn Thạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang, cho biết: Tham gia Festival, ngoài việc quảng bá, tiếp thị sản phẩm và ký kết hợp đồng hợp tác, mua bán, còn là dịp để doanh nghiệp biết mình “đang đứng ở đâu?”. Với những lợi thế, tiềm năng về nông nghiệp mà tỉnh Hậu Giang đang có, tôi cho rằng, để có thể “sánh vai” với các tỉnh bạn, cũng như thu hút được nhiều hợp đồng, Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang cần có chính sách để cải thiện và đa dạng hóa các giống lúa, từ đó có những sản phẩm gạo đặc trưng phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Cùng với các hoạt động của Festival Lúa Gạo Việt Nam lần 2, ngày 9-11-2011 lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức lễ trao giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án nghiên cứu, sản xuất chế biến nông sản ĐBSCL tại xã Châu Khánh, huyện Long Phú của Công ty cổ phần nông sản Cửu Long – Sóc Trăng; và dự án tuyến tàu khách du lịch cao tốc Trần Đề - Côn Đảo của Công ty TNHH Hải Dương. Các dự án này nằm trong chương trình hợp tác song phương giữa TP HCM và tỉnh Sóc Trăng nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Trong đó, dự án tại xã Châu Khánh, huyện Long Phú được đánh giá là dự án có quy mô lớn, phù hợp với tiềm năng lúa gạo và nông sản của tỉnh Sóc Trăng. Với diện tích 45 hécta, dự án bao gồm các hạng mục như: khu liên hợp công nghiệp tồn trữ, chế biến nông sản, khu nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, trung tâm thương mại nông nghiệp…Khẳng định chủ trương của tỉnh Sóc Trăng trong việc thu hút các doanh nghiệp, ông Trần Thành Nghiệp, Phó Chủ tịch thường trực UBND  tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Sóc Trăng luôn rộng cửa để đón các nhà đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đến đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa phương”.

Anh Đào Hữu Lộc, Trưởng phòng Kinh doanh Nội địa, Công ty Cổ phần Gentraco (TP Cần Thơ), phấn khởi chia sẻ: “Gạo Đỏ được giới thiệu tại Festival là sản phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, làm giảm bệnh mất trí nhớ, làm lành các tổn thương gan, thận và đặc biệt tốt cho người bệnh cao huyết áp. Đợt tung sản phẩm mới ra thị trường lần này trùng khớp với Festival Lúa gạo lần II, là cơ hội hết sức thuận lợi để Gentraco quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng bằng cách cho khách hàng khách nếm thử cơm nấu từ loại gạo này. Điều đáng mừng nhất là sau khi dùng thử sản phẩm, nhiều khách hàng đã quay lại để tìm hiểu xem có thể mua sản phẩm tại đâu, còn các siêu thị cũng đang thúc chúng tôi khẩn trương giao hàng...”.

Trên cơ sở xác định tập trung phát triển sản xuất lúa gạo, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, cả trước mắt và lâu dài là nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước, tham dự Festival lúa gạo Việt Nam Lần II, đồng chí Vũ Văn Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, chỉ đạo: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chính sách khuyến khích sản xuất và tiêu thụ lúa gạo như: chính sách về đất đai, thuế nông nghiệp, ứng dụng thành tựu khoa học vào sản xuất, chính sách kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp... đã phát huy tác dụng. Song song đó, sản xuất lúa trong điều kiện biến đổi khí hậu, dân số gia tăng, đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, dịch bệnh diễn biến phức tạp đòi hỏi phải có kế hoạch cụ thể về quy hoạch sử dụng đất, cơ cấu lại mùa vụ theo hướng hiệu quả, nâng cấp hệ thống thủy lợi, đầu tư vào hệ thống chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Ngoài ra, việc xây dựng các hình thức hợp tác liên kết theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, gắn sản xuất, chế biến với tiêu thụ nhằm tiết giảm tối đa chi phí, hạ giá thành sản phẩm, qua đó nâng cao thu nhập cho người trồng lúa và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp góp phần xây dựng nông thôn mới..., các cấp ủy đảng, chính quyền, nông dân, doanh nghiệp và toàn bộ hệ thống chính trị cùng nhau nỗ lực khắc phục những hạn chế, yếu kém, phát huy tiềm năng, lợi thế để sản xuất lúa gạo tiếp tục phát triển, hiệu quả, ổn định và bền vững...

KHÁNH TRUNG-MỸ THANH

Chia sẻ bài viết