Nhận thức về tầm quan trọng của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC), thời gian qua, các ngành, các cấp trên địa bàn TP Cần Thơ đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật XLVPHC đến các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; thực hiện tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác XLVPHC. Đến nay, thành phố đã cơ bản hoàn thành việc triển khai, phổ biến nội dung luật bằng nhiều hình thức thích hợp theo từng điều kiện, đặc thù của địa phương. Theo báo cáo của UBND thành phố, từ ngày 1-10-2013 đến ngày 30-9-2014, toàn thành phố đã phát hiện xử lý hành chính 143.236 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 121 tỉ đồng, nộp vào ngân sách hơn 118 tỉ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu thuộc lĩnh vực kinh doanh, lao động, giao thông vận tải, trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, an ninh và trật tự, an toàn xã hội
Theo đánh giá của UBND thành phố, hạn chế trong công tác XLVPHC ở thành phố là do ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân còn chưa cao; kinh phí, cơ sở vật chất đảm bảo cho thi hành pháp luật về XPVPHC còn hạn chế; trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, công cụ hỗ trợ chưa được trang bị đầy đủ để xác định hành vi vi phạm. Một số cơ quan, cá nhân được giao quyền thiếu kiên quyết xử lý và cũng chưa kiên quyết trong việc áp dụng các biện pháp đảm bảo thi hành Quyết định XLVPHC.
Theo Đề án được phê duyệt của Chính phủ, Sở Tư pháp TP Cần Thơ là 1 trong 5 đơn vị của thành phố lớn được bổ sung ít nhất 5 biên chế làm công tác quản lý XLVPHC; Phòng Tư pháp quận, huyện được bổ sung ít nhất 1 biên chế. Thế nhưng đến nay, thành phố chưa có nguồn biên chế bổ sung để phân bổ cho các đơn vị. Đây là một trong những khó khăn mà thành phố gặp phải. Bên cạnh đó, theo quy định của Luật XLVPHC, thời hạn ra Quyết định XLVPHC đã rút ngắn so với trước, gây khó khăn trong việc hoàn chỉnh hồ sơ đối với các trường hợp vi phạm phức tạp, đơn vị ở xa, xác minh ngoài tỉnh. Ngoài ra, việc áp dụng hình thức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm còn chưa tương xứng, không đủ sức răn đe. Việc tra cứu hồ sơ vi phạm hành chính của người vi phạm (đặc biệt vi phạm ngoài địa bàn thành phố) còn nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến việc ban hành Quyết định XLVPHC (do chưa có cơ sở dữ liệu Quốc gia về XLVPHC)
.
Từ những khó khăn trên, UBND TP Cần Thơ đã có báo cáo, đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ có văn bản hướng dẫn, đồng thời, bổ sung biên chế cho các địa phương theo Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 25-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế triển khai thực hiện quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về quản lý và xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra, UBND thành phố cũng đề nghị Bộ Tư pháp sớm nghiên cứu ban hành Thông tư hướng dẫn những điểm chưa phù hợp, chưa rõ ràng được quy định trong Luật XLVPHC và các văn bản dưới luật, để các địa phương có cơ sở thực hiện, tránh tình trạng mỗi nơi có cách hiểu và áp dụng không thống nhất. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia và hướng dẫn địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu về XLVPHC, để thực hiện thống nhất trên cả nước
H.D