09/02/2015 - 21:20

Đổi mới đánh giá học sinh tiểu học

Khích lệ tinh thần học tập

Sau 1 học kỳ thực hiện Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28-8-2014 quy định đánh giá học sinh tiểu học, theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, các trường đã kịp thời “bắt nhịp”. Qua đó, các đơn vị vận dụng đánh giá và nhận xét học sinh theo nội dung và hình thức mới…

* Nỗ lực thực hiện thông tư

  Giờ học Toán của học sinh Trường Tiểu học Bình Thủy.

Đến thời điểm này, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ đã tổ chức tập huấn, quán triệt Thông tư 30 cho các trường tiểu học. Nhiều trường tổ chức các buổi họp cha mẹ học sinh từng lớp để thông tin tóm tắt một số nội dung cơ bản của Thông tư; cách đánh giá, nhận xét thường xuyên, định kỳ đối với từng môn học, việc sử dụng kết quả đánh giá,… Ngoài ra, việc tổ chức kiểm tra cuối kỳ 1 theo Thông tư 30 khá nhẹ nhàng, không tạo áp lực cho học sinh, giúp cán bộ quản lý và giáo viên nhận thức đúng đắn mục đích cuối cùng là vì sự tiến bộ của học sinh để qua đó hỗ trợ các em học tốt. Ngành giáo dục và đào tạo tổ chức đến cơ sở nắm tình hình, hỗ trợ, điều chỉnh kịp thời những vướng mắc, khó khăn của cán bộ quản lý, giáo viên trong vận dụng Thông tư 30. Thầy Trần Thanh Tài, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, nói: "Để thực hiện thông tư thuận lợi, điều cốt yếu cán bộ quản lý nhận thức được việc đánh giá học sinh và lên tiếng ủng hộ. Đa số các trường bước đầu nắm bắt và thực hiện khá tốt Thông tư 30".

Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Bình Thủy, quận Bình Thủy xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Thông tư 30. Nhà trường phân phối tài liệu liên quan thông tư cho từng giáo viên để tự nghiên cứu về mục đích, nguyên tắc, nội dung và cách thức đánh giá, nếu có vướng mắc hoặc chưa hiểu nội dung nào có thể trình bày trong phiên họp Hội đồng sư phạm, tổ chuyên môn của trường để được kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ. Chẳng hạn như: hướng dẫn cách đánh giá, nhận xét học sinh cho các giáo viên hiểu và áp dụng. Từ đó giúp giáo viên thuận lợi hơn trong đánh giá học sinh qua từng bài học, tiết học và hoạt động. Là huyện ngoại thành, các trường tiểu học ở huyện Thới Lai thực hiện có hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy học. Trong đó, giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Thới Lai 1 đã tổ chức lớp học theo phương pháp mới, để có thể bao quát, nhận xét học sinh chính xác hơn.

* Giảm áp lực cho học sinh

Không còn những điểm số khô cứng, giờ đây những trang vở sống động hơn với những lời nhận xét thể hiện sự quan tâm của thầy cô giáo đối với học sinh. Em Lê Thuận Phát, học sinh lớp 5A2, Trường Tiểu học Bình Thủy, cho biết: "Em thích đọc lời nhận xét của cô hơn là cho điểm vì qua đó em có thể biết những hạn chế để khắc phục, sửa chữa. Bên cạnh đó là những lời động viên khuyến khích, giúp học sinh tự tin và phấn đấu học tốt hơn". Đa phần giáo viên nhận thấy ưu điểm của Thông tư 30. Cô Trương Hoàng Anh, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A2, nói: "Từ khi áp dụng thông tư, học sinh tiếp thu bài nhẹ nhàng, không bị áp lực. Đối với học sinh, lời nhận xét rất quan trọng. Hằng ngày, trong giờ học, chúng tôi luôn quan sát các em để có cơ sở ghi nhớ vào sổ tay theo dõi chất lượng. So với thời gian trước, giáo viên bận rộn hơn, nhưng bù lại học sinh thoải mái hơn trong học tập". Cô Trịnh Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Thủy, phấn khởi cho biết: "Học sinh bắt đầu quen dần với cách đánh giá bằng nhận xét nên các em không yêu cầu giáo viên chấm điểm như trước. Các em rất thích thú vì tự đánh giá mình và được tham gia nhận xét các bạn trong mỗi tiết học. Việc không còn chấm điểm số hàng ngày đã giảm áp lực điểm số, giúp các em thấy thoải mái, hứng thú, tự tin hơn trong quá trình học tập.

Giờ học Toán của lớp 4B, Trường Tiểu học thị trấn Thới Lai 1, tổ chức theo mô hình VNEN, diễn ra khá sinh động. Giờ học có sự trao đổi, nhận xét lẫn nhau giữa học sinh. Trong nhóm học sinh tự thảo luận, thống nhất kết quả bài tập. Đại diện từng nhóm phát biểu, các thành viên còn lại bổ sung phần trả lời chưa hoàn thiện, giáo viên đứng lớp có sự phản hồi nhận xét câu trả lời của học sinh. Cô Lê Thị Bé, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thị trấn Thới Lai 1, cho biết: Trường có 6 lớp dạy theo mô hình VNEN. Sau hơn 3 tháng thực hiện Thông tư 30, chất lượng giáo dục của trường tăng lên.

Thầy Trần Thanh Tài nói: "Thực hiện Thông tư 30 có nhiều điểm thuận lợi, học sinh được khích lệ từ những cố gắng nhỏ của bản thân bằng lời nhận xét trực tiếp hay trên bài vở của giáo viên. Với việc chỉ ra những hạn chế của học sinh, giáo viên kịp thời có các biện pháp hỗ trợ, để học sinh nhanh chóng khắc phục và học tập tiến bộ hơn”.

* Và những khó khăn…

Cũng như những đơn vị khác, đây là năm học đầu tiên thực hiện Thông tư 30, Trường Tiểu học Bình Thủy gặp không ít khó khăn như: giáo viên mới tiếp cận và thực hiện việc đánh giá nên còn nhiều bỡ ngỡ. Một số phụ huynh chưa đồng tình với cách đánh giá mới và cho rằng, lời nhận xét khó xác định được kiến thức của con em mình đạt ở mức nào… Chị T.L, phụ huynh học sinh một trường tiểu học, cho biết: "Nhiều giáo viên ghi lời nhận xét rất khó hiểu so với nhận thức của học sinh. Giáo viên nên thống nhất cách ghi cụ thể, chi tiết; nếu cứ nhận xét chung chung thì phụ huynh không biết được con mình yếu mặt nào để rèn dạy, uốn nắn". Theo giáo viên các trường, việc thực hiện Thông tư 30 còn gặp nhiều bất cập. Thầy Nguyễn Hữu Thanh, giáo viên lớp 5, Trường Tiểu học thị trấn Thới Lai 1, cho biết: "Bước đầu chúng tôi cũng lúng túng, vì phải suy nghĩ lời nhận xét đối với từng đối tượng học sinh giỏi, khá, trung bình, chỉ ra hạn chế để từng em phấn đấu. Tôi thấy rằng, lời đánh giá của giáo viên chưa tạo động lực thúc đẩy học sinh thi đua học tập bằng điểm số. Nên chăng vừa cho điểm kết hợp với nhận xét sẽ hay hơn, tạo động lực phấn đấu cho học sinh”.

Và trở ngại lớn thuộc về giáo viên dạy những môn chuyên biệt khi phải gồng gánh số lượng học sinh nhiều. Đặc biệt những môn đặc thù như: âm nhạc, mỹ thuật, thể dục…, giáo viên phải ghi hàng ngàn lời nhận xét. Trường Tiểu học Bình Thủy có khoảng 2.000 học sinh, chỉ có 4 giáo viên thể dục. Tính bình quân hằng tháng, 1 giáo viên đảm trách nhận xét khoảng 500 em ở 3 nội dung: năng lực, phẩm chất, kiến thức kỹ năng. Thầy Trần Khai Quốc, giáo viên thể dục Trường Tiểu học Bình Thủy, cho biết: "Vừa đứng lớp giảng dạy, vừa dành thời gian soạn giáo án, còn phải tranh thủ ghi nhận xét học sinh". Đối với vấn đề này, thầy Tài cho biết thêm: "Đối với giáo viên các môn âm nhạc, thể dục… phải dạy nhiều lớp nên gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá học sinh. Sở có công văn chỉ đạo do đặc thù môn học nên giáo viên chỉ đánh giá học sinh có nét nổi trội, hạn chế cần khắc phục, còn bình thường thì trực tiếp đánh giá trên lớp…".

Bài, ảnh: Minh Hoàng

Chia sẻ bài viết