04/03/2024 - 09:53

Khi nhà nông Kiên Giang chuyển đổi số 

Xưa làm nông tay lấm chân bùn, nhưng nay không ít nông dân tay cầm điện thoại thông minh quản lý hệ thống canh tác, tay giữ điều khiển thiết bị bay từ xa trong xu thế hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Gia đình ông Hải sử dụng drone bón phân cho lúa đông xuân 2023-2024.

Sắm thiết bị bay làm ruộng

Ít ai ngờ một xã vùng sâu như Mỹ Phước lại được xem là hình mẫu của huyện Hòn Đất về sản xuất lúa ứng dụng công nghệ số. Từ chỗ chỉ cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch lúa, nông dân Mỹ Phước còn sử dụng máy sạ cụm chỉ với một người điều khiển và mật độ gieo sạ chính xác đến từng centimet, tốc độ nhanh gấp nhiều lần so với sạ máy thông thường. Năm 2021,  trong khi nông dân trong tỉnh chưa biết nhiều về thiết bị bay điều khiển từ xa (drone) phục vụ sản xuất nông nghiệp thì nơi đây có 1 nông dân đầu tư 350 triệu đồng sắm drone để sạ giống, bón phân cho lúa. Đó là ông Lê Văn Hải, ngụ ấp Phước Tân.

Dừng xe lại bên cánh đồng vừa mới sạ được hơn 10 ngày. Dưới cái nắng chang chang, cánh đồng không một bóng người, chỉ có tiếng của 2 chiếc drone đang lượn trên bầu trời bón phân đợt đầu cho ruộng lúa. Ngồi dưới bóng cây mát rượi ven bờ, ông Hải và con trai đang nhìn chằm chằm vào màn hình iPad, thoạt nhìn cứ nghĩ hai cha con ông đang chơi game, nhưng khi tiến gần lại hơn, tôi mới nhận ra họ đang chụp khung ảnh mặt ruộng để lập trình hành trình bay bón phân cho lúa. Ông Hải cho biết: “Với 1 drone, 1 giờ tôi bón phân được cho 20ha lúa. Khi nào gấp thì đưa 4 cái ra căng ngang vận hành một lượt, chỉ 1 giờ là bón xong cho 700 công đất, năng suất gấp mấy chục lần so với  trước đây sử dụng lao động chân tay. Nhờ vậy mà giảm chi phí nhân công đáng kể”.

Trong 10 năm liên kết sản xuất lúa chất lượng cao xuất khẩu với Công ty Kituto, bình quân ông Hải thu về khoản lợi nhuận hàng tỉ đồng/năm, nhưng đó chưa phải đích đến cuối cùng của người nông dân năng động này. Ông Hải nhận định, chỉ có số hóa ruộng đồng như các nước tiên tiến thì nông dân mới giàu. Qua 3 năm sử dụng drone trên đồng, ông Hải giảm được lượng giống gieo sạ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật gần 50% vì tính ưu việt của thiết bị công nghệ số. Lợi nhuận bình quân thu về từ 50 triệu đồng/ha/năm nay tăng lên 70 triệu đồng/ha/năm. Lúa sản xuất đạt các tiêu chí về xuất khẩu nên 6 vụ liên tiếp, ông Hải được công ty liên kết thưởng thêm 200 đồng/kg lúa. Ngoài sử dụng drone phục vụ 2,5ha lúa của gia đình, ông Hải còn thuê thêm 20ha ruộng, thuê người thành thạo công nghệ quản lý 8 chiếc drone được ông mua với tổng trị giá hơn 3,5 tỉ đồng làm dịch vụ.

Theo ông Hải, hiệu quả rõ rệt là nông dân sử dụng đúng và đủ vật tư nông nghiệp trong canh tác, giúp tiết kiệm lượng thuốc, phân bón, quản lý được dư lượng, nâng chất lượng lúa gạo, bảo vệ sức khỏe. Đồng thời, giải quyết bài toán thiếu lao động do phần lớn lao động nông thôn đi làm ăn xa.

Dùng điện thoại chăm cây

Lần đầu tham quan, chúng tôi choáng ngợp với khu vườn nhỏ xinh của chị Huỳnh Đỗ Mỹ Tú, ngụ xã Đông Thạnh (huyện An Minh). Trên giàn là những trái dưa hấu, khổ qua được treo thành hàng, phía dưới là những kệ rau xà lách, cải xanh, ớt chuông căng mọng. Chị Tú cho biết: “Là dân văn phòng nên tôi ứng dụng công nghệ tưới tự động chăm sóc vườn rau. Chỉ cần ấn nút trên điện thoại, nước, phân bón sẽ được cấp qua hệ thống tưới tự động đến từng gốc cây trong nhà lưới”.

Trên mảnh vườn 60m2 đất nhiễm mặn của mẹ, chị Tú tìm cách trồng được các loại dưa, rau cải giống nhập khẩu từ năm 2019, điều mà bao lâu nay địa phương chưa ai làm được. Trở về quê sau 5 năm ở Đà Lạt, chị Tú bắt tay làm một vườn rau sạch cho gia đình với dưa leo baby và cà chua Nova. Một năm sau, chị quyết định trồng thử nghiệm dưa lưới - loại quả cả huyện chưa ai trồng thành công do không phù hợp thổ nhưỡng. Để đảm bảo dinh dưỡng cho vườn dưa, chị Tú học cách tự ủ các loại phân hữu cơ tưới cho cây trồng với bã đậu nành, đạm cá ủ với trứng gà, sữa tươi hết hạn. Với quy trình này, vườn nhà chị Tú suốt 4 năm qua luôn đầy ắp rau, củ, trái chín cũng thơm, ngọt hơn và đảm bảo tiêu chí 3 không “không phân bón, không thuốc bảo vệ thực vật, không chất kích thích sinh trưởng”.

Với mong muốn lan tỏa mô hình nông nghiệp sạch đến cộng đồng, tháng 8-2023, chị Tú phối hợp Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp thuộc Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang xây dựng mô hình trình diễn tại địa chỉ 213 đường Lê Hồng Phong, phường An Hòa, TP Rạch Giá. Chị Tú nói: “Ngoài thiết kế, thi công nhà lưới trồng rau sạch tôi còn hỗ trợ quản lý vườn thông qua hệ thống điều khiển tự động từ xa, hướng dẫn kỹ thuật quy trình trồng, hỗ trợ hạt giống ngoại nhập cùng phân hữu cơ cho những ai có nhu cầu. Hy vọng mô hình này sẽ được chuyển giao đến nhiều nông dân, cư dân đô thị”.

Bài, ảnh: ĐẶNG LINH

 

Chia sẻ bài viết