13/04/2007 - 11:03

Khát "trên từng cây số"

Mùa khô hạn năm nay đang trở nên gay gắt, khắc nghiệt hơn khi nhiều địa phương đang vào tình trạng khan hiếm, cạn kiệt nước sinh hoạt. Các tỉnh ven biển phía Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước ngọt trong sinh hoạt và sản xuất, mà Kiên Giang là một trong những tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Các xã đảo khan hiếm nước ngọt đã đành, ngay cả vùng sông nước của tỉnh này cũng bị khát nước ngọt...

ĐẢO XA: GIỮ NƯỚC NHƯ GIỮ VÀNG

Anh Nguyễn Văn Chót (ở ấp Xẻo Nhàu A, xã Tân Thạnh, huyện An Minh, Kiên Giang) đang “mót” từng giọt nước. Ảnh: L.SEN
Mới đầu mùa khô mà các suối, giếng tại Hòn Ngang, Hòn Mấu (xã đảo Nam Du), Hòn Lớn (xã đảo An Sơn) và Hòn Sơn (xã đảo Lại Sơn) thuộc huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) đã cạn kiệt nước. Hiện tại, nước ngọt trở thành vật trao đổi đắt giá và “nóng” lên theo mức độ khô hạn của thời tiết. Những cơn mưa trái mùa kéo dài nhiều ngày trước cũng chẳng “giải hạn” được bao nhiêu so với thời tiết khắc nghiệt tại đây.

Hiện tại, ở các địa phương này, giá một thùng phuy nước ngọt 220 lít trao đổi giữa người dân địa phương đã tăng từ 10.000 đồng lên 15.000 đồng; đổi cho tàu đánh cá: 25.000-30.000 đồng. Nhiều hộ ở xa khu vực bờ biển, nơi tàu không thể neo đậu để “lên nước”, phải “chia” lại qua trung gian với giá một đôi (2 thùng loại 20 lít) 5.000-6.000 đồng hoặc cao hơn. Nhẩm tính, một gia đình 4 người, mỗi ngày sử dụng ít nhất 2 đôi nước phải mất trên 10.000 đồng - một khoản tiền không ít đối với nhiều cư dân có thu nhập thấp trên đảo.

Chị Nguyễn Thị Nga, nhà ở khu vực cao của Hòn Ngang, ngày nào cũng phải “chia” nước lại từ các hộ dân khu vực chợ với giá đắt đỏ này. Chị cho biết: “Năm nào cũng vậy, hễ tới mùa hạn là phải chịu giá cao. Nhưng tình trạng khô hạn, thiếu nước ngọt này xem ra năm sau gay gắt hơn năm trước. Biết làm sao được, phải chịu thôi!”. Dù đã quen với tình trạng khô hạn, thời tiết khắc nghiệt, thiếu nước hàng năm, nhưng gia đình chị Nga cũng như nhiều gia đình sống ở tầng cao của Hòn Ngang này cũng không khỏi lo lắng khi giá nước đã tăng gấp 4-5 lần. Mức tăng này cũng chưa dừng tại đây khi mùa hạn vẫn tiếp tục diễn ra.

Như nhiều cư dân Hòn Ngang, cư dân ở Hòn Mấu (cách Hòn Ngang khoảng 30 phút đường biển đi bằng ghe nhỏ), vẫn luôn bức xúc nhu cầu nước ngọt. Tại đây có một cái giếng đào, người dân xếp lịch thay phiên nhau túc trực suốt ngày đêm để “vét” từng lon nước một về lắng cặn, dùng nấu ăn và uống. Họ giữ nước ngọt như thể giữ vàng...

Trên quần đảo Nam Du (thuộc 2 huyện An Sơn và Nam Du), chỉ có Bãi Ngự ở Hòn Lớn là có nước giếng quanh năm (tương truyền, ngày trước vua Gia Long trên đường qua Xiêm đã dừng chân tại đây). Vị trí này có hai ngọn núi đối đầu lại với nhau nên nguồn nước có quanh năm. Giếng Gia Long ở đây luôn luôn đầy nước. Người dân ở Bãi Ngự ăn nên làm ra nhờ đổi nước ngọt vào mùa khô, phục vụ người dân trên hòn và các hòn lân cận. Thế nhưng, mùa khô này hồ chứa nước ngọt trên Hòn Lớn được đầu tư với quy mô 30.000 m3 đã bị thấm phần đáy, giờ chỉ còn lại một vũng nước nhỏ nhờ những cơn mưa trái mùa vừa qua.

Ông Lương Quốc Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Kiên Hải, cho biết: “Giá nước ngọt đã tăng so với bình thường. Địa phương đã có kế hoạch phòng khi thiếu nước ngọt sẽ chở từ đất liền ra đảo hỗ trợ cho người dân. Về lâu dài, để khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt mùa khô, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đồng ý hỗ trợ huyện xây dựng mới hồ chứa nước ngọt tại Hòn Ngang và sửa chữa lại hồ chứa nước ngọt tại Củ Tron...”.

MƯỢN NƯỚC XÀI PHẢI TRẢ LÃI!

Xã Tân Thạnh, huyện An Minh (Kiên Giang) có 8 ấp, với gần 11.000 hộ dân sinh sống. Mấy năm gần đây, nhờ chuyển diện tích làm lúa không hiệu quả sang nuôi tôm, bên cạnh cảng cá Xẻo Nhàu đưa vào hoạt động giải quyết việc làm cho người dân, bà con ở đây khấm khá lên trông thấy. Đi dọc theo các ấp Xẻo Ngát A, Xẻo Ngát B, Xẻo Lá A, Thanh Thuận, Thánh Tiên, Xẻo Nhàu A, Xẻo Nhàu B, nhà cửa mọc lên khang trang, những cây ăng-ten, tiếng nhạc vọng ra từ những ngôi nhà nối liền kề nhau, cũng thấy được sự sung túc của vùng quê này. Thế nhưng, cái thiếu nhất và khó nhất của người dân vùng sông nước này vẫn là... nước!

Nếu có ai được tận mắt chứng kiến bà con Tân Thạnh tiết kiệm từng giọt nước như hiện nay mới thấm thía nước quý đến dường nào. Thật vậy, gần 10 năm nay, hễ đến mùa khô là mọi người lại phập phồng lo không có nước sinh hoạt. Ông Đặng Tấn Thành, cựu chiến binh, ngụ tổ 2, ấp Xẻo Nhàu A, nói: “Nhờ được Đảng, Nhà nước quan tâm, những năm gần đây bà con ở địa phương vùng sâu này giảm nghèo trông thấy. Nhưng chỉ còn mỗi việc nước sinh hoạt là khó khăn. Nhà tui tiết kiệm lắm cho 4 người xài cũng mất 50.000-60.000 đồng tiền nước/tháng. Nhưng nguồn nước đến tay người sử dụng có đảm bảo không khi đã qua nhiều trung gian vận chuyển”. Anh Nguyễn Văn Chót, ở gần đấy, đang lom khom “mót” từng giọt nước, bộc bạch: “Nhà tôi mua 8 lu xi măng chứa nước, nhưng hết mùa mưa chưa được bao lâu thì nước cũng hết. Hầu hết mọi sinh hoạt đều phải nhờ đến nước mưa, còn mùa nắng thì phải đổi nước xài, chứ xung quanh đây toàn là nước mặn, nhiễm phèn hết”. Cả nhà anh Chót có 4 người, mỗi tháng xài hết 8 lu nước, mỗi lu giá 14.000 đồng. Còn chị Hứa Thị Cẩm Châu, ở ấp Xẻo Lá A, than vãn: “Nhà xung quanh nước bao vây như vậy đó, nhưng không xài được. Do nước nhiễm phèn, mặn nên cũng phải đi đổi nước về xài. Thanh niên ở đây ít ai dám mặc quần áo trắng lắm vì giặt giũ nước sông nó sẽ ngã phèn vàng khè”.

Trong những ngày lưu lại đây, chúng tôi còn nghe nhiều chuyện dở khóc, dở cười vì nước. Đến hẹn lại lên, cứ vào mùa khô, một số người dân có điều kiện trang bị ghe máy đi tới địa phương khác đổi nước về chia cho người dân địa phương sinh hoạt. Thường thì đến điểm đổi nước gần nhất cũng phải 7 km, dẫn đến chậm trễ những “mối” quen hay khi vào con rạch bị cạn, phải đợi đến nước lớn... Cho nên, mỗi khi nhìn đáy lu cạn là chủ nhân cứ thấp thỏm lo. Có nhiều trường hợp đợi đến khuya mà thân chủ của mình chưa đem nước về kịp, đành phải đi “tắm lửa”. Còn việc mượn nước nhà hàng xóm để nấu cơm, rửa chén là chuyện thường ngày, có khi người mượn còn đóng lãi, tức là sẵn sàng trả dư để mai mốt dễ...mượn. Không làm theo kiểu đó có khi không có chén sạch ăn cơm vì không có nước rửa chén!

Ông Lê Văn Xe, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh, bức xúc nói: “Do đồng đất ở đây bị nhiễm phèn, mặn, không thể khoan giếng nước bơm tay. Nhiều nơi thăm dò khoan đủ độ sâu khác nhau nhưng nước vẫn chua phèn”. Từ đây phát sinh ra nhiều thứ... Với nhà nghèo không tiền lo chạy gạo thì làm sao có thể mua nhiều lu cùng lúc để trữ nước mưa uống. Vì vậy, không ít trường hợp con em nhà nghèo ở đây thường xuyên bị mắc thêm bệnh đường ruột, tiêu chảy... do phải uống nước đổi hàng ngày từ giếng bơm tay. Ông Lê Văn Xe còn cho biết thêm: Hiện còn có khoảng 1.000 ha đất sản xuất đang đối mặt với khô hạn, mặn. Từ khi qui hoạch nuôi tôm, người dân ở gần bên ngoài kinh, rạch làm đê bao khép kín, nên số diện tích của các hộ dân ở trong sâu hễ mùa mưa ngập không có nơi thoát, còn khô hạn thì không có nước bơm vào ruộng tôm như hiện nay. Mùa này, người dân không đi biển, mà có đất vườn cũng không trồng cây gì được. Nước không có xài lấy đâu ra để trồng hoa màu.

Được biết, hiện nay các ngành chức năng có đề án đặt ống nước kéo từ xã Đông Thạnh vào và nghe đâu có một tư nhân cũng có kế hoạch bàn với địa phương kéo nước từ thứ 9 Biển (xã Đông Hòa) sang. Nhưng, tất cả cũng đang nằm trên bàn giấy. Còn người dân thì đang “canh” nước từng ngày...

THÀNH NGUYỄN-LÊ SEN

Chia sẻ bài viết