10/01/2014 - 08:57

Khám phá cơ chế “ngủ đông” của vi khuẩn

Các nhà khoa học Israel trong nghiên cứu mang tính đột phá cho biết lần đầu tiên họ khám phá cơ chế vì sao một số loại vi khuẩn có thể sống sót qua quá trình điều trị bằng thuốc kháng sinh. Phát hiện này có thể mở đường cho những phương pháp mới nhằm kiểm soát vi khuẩn.

Khác với các vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh bằng cách biến đổi gien để thích ứng, một số vi khuẩn khác chống chọi với tác động của thuốc kháng sinh bằng cách chuyển sang trạng thái "ngủ đông". Những vi khuẩn này sau đó lại "thức tỉnh" và tiếp tục gây bệnh nếu bệnh nhân dừng dùng thuốc, khiến việc trị liệu trở nên khó khăn hơn. Tuy vậy, y học cho đến nay chỉ mới khám phá ra mối liên hệ giữa vi khuẩn này với độc tố tự nhiên HipA tồn tại trong chúng mà không biết mục tiêu ở cấp độ tế bào của độc tố này cũng như cách thức nó giúp vi khuẩn rơi vào tình trạng "ngủ đông".

Thắc mắc này cuối cùng đã được giải đáp sau khi các chuyên gia thuộc Đại học Hebrew ở Jerusalem phát hiện trong lúc điều trị bằng kháng sinh, độc tố HipA sẽ ức chế hóa chất có nhiệm vụ truyền "tín hiệu đói" đến vi khuẩn, một yếu tố quan trọng trong quá trình vi khuẩn tổng hợp prôtêin từ nguồn dinh dưỡng. Do "tín hiệu đói" bị gián đoạn, vi khuẩn rơi vào trạng thái bất hoạt. Nhưng khi quá trình điều trị kết thúc, độc tố HipA sẽ kích hoạt lại hóa chất nói trên, vi khuẩn sẽ "tỉnh giấc" và gây bệnh bình thường.

Nghiên cứu này, do Giáo sư Nathalie Balaban dẫn đầu, chủ yếu tập trung giải mã sự tồn tại dai dẳng của vi khuẩn và nếu kết hợp với nghiên cứu của Giáo sư Gadi Glaser nhằm vào việc tiêu diệt vi khuẩn, các chuyên gia hy vọng có thể tìm ra cách điều trị các bệnh nhiễm khuẩn hiệu quả hơn.

ĐƯỜNG THẤT (Theo Science Daily)

Chia sẻ bài viết