14/02/2017 - 21:09

Khai thác thế mạnh ngành công nghiệp “không khói”

Nằm ở tả ngạn dòng sông Tiền, vương quốc trái cây Cái Bè (huyện Cái bè, tỉnh Tiền Giang) có trên 160.000ha vườn cây ăn trái trải dọc theo những dải cù lao xanh biếc. Với lợi thế này, mỗi năm, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đón gần 100.000 khách du lịch, trong đó hơn 70% là khách nước ngoài đến tham quan, nghỉ dưỡng. So với các miệt vườn ở miền Tây, miệt vườn Cái Bè thuộc hạng phong phú bởi trái cây có 4 mùa nên du khách đến tham quan vào mùa nào cũng được thưởng thức nhiều loại trái cây chín thơm ngon. Tham quan Cái Bè, du khách được đi trong màu xanh diệu của miệt vườn châu thổ Cửu Long, tiếp xúc với những người dân đôn hậu và hào phóng… Đây là những yếu tố hình thành và phát triển tiềm năng du lịch sinh thái (DLST) ở Cái Bè.

Một ngày cuối năm, ông Phạm Trung Thành, Chánh văn phòng Huyện ủy Cái Bè, hướng dẫn chúng tôi một vòng quanh các điểm du lịch của huyện bằng thuyền đưa rước khách du lịch với kiểu dáng mang đậm nét đặc trưng truyền thống của miền sông nước… Bắt đầu từ chợ nổi Cái Bè, chiếc thuyền rẽ nước đến các làng nghề truyền thống, như: bánh tráng, kẹo dừa, cốm nổ… Giữa những chiếc ghe bầu chở hàng đang neo đậu nghỉ ngơi (chợ nổi chỉ họp vào buổi sáng), nhiều chiếc thuyền du lịch đủ kiểu dáng chở khách nước ngoài xuôi ngược đến các điểm du lịch làng cổ, vườn cây ăn trái... Đi dọc theo đường đan mát rượi dưới tán những cây nhãn cổ thụ, du khách sẽ đến điểm trà mật ong để thưởng thức sản phẩm tự nhiên mà người dân ở đây tận dụng vườn cây ăn trái để nuôi ong lấy mật. Đến làng nghề, du khách, đặc biệt là khách nước ngoài, rất thích thú trước quy trình sản xuất thủ công các đặc sản của miền Tây: làm cốm, nấu rượu…

Du khách nước ngoài tham quan làng cổ ở huyện Cái Bè bằng xe đạp.

Làng cổ Đông Hòa Hiệp là địa điểm thu hút du khách nhiều nhất để khám phá những kiến trúc xưa của Nam bộ qua những bức hoành, liễn gỗ, kèo cột được chạm khắc công phu ở các ngôi nhà hơn 100 năm tuổi. Tại đây, có nhà cổ ông Kiệt, xây dựng từ năm 1838, được mệnh danh là một trong "cửu đại mỹ gia" (9 ngôi nhà đẹp nhất) ở Việt Nam, đã được tổ chức JICA (cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản) và Trường Đại học kiến trúc Nữ chiêu hoàng (Nhật Bản) đầu tư kỹ thuật và tài chính để trùng tu. Ở làng Hòa Khánh còn có nhà của ông cai Huy được xây dựng vào năm 1860 cũng là nhà cổ mang đậm nét Nam bộ…

Một yếu tố đặc biệt khác được xem là đặc ân của thiên nhiên ban tặng cho Cái Bè là con sông Tiền khi đi qua địa phận huyện và tỏa ra nhiều nhánh, bồi đắp tạo thành những cồn, bãi với hệ sinh thái đặc trưng rất hấp dẫn du khách. Hình ảnh người dân đang mưu sinh trên sông nước như quăng chài, thả lưới… bắt tôm cá như những nét chấm phá trong bức tranh DLST của Cái Bè. Ông Phạm Trung Thành cho biết: "UBND huyện đã thông qua Đề án phát triển du lịch huyện Cái Bè giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2025 gắn với Quy hoạch phát triển tổng thể du lịch Tiền Giang giai đoạn 2010 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của UBND tỉnh. Huyện ủy, UBND huyện rất quan tâm và chỉ đạo sát trong định hướng, kêu gọi đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vào đầu tư mô hình tham quan, nghỉ dưỡng cao cấp. Đặc biệt, Cái Bè muốn khai thác tiềm năng DLST ở địa phương theo cách "du lịch cộng đồng", để giúp người dân có thu nhập, phát triển kinh tế từ ngay mảnh vườn và những nghề mưu sinh của họ…".

Chủ trương trên đã và đang trở thành hiện thực thể hiện bằng những khu nghỉ dưỡng (resort) cao cấp với cảnh quan, cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn "sao" dọc sông Tiền đã và đang được xây dựng, đưa vào khai thác. Đó là khu resort Mekong Riverside với tổng vốn đầu tư hơn 62 tỉ đồng có diện tích 7,2ha với 34 phòng ngủ đạt tiêu chuẩn 4 sao; resort có hồ bơi, nhà hàng, spa… Một khu nghỉ dưỡng khác là resort Mekong Lodge với diện tích 1ha được xây dựng theo mô hình sinh hoạt đậm nét văn minh miệt vườn từ những căn nhà lợp lá đến vườn rau, mương cá nuôi phục vụ khách… Anh Nguyễn Thanh Tuyền, quản lý khu resort Mekong Lodge cho biết, mỗi đêm cơ sở này có thể phục vụ 58 khách, chủ yếu là khách quốc tế.

Huyện Cái Bè hiện có 22 công ty du lịch trong và ngoài tỉnh đặt chi nhánh để phục vụ du khách đến địa phương tham quan, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, để khai thác tốt và bền vững, huyện Cái Bè còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, cần một giải pháp căn cơ, đồng bộ để phát triển hạ tầng du lịch và gia tăng kết nối giữa các sản phẩm du lịch. Ông Nguyễn Quốc Thanh, Chủ tịch UBND huyện Cái Bè, cho biết: Thực hiện Đề án phát triển du lịch huyện Cái Bè giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2025, địa phương định hướng đầu tư phát triển du lịch theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, theo từng giai đoạn, tập trung vào các khu vực có thế mạnh, ưu tiên thu hút đầu tư bằng nguồn lực xã hội hóa. UBND huyện đang kêu gọi đầu tư 18 dự án với tổng số vốn hơn 408 tỉ đồng. Trong đó, ưu tiên đầu tư được tập trung xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu của khách quốc tế; đầu tư các sản phẩm du lịch chủ yếu; phương tiện phục vụ du lịch; đầu tư hạ tầng du lịch… Đặc biệt, huyện đang tập trung nguồn lực để ưu tiên đầu tư 2 dự án: Dự án công viên trái cây có diện tích 16ha (đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư); Dự án xây dựng bờ kè sông Tiền ngay tại trung tâm thị trấn Cái Bè và xây dựng bến tàu để tổ chức tiếp nhận khách tham quan.

Bài, ảnh: Hữu Chí

Chia sẻ bài viết