10/04/2012 - 22:18

Khai mạc Phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

Sáng 10-4, Phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã khai mạc tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Phiên họp diễn ra trong thời gian 10 ngày, phần lớn nội dung là công tác xây dựng pháp luật. Đặc biệt, tại Phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010 của Chính phủ trước khi trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp tới.

Ngay buổi làm việc sáng 10-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án Luật xử lý vi phạm hành chính. Đây là dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2. 4 vấn đề lớn quan trọng xung quanh dự án Luật này thu hút sự quan tâm của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là: Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính; thẩm quyền quy định mức phạt tiền cao hơn; quy định: Căn cứ vào tỷ lệ phần trăm biến động về giá cả theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ điều chỉnh tương ứng mức xử phạt tiền tối đa và vấn đề xử lý tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính bị áp dụng hình thức xử phạt tịch thu. Về mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính, Ủy ban pháp luật của Quốc hội đề xuất lựa chọn phương án: Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính là từ 50.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân, đến 2.000.000.000 đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại luật khác.

Thảo luận tại buổi làm việc, nhìn chung ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với dự thảo báo cáo của Ủy ban Pháp luật. Một số ý kiến đề nghị mở rộng khu vực đô thị áp dụng mức phạt tiền cao hơn nhưng tối đa không quá hai lần mức phạt tiền chung. Một số ý kiến đề nghị tăng nặng hơn mức phạt tiền tối đa trong xử lý vi phạm hành chính.

Trong phần Kết luận buổi làm việc, liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu thống nhất phương án không nên quy định tịch thu tang vật mà nên bổ sung quy định khác để vẫn đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật đồng thời đủ sức răn đe đối tượng vi phạm. Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát kỹ các điều khoản trong dự án Luật, đảm bảo tính đồng bộ tương thích với các luật khác trước khi trình Quốc hội.

QUANG VŨ (TTXVN)

Chia sẻ bài viết