24/12/2008 - 14:55

Khai mạc phiên họp thứ 15 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII

* Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Luật Lý lịch tư pháp

Sáng 23-12, phiên họp thứ 15 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( UBTVQH) khóa XII đã khai mạc tại Hà Nội. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu khai mạc.

Trong buổi làm việc sáng 23-12, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, các đại biểu tập trung cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Theo Chủ nhiệm UB Tư pháp của QH Lê Thị Thu Ba, tại kỳ họp thứ tư QH khóa XII, các đại biểu QH đã thảo luận tại hội trường về Dự án luật này. Nhìn chung, các ý kiến đóng góp đều tán thành với sự cần thiết ban hành và nội dung cơ bản của dự thảo luật. Việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự lần này nhằm góp phần thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp, sửa đổi những vấn đề thật sự cấp bách trong cuộc sống, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Báo cáo thẩm tra của UB Tư pháp trình trước UBTVQH tập trung vào 7 vấn đề chính: phạm vi sửa đổi của Dự án luật, việc hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình, nâng định lượng tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự, bổ sung quy định về miễn chấp hành có điều kiện thời hạn còn lại của hình phạt tù, việc hình sự hóa hành vi lập hoặc tham gia vào nhóm tội phạm có tổ chức, tội đầu cơ và tội trốn thuế, gian lận thuế.

Đa số các đại biểu nhất trí với việc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Chủ nhiệm UB các vấn đề XH của QH Trương Thị Mai nhấn mạnh, lần sửa đổi này chỉ thực hiện với một số vấn đề bức xúc để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và yêu cầu làm rõ nếu không sửa đổi sẽ dẫn đến hậu quả như thế nào, làm cơ sở cho việc sửa đổi. Nội dung thảo luận nhận được nhiều ý kiến nhất liên quan đến việc giảm hình phạt tử hình ở một số tội danh. Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn đánh giá đây là việc làm cần thiết nhưng lưu ý Ban soạn thảo cần lưu ý, cân nhắc kỹ lưỡng; không nên bỏ một số tội nghiêm trọng như liên quan đến an ninh, quốc phòng. Đồng tình với ý kiến trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Ksor Phước nêu thêm ý kiến nên lấy mức lương tối thiểu làm căn cứ định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự, khi xét xử tính theo thời điểm khởi tố vụ án.

Về hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình, Chủ nhiệm UB Quốc phòng và an ninh Lê Quang Bình nhấn mạnh hạn chế không có nghĩa là bỏ bớt các tội có hình phạt cao nhất là tử hình. Chỉ nên xem xét bỏ hình phạt này với một số tội không liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh. Ông Trần Thế Vượng - Trưởng Ban Dân nguyện QH cho rằng, cần thống nhất tiêu chí để bỏ hình phạt tử hình, tránh tình trạng quan điểm chung đồng ý nhưng khi đi vào cụ thể thì không thực hiện được; trên cơ sở những tiêu chí chung đó, tiến hành rà soát 29 hình phạt tử hình để xem xét, quyết định. Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng nhất trí không nên bỏ hình phạt tử hình với các tội tham ô tài sản, nhận hối lộ, phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược... Đề nghị tiếp tục rà soát lại nội dung này, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng nên đưa thêm vấn đề môi trường vào lần sửa đổi, bổ sung này.

w Chiều 23-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến vào một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Lý lịch tư pháp bao gồm sự cần thiết ban hành luật, phạm vi quản lý lý lịch tư pháp, tổ chức quản lý lý lịch tư pháp, cập nhật thông tin trong trường hợp đương nhiên được xóa án tích và quy định về điều khoản chuyển tiếp.

Có nên ban hành Luật Lý lịch tư pháp? Là vấn đề được nhiều Ủy viên quan tâm cho ý kiến, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho rằng công tác quản lý lý lịch tư pháp có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống dân sự của công dân, cũng như trong quản lý nhân sự và hỗ trợ hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh toàn diện lĩnh vực này, thông tin về án tích và tình trạng thi hành án đang bị phân tán ở nhiều cơ quan khác nhau và hiện vẫn chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Việc ban hành Luật Lý lịch tư pháp nhằm điều chỉnh toàn diện lĩnh vực này, đặc biệt là tạo cơ sở pháp lý để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lý lịch tư pháp, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp ngày càng tăng của công dân, bảo đảm phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế. Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH Hà Văn Hiền đồng tình với quan điểm trên và cho rằng cần tạo thành thói quen ban hành luật về một vấn đề cụ thể nếu như nó liên quan đến đời sống nhân dân và có lợi cho đất nước. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên khẳng định sự quan trọng của việc ban hành Luật Lý lịch tư pháp trong điều kiện đất nước đang hội nhập, “bởi không chỉ thành lập cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước mà còn giúp cung cấp phiếu lý lịch tư pháp cho các cơ quan có nhu cầu”, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên nói.

Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Ksor Phước; Chủ nhiệm UB Quốc phòng, an ninh của QH Lê Quang Bình lại cho rằng cần nghiên cứu kỹ khi ban hành Luật này và đề nghị chỉ nên ban hành pháp lệnh hoặc nghị định vì phạm vi quản lý lý lịch tư pháp như dự thảo Luật quá hẹp. Ông Lê Quang Bình đặt câu hỏi: việc một người bị kết án mà có tới 3 cơ quan quản lý hồ sơ: Công an, Tòa án, Bộ Tư pháp liệu có phù hợp và cần thiết không? Hơn nữa, trong lý lịch tư pháp có những thông tin công khai, thông tin bí mật, bây giờ lại được cung cấp công khai ( khi đã đưa vào cơ sở dữ liệu mà không mã hóa, thì coi như công khai) sẽ dẫn đến tình trạng chỗ thì coi là bí mật, chỗ thì công khai. Việc bắt Tòa án, Viện kiểm sát, Công an phải cung cấp thông tin cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia có điều gì đó không ổn, bởi cơ quan này chỉ là đơn vị sự nghiệp...

Vấn đề Lý lịch tư pháp bao gồm “tiền án, tiền sự” hay chỉ đơn giản là “án tích” cũng nhận được hai luồng ý kiến từ các Ủy viên thường vụ QH. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Ksor Phước cho rằng không nên quá nhấn mạnh vào vấn đề án tích mà cần bổ sung cả phần tiền sự với một giới hạn cụ thể, ví dụ như đã có hành vi phạm tội, nhưng ví lý do nào đó không đưa ra truy tố. Lý lịch tư pháp với đầy đủ các nội dung trên sẽ giúp xã hội chủ động phòng ngừa các hoạt động tội phạm, giúp người sử dụng lao động nắm được lý lịch người lao động chủ động giúp đỡ họ hòa nhập cộng đồng. Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận cho rằng nên hiểu án tích là bao gồm cả tiền án, tiền sự và đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ hơn về vấn đề này bởi lý lịch tư pháp còn rất cần cho các cơ quan sử dụng người lao động.

Theo Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba cần giữ nguyên quan điểm của Ban soạn thảo là lý lịch tư pháp chỉ nên ghi án tích và tình trạng thi hành bản án và cho rằng “mục đích của quản lý nhà nước về lĩnh vực lý lịch tư pháp là đáp ứng nhu cầu của cá nhân chứng minh người đó có hay không có án tích; ghi nhận việc xóa án tích, tạo điều kiện cho người đã từng bị kết án tái hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự và thống kê tư pháp hình sự”. Thực tiễn việc cấp phiếu lý lịch tư pháp thời gian qua cho thấy, khi cơ quan, tổ chức ở trong nước hoặc nước ngoài có nhu cầu cần biết nhân thân tư pháp của một người để phục vụ quản lý nhân sự, làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh..., điều mà cơ quan, tổ chức quan tâm là án tích và tình trạng thi hành bản án của người đó.

Các Ủy viên UB cũng cho nhiều ý kiến vào vấn đề tổ chức quản lý lý lịch tư pháp và đề nghị chỉ thành lập Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia tại Bộ Tư pháp, có nhiệm vụ xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp quốc gia. Nhiệm vụ cập nhật thông tin và cấp phiếu lý lịch tư pháp tại các địa phương được giao cho Sở tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện...

THU HƯƠNG - BÍCH THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết