19/09/2009 - 09:00

Kết thúc phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chiều 18-9, phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết thúc. Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết: trong 8 ngày làm việc vừa qua, Ủy ban đã hoàn thành việc thảo luận, góp ý kiến vào 8 dự án Luật (Thuế tài nguyên; Thuế nhà, đất; Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Thi hành án dân sự; Nuôi con nuôi; Người Tàn tật). Ủy ban cũng Giám sát chuyên đề về hoạt động đấu tranh phòng, chống tham nhũng, việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền (Tòa án, Viện kiểm sát, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ) trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2009 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, báo cáo của Chính phủ về các mặt công tác thi hành án, phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2009. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo về công tác dân nguyện, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2009; xem xét, quyết định việc bổ sung biên chế và số lượng Kiểm sát viên, Điều tra viên Viện kiểm sát nhân dân các cấp trong các năm 2009 và 2010; cho ý kiến về việc bổ sung biên chế của Kiểm toán Nhà nước các năm 2009 và 2010; Thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung mục III Bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước và đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ban hành kèm theo Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30-9-2004 về việc phê chuẩn bảng lương chức vụ, bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo Nhà nước; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát...

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan cần sớm hoàn chỉnh, tiếp thu, chỉnh lý các Dự án luật đã được cơ bản nhất trí để có thể đưa một số Dự án ra trình tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội (khóa XII). Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan hữu quan sớm hoàn chỉnh các phần việc được giao, tích cực chuẩn bị cho phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (từ 28-9 đến 3-10) và kỳ họp thứ 6 (Quốc hội khóa XII) dự kiến khai mạc vào ngày 20-10-2009.

Chiều cùng ngày, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về Dự án Luật Người Tàn tật (NTT).

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Dự án Luật NTT nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NKT, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện pháp luật tạo điều kiện để NKT có cơ hội bình đẳng và từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần, thực hiện Công ước quốc tế liên quan đến NKT mà Việt Nam là thành viên và yêu cầu hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực liên quan. Việc thực hiện Pháp lệnh về NTT năm 1998 đã góp phần thay đổi nhận thức xã hội về NKT; tạo môi trường pháp lý, môi trường xã hội thuận lợi để NKT hòa nhập cộng đồng; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia trợ giúp NKT. Tuy nhiên, qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh vẫn còn nhiều cơ chế, chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống hoặc chưa được thực hiện đầy đủ...

Với quy định về nhà ở và công trình công cộng (khoản 2, 3, 4 Điều 27), đa số thành viên Ủy ban đồng tình với nội dung trong Tờ trình Chính phủ là cần có một lộ trình phù hợp để thực hiện những quy định này. Trước mắt có thể lựa chọn một số vấn đề ưu tiên và có tính khả thi để quy định trong Luật như việc đi lại của NKT trong thành phố bằng xe lăn; các công trình công cộng, các phương tiện giao thông phải thuận lợi cho NKT tiếp cận; khi sửa chữa, cải tạo và xây dựng mới các công trình công cộng sử dụng ngân sách Nhà nước phải tuân thủ quy chuẩn tiếp cận cho NKT và cho cả người già, người có con nhỏ hay người bệnh. Đối với các công trình sử dụng các nguồn vốn khác, Nhà nước cần có chính sách để khuyến khích thực hiện các quy chuẩn nói trên.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị ban soạn thào cần nghiên cứu, bổ sung một số nội dung vào Dự án Luật như: Chính sách xã hội hóa trong chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề... cho NKT; quyền được trợ giúp pháp lý của NKT; các quy định về quyền bình đẳng, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em khuyết tật - những đối tượng chịu nhiều rủi ro hơn trong nhóm NKT; khẳng định trách nhiệm của gia đình, sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội đối với NKT... Ban soạn thảo cũng cần tiếp tục bổ sung các số liệu, phân tích và dự kiến nguồn lực tổ chức thực hiện các chính sách để bảo đảm tính khả thi của Luật khi được Quốc hội thông qua...

PHÚC HẰNG (TTXVN)

PHÚC HẰNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết