25/06/2015 - 10:27

Nhịp cầu dân cử

Kết quả phát triển mô hình cánh đồng lớn

Thực hiện ý kiến, kiến nghị sau giám sát của Thường trực HĐND và các Ban của HĐND thành phố về kết quả phát triển mô hình cánh đồng lớn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, báo cáo như sau:

Việc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ theo mô hình cánh đồng lớn mang ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm cải thiện cuộc sống nông dân trồng lúa; đồng thời là tiền đề giúp doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu tạo sản phẩm đồng nhất, xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam, khẳng định vị thế xuất khẩu và gia tăng giá trị lúa gạo. TP Cần Thơ đã sớm triển khai xây dựng mô hình cánh đồng lớn từ vụ hè thu 2011 (quy mô 400 ha tại huyện Vĩnh Thạnh), tiếp tục duy trì và mở rộng: năm 2012 đã mở rộng 33 mô hình với diện tích 8.867 ha, năm 2013 thực hiện 112 mô hình với diện tích 25.760 ha, năm 2014 thực hiện 188 mô hình với 39.030 ha, vụ đông xuân 2014-2015 thực hiện 75 cánh đồng với diện tích 17.630 ha.

Mô hình cánh đồng lớn đã hình thành các nhóm nông dân tham gia sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GAP. Trong đó, có 63 ha lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP tại ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh và 100 ha lúa đạt tiêu chuẩn Global GAP tại D2, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh.

Nông dân tham gia trên tinh thần tự nguyện, được cán bộ kỹ thuật nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật canh tác, hướng dẫn cách ghi chép sổ tay (theo mẫu) trong quá trình sản xuất lúa,…

Nông dân liên kết sản xuất lúa xuống giống theo lịch khuyến cáo, sử dụng giống xác nhận, sản xuất cùng một loại giống theo yêu cầu của doanh nghiệp. Các giống lúa được sản xuất: lúa thơm Jasmine 85, Nàng Hoa 9, DS1, lúa chất lượng cao OM 4218, OM 5451,....

Nông dân được tập huấn kỹ thuật 1 phải - 5 giảm, gieo sạ "né rầy, ôm nước", riêng mô hình tại Cờ Đỏ và Thốt Nốt còn ứng dụng công nghệ sinh, trồng hoa quanh bờ ruộng để thu hút thiên địch, sản xuất và sử dụng chế phẩm sinh học để quản lý sâu rầy tại các mô hình quận Thốt Nốt, giúp giảm sử dụng thuốc trừ sâu, rầy trên ruộng; liên kết sản xuất với tiêu thụ, trên cơ sở đó mở rộng liên kết "4 nhà".

Các khâu cơ giới hóa sản xuất lúa chủ yếu (làm đất, bơm tưới, thu hoạch) đã được cơ giới hóa hoàn toàn. Việc đẩy mạnh thực hiện công tác cơ giới hóa trên đồng ruộng đã góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao chất lượng hạt gạo.

Tổ chức liên kết ký hợp đồng giữa doanh nghiệp và các tổ hợp tác sản xuất trong cánh đồng về cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Các doanh nghiệp tham gia liên kết: Công ty Cổ phần Gentraco, Công ty TNHH Trung An, DNTN Ngọc Tiền, DNTN Thắng Lợi, Công ty TNHH Nông Sản Vinacam Cờ Đỏ, Công ty lương thực Sông Hậu, Công ty cổ phần Mekong, Công ty Tân Thành, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, Nông trường Sông Hậu, Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật, Trại giống Cờ Đỏ,... Các công ty họp dân, ra giá và triển khai thu mua cho bà con trong mô hình cánh đồng lớn với giá bằng và cao hơn ngoài thị trường khoảng 100-200 đồng/kg.

Kết quả thực hiện mô hình cánh đồng lớn đã mang lại hiệu quả:

- Tổng chi phí sản xuất thấp hơn so với ngoài mô hình 3,51%-6,19% (thu đông 2014 và hè thu 2014)

- Năng suất tăng hơn 3,27%-3,6% so ngoài mô hình (đông xuân 2013-2014, thu đông 2014)

- Lợi nhuận: Tỷ lệ lợi nhuận mô hình cao hơn 19,53%- 24,05% (đông xuân 2013-2014, hè thu 2014, thu đông 2014).

- Nông dân biết cách quản lý dịch hại trên đồng ruộng, lựa chọn các loại thuốc sinh học trong phòng trừ dịch hại và sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng, giảm 2-5 lần phun thuốc bảo vệ thực vật nên đã góp phần giảm ô nhiễm môi trường hướng đến nền nông nghiệp xanh.

Chia sẻ bài viết