06/11/2014 - 21:23

Kết nối trong thu hút đầu tư để ĐBSCL phát triển

* ĐBSCL giới thiệu 67 dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tổng vốn 22.589 tỉ đồng và 1,402 tỉ USD
* SÓC TRĂNG: Khởi công xây dựng Bệnh viện Đa khoa Trần Đề

(CT)- Sáng 6-11, trong khuôn khổ MDEC Sóc Trăng 2014, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL. Các đại biểu tham dự hội nghị đều cho rằng, ĐBSCL cần liên kết chặt chẽ trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; kết nối chặt với nhau mới có thể cùng nhau vươn xa hơn ra thị trường quốc tế.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng và nhà đầu tư ký kết bản ghi nhớ cam kết đầu tư dự án tại địa phương này. Ảnh: ANH KHOA

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 9-2014, toàn vùng ĐBSCL có 903 dự án FDI còn hiệu lực, vốn đầu tư đăng ký hơn 11,8 tỉ USD, chiếm gần 5,3% về dự án và 4,9% về vốn đăng ký đầu tư cả nước. Trong đó, chỉ có 52 dự án đầu tư trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp- thủy sản, vốn đăng ký 242,5 triệu USD. Toàn vùng có khoảng 38.000 doanh nghiệp trong nước đang hoạt động. Tại hội nghị, các đại biểu đều khẳng định ĐBSCL có rất nhiều tiềm năng về nông nghiệp, nhiều mặt hàng nông sản của vùng đã trở thành sản phẩm chiến lược quốc gia và ĐBSCL là vựa nông sản (lúa gạo, thủy sản) của thế giới. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của vùng chưa bền vững, đầu ra của nhiều mặt hàng nông sản bấp bênh do quy hoạch và phát triển sản phẩm thiếu chiến lược, tiếp cận thị trường khó, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng (đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải) yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, vùng nguyên liệu chưa được đầu tư bài bản… khiến thu hút đầu tư vào vùng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thu hút vốn FDI. Từ thực tế này, các đại biểu cho rằng, để thu hút đầu tư vào vùng, ĐBSCL cần đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế; phải có quy hoạch vùng nguyên liệu đồng bộ gắn với nhà máy và có chính sách hỗ trợ vốn, công nghệ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh tế…

Trong khuôn khổ hội nghị, các địa phương vùng ĐBSCL đưa ra 67 dự án mời gọi các nhà đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tổng vốn đăng ký 22.589 tỉ đồng và 1,402 tỉ USD. Tại hội nghị, có 3 nhà đầu tư ký kết bản ghi nhớ đầu tư vào tỉnh Sóc Trăng, gồm: Nhiệt điện Long Phú 2, công suất 1.320 MW, tổng vốn dự án 2,190 tỉ USD do Công ty Tata Power đầu tư; Nhà máy điện gió Phú Cường 1, do Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Cường đầu tư, tổng vốn đầu tư 436 triệu USD; dự án Nhà máy điện gió Vĩnh Châu do Công ty cổ phần Thương mại sản xuất và dịch vụ tổng hợp (Trasesco) và Công ty EAB New Energy GmbH (Đức) đầu tư, tổng vốn đầu tư 250 triệu USD.

* Ngày 6-11-2014, tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức khởi công xây dựng công trình Bệnh viện Đa khoa Trần Đề, tại ấp Đầu Giồng, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề. Tham dự có đồng chí Vũ Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.

Bệnh viện Đa khoa Trần Đề được xây dựng trên diện tích đất 11.673m2, với quy mô 100 giường. Công trình bao gồm 1 khối chính 3 tầng với diện tích sàn 9.440m2 cho bộ phận nghiệp vụ chuyên môn và các khối phụ trợ như: khu cấp cứu, kỹ thuật nghiệp vụ, khám điều trị nội trú, ngoại trú và một số hạng mục khác như hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn y tế… Tổng số vốn đầu tư trên 119,7 tỉ đồng, từ nguồn vốn xã hội hóa của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Công trình do Sở Y tế làm chủ đầu tư.

Theo ông Trương Hoài Phong, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng dự kiến công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2016. Trần Đề là vùng ven biển có đông đồng bào Khmer khi bệnh viện đưa vào sử dụng sẽ đáp ứng nhu cầu khám và chữa bệnh của nhân dân trong huyện.

GIA BẢO- DUY ANH

Chia sẻ bài viết