24/01/2015 - 16:55

Tiến sĩ Geraldine L. Richmond - Đặc sứ Khoa học Hoa Kỳ:

KẾT NỐI NHÀ KHOA HỌC HOA KỲ VÀ VIỆT NAM TRONG HỢP TÁC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Mới đây, Tiến sĩ Geraldine L. Richmond - Đặc sứ Khoa học Hoa Kỳ có chuyến thăm, làm việc và trò chuyện cùng các nhà khoa học, sinh viên Trường Đại học Cần Thơ xung quanh hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ năng sử dụng phần mềm trong học tập, giải quyết việc làm của sinh viên khi ra trường... Chuyến thăm là cơ hội mở rộng mối quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các nhà khoa học Việt Nam nói chung và Trường Đại học Cần Thơ nói riêng. Tiến sĩ Geraldine L. Richmond cho biết:

- Đây là chuyến thăm đầu tiên của tôi trong vai trò là Đặc sứ Khoa học và Công nghệ Hoa Kỳ năm 2015. Chuyến thăm với mục đích hỗ trợ sáng kiến của Chính phủ Hoa Kỳ về tăng cường quan hệ khoa học và giáo dục giữa Hoa Kỳ và các nước; trong đó có sự tăng cường phối hợp, hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các nhà khoa học Hoa Kỳ và Việt Nam... Trong chuyến thăm này, tôi đặc biệt quan tâm các nước hạ nguồn sông Mê Công, tìm hiểu mong mỏi của các nhà khoa học Việt Nam trong nghiên cứu khoa học. Khi về Hoa Kỳ sẽ tìm cơ hội để kết nối với các tổ chức, nhà khoa học, chương trình nghiên cứu của Hoa Kỳ để cùng hợp tác, phát triển. Sự phối hợp này còn đẩy mạnh mối quan hệ, hợp tác của Hoa Kỳ và Việt Nam sau 20 năm bình thường hóa mối quan hệ.

 Bà đánh giá thế nào về mối quan hệ, hợp tác phát triển giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thời gian qua?

      Tiến sĩ Geraldine L. Richmond - Đặc sứ Khoa học Hoa Kỳ (hàng đầu, thứ 2 từ trái sang) giao lưu và chụp ảnh lưu niệm với sinh viên Trường ĐH Cần Thơ. Ảnh: H.V

- Theo chương trình về tăng cường mối quan hệ khoa học và giáo dục giữa Hoa Kỳ và các nước khác, nhiều nhà khoa học cùng khảo sát và tìm hiểu những mối quan tâm của các nhà khoa học tại các địa phương để phối hợp, hỗ trợ nghiên cứu. Năm nay, Đặc sứ Khoa học và Công nghệ Hoa Kỳ đến 3 nước trên thế giới; trong đó có Việt Nam. Việc lựa chọn này nói lên tầm quan trọng của Việt Nam đối với các nhà khoa học ở Hoa Kỳ. Tôi rất mừng vì Việt Nam có nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp Hoa Kỳ sang đầu tư phát triển, kinh doanh trong lĩnh vực kinh tế, đầu từ phát triển cơ sở hạ tầng giáo dục... Sau chuyến công tác, chúng tôi sẽ có nhiều hoạt động để kết nối các tổ chức, nhà khoa học, trường đại học Hoa Kỳ hỗ trợ, hợp tác đào tạo, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng giáo dục ở Việt Nam, nhất là khu vực ĐBSCL.

 ĐBSCL có đặc điểm gì để có thể thu hút nhà khoa học Hoa Kỳ cùng hợp tác phát triển nghiên cứu khoa học, thưa bà?

- TP Cần Thơ, trung tâm khu vực ĐBSCL và một số địa phương lân cận có nguồn tài nguyên nước rất phong phú, hệ sinh thái đa dạng... Đây là nguồn tư liệu thu hút các nhà khoa học Hoa Kỳ phối hợp cùng nghiên cứu để bảo tồn nguồn tài nguyên này thời gian tới, góp phần đưa giải pháp hạn chế những tác hại xấu do biến đổi khí hậu gây ra.

 Theo bà, lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, nhất là khu vực ĐBSCL có tiềm năng gì để tăng cường hợp tác?

- Tôi rất mừng và phấn khởi về tiềm năng hợp tác và nghiên cứu khoa học giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Nhiều năm qua, Hoa kỳ có rất nhiều chương trình hợp tác với Việt Nam để phát triển giáo dục, nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học Hoa kỳ sang giảng dạy, nghiên cứu tại Việt Nam. Hoa Kỳ cũng đón nhận các nhà khoa học, học sinh Việt Nam sang nghiên cứu và học tập. Nhìn chung, Việt Nam và Hoa Kỳ luôn quan tâm, hợp tác cùng phát triển giáo dục, trao đổi nghiên cứu khoa học. Qua chuyến công tác này, ấn tượng của tôi về thầy cô giáo và sinh viên Việt Nam, đặc biệt là sinh viên Trường Đại học Cần Thơ là sự thông minh, năng động và chịu khó học tập. Theo tôi, sự kết nối các nhà khoa học, sinh viên Việt Nam và Hoa Kỳ trong hợp tác giáo dục là cách phát triển bền vững và hiệu quả nhất để cung cấp nguồn lực phát triển quốc gia.

 Thưa bà, Đặc sứ Khoa học và Công nghệ Hoa Kỳ hỗ trợ gì để sinh viên, nhà khoa học Việt Nam, đặc biệt khu vực ĐBSCL tiếp cận, trao đổi học tập, nghiên cứu?

- Sinh viên Việt Nam cần cù, chịu khó học tập, nghiên cứu; có khả năng trao đổi, học hỏi ở các nước trên thế giới. Tại Hoa Kỳ có nhiều nhà khoa học rất ham thích làm việc, hợp tác với nhà khoa học, sinh viên Việt Nam trong nghiên cứu khoa học, trao đổi kinh nghiệm. Tôi sẽ kết nối họ với nhau để cùng nghiên cứu và đưa ra giải pháp phát triển tri thức... Một trong những vấn đề tôi quan tâm trong chuyến công tác này là thiết lập, củng cố mối quan hệ hợp tác và mạng lưới nghiên cứu giữa các nhà khoa học, kỹ sư các lĩnh vực như: chuẩn bị ứng phó và giảm nhẹ thiên tai, môi trường tại khu vực ĐBSCL; nguồn nước cho nhu cầu sử dụng của con người và mối quan hệ giữa nước và năng lượng; các công nghệ năng lượng thân thiện với môi trường... Đây là vấn đề mà chúng tôi có thể phối hợp, liên kết cùng các nhà khoa học trong khu vực triển khai nghiên cứu, thực hiện để đưa ra giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu.

 Xin cảm ơn bà!

HÀ VĂN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết