26/02/2012 - 10:03

Karatedo - Điểm sáng của thể thao thành tích cao Cần Thơ

Các vận động viên karatedo tích cực luyện tập cho Hội khỏe Phù Đổng 2012.

Trong số các môn thể thao thành tích cao của Cần Thơ, có lẽ karatedo là môn duy trì được sự ổn định nhất. Để được như vậy, môn karatedo cũng phải trầy trật vượt qua chặng đường lắm gian truân.

Vào đầu những năm 2000, phong trào karatedo ở Cần Thơ còn rất sơ khai. Chỉ có quận Ninh Kiều được một CLB mở khóa dạy với vài chục võ sinh theo học nên karatedo Cần Thơ chưa có tên trong làng võ thuật Việt Nam.

Nguyễn Anh Tuấn tốt nghiệp Trường Đại học TDTT TP HCM năm 2001. Vừa tròn 24 tuổi, anh quyết định không về quê ở Lâm Đồng, mà khăn gói lên đường lập nghiệp ở xứ Tây Đô. Hành trang của Tuấn lúc đó chỉ có tấm bằng cử nhân chuyên ngành võ thuật, vừa đủ chuẩn để anh xin vào công tác tại Trường Năng khiếu TDTT Cần Thơ.

Khi mới về trường, Nguyễn Anh Tuấn phải ngược xuôi khắp các quận huyện để liên hệ với các trường học mở CLB dạy karatedo, tạo nguồn tuyển chọn vận động viên năng khiếu. Việc mở các CLB cực kỳ khó vì phần đông phụ huynh lo sợ con cái họ học môn võ này dễ bị chấn thương. Nguyễn Anh Tuấn phải mất rất nhiều thời gian giải thích về võ karatedo và thuyết phục các bậc phụ huynh. Thấy sự tận tâm của thầy Tuấn, mọi người dần ủng hộ, nhất là khi thấy con cái họ tăng sức khỏe, rèn luyện được ý chí và nghị lực.

Tiếng lành đồn xa, số võ sinh theo học môn karatedo tại các CLB trên địa bàn thành phố ngày một đông. Đó là thuận lợi tạo lực lượng dồi dào cho tuyển chọn VĐV thi đấu đỉnh cao. Đến nay karatedo đã có mặt ở khắp các quận huyện ngoại thành trừ Vĩnh Thạnh và Phong Điền. Nguyên nhân là ở Vĩnh Thạnh chưa có nhân sự dạy karatedo, còn ở Phong Điền thì phong trào Vovinam phát triển mạnh. Hiện nay trung bình các CLB karatedo có khoảng 50-70 võ sinh theo tập. Đông võ sinh nhất là các CLB ở Trường An Thới 2 (quận Bình Thủy) do thầy Tuấn Khanh phụ trách, Trường Châu Văn Liêm (quận Ô Môn) của thầy Trình Tấn Cảnh và Trường Phú Thứ (quận Cái Răng) do thầy Lê Hoàng U đảm nhận.

HLV Nguyễn Anh Tuấn tâm sự: “Năm 2001 khi tôi mới về Cần Thơ thì karatedo chưa có gì. Đến năm 2003, trường năng khiếu mới tuyển được 10 học sinh lấy từ các giải thi đấu ở các trường học. Những năm đó karatedo chưa được đầu tư nhiều. Nhìn mấy em ra thi đấu mà cảm thấy xót xa: người ta đầu tư quần áo thi đấu có giá vài triệu đồng, còn mình thì chỉ có áo tập bình thường”.

Với tinh thần kiên trì, HLV Nguyễn Anh Tuấn đã quyết tâm gầy dựng karatedo thành một thế mạnh của Cần Thơ. Tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2000 ở Đồng Tháp, karatedo Cần Thơ không có huy chương vàng nào. Nhưng đến năm 2004 tại Huế và 2008 tại Phú Thọ, karatedo đã đóng góp 1 trong 2 HCV của đoàn Cần Thơ. Năm 2010, Cần Thơ lại giành được 2 HCV tại giải karatedo trẻ, và 2 HCV giải cúp các đội mạnh. Năm 2011 là năm thăng hoa của karatedo Cần Thơ khi gặt hái được thành công: giành được 3 HCV, 6 HCB, 2 HCĐ tại Đại hội TDTT Đồng bằng sông Cửu Long, 4 HCV ở giải trẻ quốc gia và 1 HCV, 5 HCB, 4 HCĐ ở giải cúp các đội mạnh. Rồi tham dự giải Vô địch karatedo toàn quốc 2011, Cần Thơ đoạt được 2 HCB. Phải thấy rằng việc đoạt được huy chương ở giải vô địch toàn quốc là cực kỳ khó. Ở giải này chỉ có 18 bộ huy chương, trong đó có 4 bộ kata (biểu diễn) là chắc chắn thuộc về các đội mạnh như Hà Nội, TP HCM và Công an, còn lại 14 bộ huy chương mà có tới 40 tỉnh, thành tranh chấp.

Karatedo Cần Thơ cũng đã góp 5 gương mặt sáng giá vào đội tuyển và trẻ quốc gia: đó là Phạm Hoàng Nhi và Lê Văn Tâm ở tuyển quốc gia; Nguyễn Thành Đạt, Phạm Thanh Đạt và Bùi Thị Ngọc Hân ở trẻ quốc gia.

Với thành tích ổn định ngày một tốt hơn trong thời gian qua, karatedo hiện được xem là một trong 7 môn mũi nhọn của TP Cần Thơ tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ 8 sắp tới. Chỉ tiêu 5 HCV tại HKPĐ là khá cao, nhưng HLV và các vận động viên tự tin có thể đạt được. Các vận động viên karatedo đang luyện tập tích cực chuẩn bị cho HKPĐ.

Bài, ảnh: N. MINH

Chia sẻ bài viết