26/10/2020 - 08:15

Du lịch giáo dục, hướng nghiệp

Hướng mở mới cho nguồn nhân lực 

Học tập trải nghiệm và mở rộng kiến thức bên ngoài giảng đường đang là mô hình được nhiều nơi áp dụng. Tại Cần Thơ, mô hình du lịch giáo dục, hướng nghiệp đang dần hình thành từ khi nhiều trường đại học, cao đẳng kết hợp với các công ty du lịch, khách sạn, nhà hàng. Đây cũng là một hình thức trải nghiệm tạo ra nhiều lợi ích cho cả giáo dục và du lịch.

Sinh viên học tập mô hình du lịch nông nghiệp tại Bảo Gia Farm Camping.

Sinh viên (SV) khóa 44, ngành Việt Nam học của Trường Ðại học Cần Thơ vừa trải nghiệm mô hình du lịch giáo dục, hướng nghiệp tại Bảo Gia Farm Camping. Tại đây, các SV tham gia nhiều hoạt động hình thành, trao đổi các kỹ năng: làm việc nhóm, xây dựng ý tưởng thuyết trình, hùng biện cho một vấn đề thực tế… Huỳnh Phúc Nhi, chuyên viên tổ chức sự kiện tại Hải Âu Tourist, chịu trách nhiệm chính trong khóa huấn luyện về kỹ năng mềm cho SV tham gia mô hình, chia sẻ: “Qua những buổi làm việc, đa phần các bạn vẫn còn thiếu kinh nghiệm thực tế, kiến thức còn mang tính lý thuyết. Vì vậy, những buổi trao đổi như thế này sẽ giúp các bạn rèn luyện thêm nhiều kỹ năng mềm, hỗ trợ các bạn thể hiện cá tính và bản lĩnh, mạnh dạn đưa ra ý tưởng. Ðiều này sẽ hữu ích khi các bạn bước vào những môi trường làm việc chuyên nghiệp sau này”. Buổi học dần trở nên sôi động với những cuộc tranh luận ý tưởng và giải quyết những tình huống phát sinh trong quá trình tổ chức một sự kiện thực tế mà ban huấn luyện đưa ra. Từ đó, SV tiếp thu kiến thức mới, vận dụng lý thuyết vào thực tế hiệu quả hơn.

SV tham gia mô hình còn được học tập tại những khu sản xuất nông sản, chăn nuôi của nông trang. Qua từng khu, SV được các kỹ sư, chuyên viên phụ trách hướng dẫn và chia sẻ thêm nhiều kiến thức về cách trồng, chăm sóc cây theo kỹ thuật hữu cơ, cách chăm sóc thỏ, dê, cũng như việc ứng dụng sản xuất nông nghiệp kết hợp với phát triển du lịch, trang bị thêm nhiều kiến thức và kỹ năng trong tiếp cận mô hình du lịch nông nghiệp. Trần Mỹ Thanh, SV khóa 44, ngành Việt Nam học, Trường Ðại học Cần Thơ, cho biết: “Những tiết học thực tế giúp em có thêm kiến thức thực tiễn về tự nhiên, học hỏi chăm sóc cây trồng bằng phương pháp hữu cơ, hòa mình với cuộc sống nông trại, về mô hình du lịch nông nghiệp. Bản thân em tự tin có thêm hành trang cho công việc sau này”. Ðồng quan điểm, SV Ðỗ Trọng Tín cho biết: “Khi ở trường, em học được những kiến thức tạo nền tảng, còn học ở đây bổ sung kỹ năng mềm qua những giờ thực hành. Sự kết hợp này tạo hiệu quả thiết thực, giúp em có những định hướng nghề nghiệp tốt hơn, nhất là việc gắn bó với mô hình du lịch nông nghiệp ở ÐBSCL”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, Phó Giám đốc Hải Âu Tourist, Giám đốc dự án Bảo Gia Farm Camping, thông tin: “Chúng tôi đã có sự liên kết với Trường Ðại học Cần thơ từ năm 2017, trong đó bao gồm nhiều nội dung: du lịch sự kiện, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, homestay… Việc hợp tác này mang đến nhiều lợi ích. Ðầu tiên là tạo môi trường rèn luyện giúp SV được trang bị kiến thức và kỹ năng mềm, định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Bên cạnh đó đảm bảo đầu ra cho SV, đồng thời đáp ứng nhu cầu nhân sự có chuyên môn, kinh nghiệm cho mảng du lịch ở Cần Thơ. Cụ thể, khoảng 2/3 nhân sự đang làm việc tại công ty là từ quá trình đào tạo này. Mặt khác, nhân sự của các đơn vị lữ hành, dịch vụ khác cũng có nguồn từ đây khá nhiều, vì các bạn đã trải qua quá trình rèn luyện, sàng lọc và đáp ứng về chuyên môn lẫn kinh nghiệm”. Lê Thành Hiếu, SV khóa 43, ngành Việt Nam học, Trường Ðại học Cần Thơ, hiện là cộng tác viên tại Hải Âu Tourist, cho biết: “Việc học tập và trao đổi như thế này cho SV những va chạm thực thế, từ đó, giúp SV có nhiều kỹ năng hơn về quản lý thời gian, quản lý đám đông và cả những kiến thức nền vững chắc về các mô hình, xu hướng du lịch mới. Ðây là những nền tảng rất tốt và mới mẻ, khơi gợi sự sáng tạo và niềm đam mê với nghề hơn khi triển khai trong thực tế”.

Du lịch giáo dục, hướng nghiệp là mô hình được áp dụng nhiều nơi trên thế giới và vẫn đang được ưa chuộng. Ðặc biệt, tại Việt Nam, mô hình này thường được gắn kết với các trường quốc tế hoặc chương trình giao lưu văn hóa, hợp tác quốc tế giữa các địa phương, các trường đại học. Riêng tại ÐBSCL và Cần Thơ, mô hình này cũng đã hình thành từ khá lâu nhưng chưa được quan tâm, bởi quá trình kết nối và lan tỏa còn hạn chế. Do đó, sự liên kết giữa Trường Ðại học Cần Thơ và Hải Âu Tourist là mô hình thiết thực và cần được phát huy, khi mô hình này góp phần bổ sung nguồn nhân lực cho du lịch Cần Thơ và ÐBSCL theo hướng ngày càng nâng cao chất lượng. Nhất là trong bối cảnh nguồn nhân lực cho du lịch qua đào tạo của Cần Thơ chỉ chiếm khoảng 59% (năm 2019). Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương cho biết thêm: “Thời gian qua, chúng tôi liên kết với Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa Ngoại ngữ; sắp tới sẽ mở rộng thêm ở các khoa khác: Kinh tế, Sư phạm, Nông nghiệp… của Trường Ðại học Cần Thơ và các trường đại học, cao đẳng khác nếu có sự quan tâm kết nối. Với việc vận hành và xây dựng nền tảng mô hình du lịch giáo dục khoảng 5 năm, chúng tôi kỳ vọng sẽ phát triển thêm những mô hình mới để thu hút SV và học sinh quốc tế đến gần hơn với SV Việt Nam. Ðó là quá trình trao đổi, giao lưu và trui rèn cần thiết cho nhân sự tương lai, nhất là trong lĩnh vực du lịch luôn đòi hỏi sự năng động”.

Lợi ích của du lịch giáo dục, hướng nghiệp là kết hợp đào tạo đồng thời rèn luyện và sàng lọc nguồn nhân sự chất lượng. Ðó là quá trình trải nghiệm hữu ích với người học, cũng là bước tạo nền vững chắc thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương trong tương lai. Khi nguồn nhân lực tốt, chất lượng dịch vụ mới đảm bảo có sự thích ứng với những diễn biến bất ngờ, đơn cử như đại dịch COVID-19 vừa qua, để phát triển bền vững.

Bài, ảnh: ÁI LAM

Chia sẻ bài viết