26/01/2023 - 17:36

Hướng đến thành phố xanh thân thiện môi trường 

Bài, ảnh: T. TRINH

Công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn TP Cần Thơ luôn được quan tâm, là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Thành phố đã và đang triển khai nhiều hoạt động để cải thiện môi trường hướng đến xây dựng thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường…

Một góc TP Cần Thơ xanh - sạch - đẹp.

Theo ông Ðỗ Thanh Thảo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Cần Thơ, một trong những giải pháp quan trọng đã và đang được TP Cần Thơ tập trung triển khai thực hiện, đó là triển khai các quy định của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Ðây là các văn bản pháp lý rất quan trọng nhằm phát huy vai trò của hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trong việc tham gia vào các hoạt động BVMT từ hoạch định chính sách đến tổ chức giám sát thực hiện. Trong đó, doanh nghiệp, người dân đóng vai trò trung tâm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo pháp luật, cơ chế, chính sách về BVMT.

Trong năm 2022, Sở TN&MT phối hợp với Tổng cục Môi trường tổ chức hội nghị tập huấn triển khai văn bản pháp luật về BVMT với sự tham dự khoảng 400 đại biểu gồm các sở, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, UBND quận, huyện, xã, phường, thị trấn và các doanh nghiệp trên địa bàn. Công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về BVMT, vận động cộng đồng chung tay BVMT còn được lồng ghép thông qua các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường, Giờ trái đất, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn... Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về BVMT cho các hội viên thuộc các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố như Ủy ban MTTQ, Hội Cựu chiến binh, Hội LHPN…

Trong công tác quản lý chất thải rắn, khối lượng thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố khoảng 122.850 tấn, trung bình 630 tấn/ngày; khối lượng chất thải y tế được thu gom, xử lý là 581,5 tấn, trung bình 2,98 tấn/ngày; chất thải nguy hại phát sinh ước khoảng 30-35 tấn/ngày được các chủ nguồn thải thu gom, lưu giữ và hợp đồng với các đơn vị chức năng xử lý đúng quy định. Nâng cao năng lực thu gom, vận chuyển chất thải rắn, Sở TN&MT thành phố rà soát, cập nhật định hướng quy hoạch mạng lưới trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Ðồng thời, đôn đốc các quận, huyện triển khai công tác đấu thầu thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn năm 2022 và những năm tiếp theo. Phối hợp với các sở, ngành, UBND quận, huyện hoàn thiện bộ tiêu chí mời gọi nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý chất thải rắn số 2 Cần Thơ tại Khu xử lý chất thải rắn huyện Thới Lai. Cùng đó, phối hợp các sở, ban, ngành, UBND quận huyện, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn thành phố. Kết quả tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị của thành phố năm 2022 đạt 98,5%. Mặt khác, Sở tổ chức kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về BVMT của 35 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở xử lý nước thải sinh hoạt, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Sở thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cho 7 dự án, thẩm định cấp giấy phép môi trường cho 34 dự án và xác nhận cấp giấy phép môi trường cho 7 dự án...

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, đề nghị ngành TN&MT thành phố tăng cường công tác quản lý môi trường. Trong đó, sớm tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản quy phạm pháp luật triển khai Luật BVMT năm 2020 thuộc thẩm quyền của địa phương. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất thải rắn, nhất là các giải pháp thu gom, vận chuyển xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải y tế; triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố…

Với những nỗ lực trên, trong năm 2022 TP Cần Thơ đã xuất sắc cùng với 74 thành phố khác trên toàn cầu lọt vào vòng chung kết cho danh hiệu Thành phố xanh toàn cầu - Global OPCC. Ðồng thời, thành phố cũng được mời tham gia Chiến dịch We Love City nhằm kêu gọi sự hưởng ứng của người dân cho sứ mệnh xây dựng một tương lai xanh và bền vững. Bà Lưu Quỳnh Anh, Ðiều phối viên chương trình OPCC tại Việt Nam chia sẻ: Việc tham gia chương trình là cơ hội đưa TP Cần Thơ lên bản đồ thành phố xanh quốc tế, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Ðồng thời, là cơ hội chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm cũng như tìm kiếm tài trợ cho các dự án liên quan đến môi trường, năng lượng xanh, biến đổi khí hậu…

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở TN&MT TP Cần Thơ, công tác BVMT trên địa bàn thành phố vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Ðể công tác BVMT hiệu quả bền vững, lâu dài, ông Phạm Nam Huân, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ, cho biết: Ngành TN&MT thành phố sẽ tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của Chương trình số 27-CTr/TU của Thành ủy Cần Thơ về BVMT “Cần Thơ xanh và sạch”; phòng, chống ô nhiễm và ngập nghẹt thành phố giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch số 94/KH-UBND của UBND thành phố về triển khai thực hiện Chương trình số 27-CTr/TU. Ðồng thời, tổ chức triển khai hiệu quả Luật BVMT năm 2020. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền BVMT, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức về BVMT, đẩy mạnh thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”. Ðẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án đầu tư hệ thống trang thiết bị truyền nhận, phần mềm quản lý, giám sát dữ liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục và xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải và thiết bị giám sát, quản lý khối lượng chất thải rắn...

Chia sẻ bài viết