26/05/2010 - 21:53

Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương

Hướng đến một nền hành chính phục vụ

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông (MCLT) tại cơ quan hành chính (CQHC) Nhà nước ở địa phương theo Quyết định 93/2007/QĐ-TTg ngày 22-6-2007 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là QĐ93), hoạt động cải cách hành chính nói chung, cải cách thủ tục hành chính nói riêng, trên địa bàn thành phố đã có sự chuyển biến tích cực. Việc thực hiện các cơ chế này không chỉ cải thiện mối quan hệ giữa CQHC nhà nước với tổ chức và công dân, bảo đảm tính pháp lý, minh bạch và công bằng trong giải quyết các thủ tục hành chính, mà còn góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước..

* “Dân ngồi, cán bộ chạy”

TP Cần Thơ là một trong những địa phương sớm triển khai đồng loạt cơ chế một cửa ở cấp huyện và cấp xã theo QĐ93. Từ đầu năm 2008, 100% CQHC các cấp trực thuộc thành phố đều triển khai thực hiện cơ chế này. Hiện nay, toàn thành phố có 22 sở, ngành, 9 quận, huyện và 85 xã phường, thị trấn thực hiện cơ chế một cửa. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn thành phố, như: Cục Thuế, Cục Hải quan, Kho Bạc Nhà nước TP Cần Thơ... cũng tích cực tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của người dân theo cơ chế một cửa. Đến nay, hoạt động của bộ phận “một cửa” ở các cơ quan, đơn vị ngày càng đi vào nền nếp; hiệu quả giải quyết công việc cho các tổ chức và cá nhân ngày càng tốt hơn. Ông Nguyễn Khải Hoàn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: “Sau gần 3 năm thực hiện cơ chế một cửa, toàn thành phố đã tiếp nhận và trả kết quả hơn 2,2 triệu hồ sơ của tổ chức và công dân, trong đó tỷ lệ hồ sơ trả đúng và trước hẹn đạt gần 97%”.

Cán bộ bộ phận “một cửa” ở Sở Kế hoạch & Đầu tư (bên trái) đang kiểm tra hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: QUỐC TRƯỞNG 

Nhận xét về cơ chế mới này, chú Võ Văn Hải, ở khu vực 2, phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, khẳng định: “Lúc trước, mỗi lần làm hồ sơ, thủ tục hành chính, người dân phải “chạy” đủ thứ, hồ sơ lỡ mà trục trặc thì phải “chạy” lại từ đầu. Còn bây giờ, chỉ cần nộp hồ sơ một chỗ, qua mấy cửa thì cũng do cán bộ chạy, dân ngồi chờ đến ngày, giờ hẹn để nhận lại hồ sơ, khỏe hơn trước nhiều!”.

Cùng với thực hiện cơ chế một cửa, đầu năm 2008, thành phố đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình một cửa liên thông (MCLT) từ phường lên quận tại phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn. So với “một cửa”, MCLT được xem là ưu việt hơn, bởi ngoài “một cửa”, người dân còn được phục vụ theo quy trình “một cửa, một nơi”, không phải mất nhiều thời gian đến các bộ phận để giải quyết thủ tục. Ông Phùng Chí Công, Chánh văn phòng UBND quận Ô Môn, Trưởng Ban Điều hành Đề án thực hiện mô hình MCLT quận Ô Môn, cho biết: “Lúc mới triển khai thực hiện, do việc phối hợp giữa các ngành chưa chặt chẽ nên còn lúng túng, số hồ sơ trễ hẹn với dân nhiều. Tuy nhiên, khi đã đi vào nền nếp, đa số hồ sơ đều được trả trước và đúng hẹn với người dân. Cụ thể, trong số 1.266 hồ sơ từ phường Châu Văn Liêm liên thông về quận, có 1.068 hồ sơ trả trước và đúng hẹn”. Đa số các hồ sơ thực hiện MCLT đều có thời gian giải quyết ngắn hơn so với thời gian quy định của từng khâu. Cụ thể, trong lĩnh vực địa chính, theo quy định của Trung ương, một hồ sơ chỉnh lý biến động đất đai, tách thửa, chuyển nhượng phải mất tổng cộng 45 ngày làm việc, khi xây dựng Đề án MCLT quận đã rút xuống chỉ còn 37 ngày, tuy nhiên nếu hồ sơ cùng lúc thực hiện 3 loại thủ tục, thì thời gian giải quyết chỉ còn 26 ngày. Ở cấp Sở, ngành, hiện nay Sở Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện mô hình MCLT với 3 loại hồ sơ: Cấp giấy chứng nhận (GCN) đăng ký kinh doanh, cấp GCN đăng ký mẫu dấu và cấp GCN đăng ký thuế. Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ thực hiện với 4 loại thủ tục: hồ sơ thẩm định thiết kế phòng cháy chữa cháy, cấp mã số thuế, cấp con dấu và cung cấp điện. Sở Công thương thực hiện MCLT với thủ tục thỏa thuận địa điểm xây dựng mới cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Đặc biệt, từ ngày 1-4-2010, hầu hết các huyện trên địa bàn đều thực hiện mô hình MCLT từ cấp xã đến cấp huyện trong lĩnh vực đất đai. Qua đó, giảm thời gian, chi phí và công sức đi lại của người dân, nên được đa số nhân dân các địa phương đồng tình.

* Khắc phục hạn chế, nhanh chóng nhân rộng mô hình

Bên cạnh những kết quả tích cực, việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa, MCLT trên địa bàn thành phố cũng còn nhiều mặt hạn chế nhất định. Về công tác cán bộ, theo báo cáo của Sở Nội vụ, hiện nay, còn hơn 8% cán bộ “một cửa” cấp xã chưa qua đào tạo. Ở cấp quận, đa số cán bộ công chức (CBCC) bộ phận tiếp nhận và trả kết quả có trình độ từ trung cấp trở lên, tuy nhiên chỉ có 84,5% cán bộ được bố trí đúng theo chuyên môn, 70,7% CBCC bố trí gián tiếp. Trong khi đó, yêu cầu về trình độ chuyên môn của đội ngũ CBCC ở bộ phận một cửa rất quan trọng, bởi có chuyên môn vững vàng thì mới có thể thẩm định chính xác các hồ sơ của người dân, hạn chế tình trạng bắt dân phải bổ sung hồ sơ nhiều lần. Đối với mô hình MCLT, yêu cầu nâng chất đội ngũ cán bộ càng quan trọng hơn. Ông Phùng Chí Công, Chánh văn phòng UBND quận Ô Môn, cho biết: “Các hồ sơ thực hiện MCLT được nhận từ bộ phận “một cửa” phường nhưng lại thuộc trách nhiệm giải quyết của nhiều cơ quan cấp quận, nếu như hồ sơ có sai sót, khi chuyển lên quận mới phát hiện, trả lại bổ sung sẽ mất nhiều thời gian. Vì thế, cán bộ tiếp nhận hồ sơ không chỉ thông thạo lĩnh vực mình, cấp mình, mà còn phải thông hiểu hết các lĩnh vực tiếp nhận cũng như quy trình và yêu cầu giải quyết thủ tục của cấp quận”.

Một bất cập khác là theo QĐ93, các công việc liên quan trực tiếp tới tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của các CQHC nhà nước ở địa phương đều phải thực hiện theo cơ chế “một cửa”. Tuy nhiên, hiện nay, ngoại trừ các đơn vị Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Thốt Nốt, Bình Thủy thực hiện cơ chế một cửa ở 5 lĩnh vực; các quận Cái Răng, Ô Môn thực hiện 4 lĩnh vực, các quận, huyện còn lại chỉ mới thực hiện 2- 3 lĩnh vực. Bên cạnh đó, một số văn bản liên quan đến các bộ ngành chưa thống nhất với nhau cũng làm địa phương lúng túng trong thực hiện. Cụ thể, QĐ93 quy định tất cả thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức và công dân thì đưa vào “một cửa”, trong khi Nghị định số 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất là nơi tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ liên quan đến đất đai. Đó là chưa kể do chia tách địa giới hành chính, nhiều phường, xã chưa được xây dựng trụ sở, hoặc trụ sở xây dựng đã nhiều năm nên diện tích nơi được bố trí làm bộ phận “một cửa” chưa đạt yêu cầu QĐ93 đề ra. Cơ sở vật chất, các phương tiện ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động “một cửa” cũng không đạt yêu cầu... Bên cạnh đó, theo đánh giá của lãnh đạo thành phố, tiến độ nhân rộng mô hình MCLT còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Cụ thể, tại Ô Môn, ngoài phường Châu Văn Liêm, đến nay quận cũng chỉ mới nhân rộng ra thêm tại 3 phường trên địa bàn, ngoại trừ thực hiện mô hình MCLT từ cấp xã đến cấp huyện trong lĩnh vực đất đai, theo chỉ đạo của UBND thành phố, đến nay chỉ mới có quận Bình Thủy và Thốt Nốt đang triển khai thí điểm ở một vài đơn vị. Cấp sở, ngành, ngoài 3 đơn vị : Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương và Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ thực hiện với số thủ tục khá hạn chế, đến nay vẫn chưa có thêm đơn vị nào triển khai thực hiện hoặc mở rộng đầu công việc...

Theo kế hoạch công tác CCHC năm 2010 của UBND thành phố, bên cạnh tập trung chỉ đạo, củng cố bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, MCLT và mở rộng thực hiện cơ chế MCLT từ cấp xã lên cấp huyện, đến cuối năm 2010, phấn đấu có 60% các cơ quan cấp thành phố có mối quan hệ giải quyết thủ tục hành chính với tổ chức, công dân và 30% xã phường, thị trấn thực hiện theo cơ chế MCLT. Tại buổi sơ kết 3 năm thực hiện QĐ93 được tổ chức vào tuần trước, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND thành phố, yêu cầu lãnh đạo các địa phương sớm khắc phục những hạn chế, triển khai thực hiện QĐ93 tốt hơn. Đặc biệt, cần nghiên cứu sớm đưa tất cả các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp tới tổ chức, cá nhân thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của các CQHC nhà nước ở địa phương vào thực hiện theo cơ chế “một cửa”, đồng thời nhân rộng mô hình MCLT đạt kế hoạch đã định.

HOÀNG THANH

Chia sẻ bài viết