03/03/2010 - 20:49

Làng hoa Sa Đéc

Hướng đến mô hình công nghiệp

Nằm bên dòng sông tiền, Làng hoa Sa Đéc (trước đây là Làng hoa Tân Quy Đông) được biết đến là làng nghề truyền thống lâu đời. Sau những thăng trầm của thời gian, Làng hoa Sa Đéc suy yếu rồi lại hồi sinh và phát triển mạnh mẽ từ thập niên 90 trở lại đây.

Do quá trình đô thị hóa và nhiều hoạt động lễ hội khắp nơi trên cả nước, cùng với sự phát triển của đời sống thị thành đã vực dậy sức sống ở Làng hoa Sa Đéc. Người dân chuyển đất trồng lúa, trồng cây ăn trái... sang trồng hoa, cho nguồn thu cao gấp 3-5 lần trồng lúa. Làng hoa thật sự nhộn nhịp từ khoảng tháng 11 đến Rằm tháng Chạp hằng năm, trên bến dưới thuyền, người mua- người bán tấp nập, hàng chục xe tải ra vào mỗi ngày. Hàng triệu giỏ hoa được chuyển đi khắp mọi miền của đất nước. Anh Út To, một hộ trồng hoa ở Sa Đéc, cho biết: “Hiện nay, hoa Sa Đéc giờ đã đi khắp nơi, xâm nhập vào kinh đô hoa Đà Lạt vào những dịp lễ hội hoa”. Thật vậy, hoa Sa Đéc đã tỏa đi khắp nơi ở miền Tây, lên Sài Gòn, ra miền Trung đến miền Bắc.

Người trồng hoa đang nổ lực tìm hướng đi cho mình. 

Ngay từ trước năm 1975, hoa ở Tân Quy Đông đã xuất sang Campuchia, Lào. Hiện nay, ngoài hai thị trường này, còn mở rộng sang Trung Quốc. Riêng dịp Tết Canh Dần 2010, hoa Sa Đéc được xuất khẩu sang Đài Loan với mặt hàng cúc mâm xôi. Giờ đây, người trồng hoa ở Sa Đéc đã tận dụng từng tấc đất quanh nhà, bờ đê, những khoảng đất trống cặp đường đi... để trồng hoa. Du khách nước ngoài về miền Tây luôn dành nhiều thời gian lưu lại làng hoa để chụp ảnh và tìm hiểu nghề truyền thống ở địa phương. Từ đó, hình ảnh Làng hoa Sa Đéc được đưa đi khắp nơi trên thế giới; nhiều tấm ảnh của làng hoa trở thành post-card được du khách nước ngoài gởi tặng người thân, bạn bè.

Cư dân Làng hoa Sa Đéc thích ứng rất nhanh với thị trường, vươn ra thế giới để tìm những giống hoa mới mang về đây trồng. Ngay từ những năm 1990-1995, nông dân Sa Đéc đã đến các vùng cấy mô, ươm cây ở Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... để tìm hiểu kỹ thuật, chọn những giống mới và chấp nhận mua với giá cao. Ông Nguyễn Văn Nhàn, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Người trồng hoa ở đây, có người đi ra nước ngoài tìm hiểu kỹ thuật, mua giống hoa mới đến 3-4 lần mỗi năm. Họ tự mua vé máy bay đáp xuống các vùng nghiên cứu hoa và thăm dò, chọn cho mình những giống cây ưng ý. Trên 150 năm thăng trầm của làng hoa, mười năm nay mới có giống ngoại nhập do nông dân tự tìm tòi. Đó được xem là bước ngoặt lớn của nghề và người trồng hoa Sa Đéc”. Còn anh Tống Thiện Hồng, người “phát pháo” đầu tiên cho phong trào ra nước ngoài mua giống hoa ở Làng hoa Sa Đéc, cho biết: “Chuyến đi đầu tiên của tôi là theo tua du lịch thông thường. Sang bên đó, tôi tách đoàn và thuê hướng dẫn riêng để đến các vườn hoa kiểng. Chuyến đi ấy, tôi chỉ mang về được một giống mới vì giá khá cao và chưa biết khả năng thích ứng thời tiết ở đây như thế nào. Giờ khác rồi, trong vườn của tôi luôn có ít nhất 10 giống mới, có khi 20-30 giống mới. Thỉnh thoảng, tôi lại phải mua vé bay sang Thái Lan, Singapore... để tìm giống mới, mỗi năm 3-4 chuyến. Có những chuyến đi tốn kém, chẳng chọn được giống nào nhưng vẫn phải đi”...

Câu chuyện về những giống mới ở Làng hoa Sa Đéc vừa được đặt tên tại Việt Nam hứa hẹn tiềm năng lớn trên thị trường hoa trong vài năm tới. Một giống cây mới nhập về Việt Nam mất 6 tháng đến một năm để xếp loại và đặt tên và mất thêm 1-2 năm, thậm chí 3 năm để nhân giống trước khi đưa ra thị trường. Những cái tên vừa được đặt đã tung ra vào dịp Tết Canh Dần 2010, như: Mai Vạn Phúc, Vạn Lộc, Phú Quý, Thịnh Vượng, Tuyết Trắng, Liễu Hồng... Các giống hoa mới hiện nay đều gắn với tài-lộc, thịnh vượng. Theo những chuyên gia hoa kiểng, chỉ cần 2-3 trong số 10 giống mới bán chạy trên thị trường được xem như thành công của người làm giống hoa. Bởi có những giống nhập về, nhân giống 3 năm trời nhưng khi tung ra thị trường lại bán không được và đành bỏ hết công sức, tiền của. Do vậy, nếu tính toán không kỹ và không đủ khả năng thẩm định các chi tiết trên cây, nhà vườn rất dễ phá sản bởi các giống mới.

Tại Làng hoa Sa Đéc hiện có đến trên 200 giống kiểng nội thất và vài ngàn giống hoa các loại. Có những cây chưa được đặt tên tại Việt Nam. Tiêu chí đầu tiên đối với các nhà vườn trồng hoa là cây phải thích ứng với môi trường nhiệt đới; kế đó mới đến các đặc điểm, màu sắc. Vườn nhà của anh Tống Thiện Hồng hiện có rất nhiều giống mới, nhưng anh cho biết một số giống phải 2 năm nữa mới cho ra thị trường, do việc nhân giống hiện còn nhiều khó khăn và cần nghiên cứu rất nhiều. Tết Canh Dần 2010, anh Út To, một hộ trồng hoa ở Sa Đéc đã đưa ra thị trường giống cây mới- Tuyết Trắng và được nhiều khách hàng đặt mua bởi vẻ đẹp trên từng gân lá của loại cây dùng trong trang trí nội thất này. Theo phản ánh của nhiều hộ kinh nghiệm lâu năm trong nghề trồng hoa Sa Đéc, một số giống mới được du nhập về Làng hoa Sa Đéc hiện tại là những giống đã “lỗi mốt” ở nước bạn, do muốn nhập giống mới, nhà vườn phải bỏ ra hằng trăm triệu đồng. Điều này vượt quá khả năng của hộ trồng cá thể, nên nhiều hộ chấp nhận mua giống với giá vài triệu đồng, cao lắm cũng chỉ 10 triệu đồng về nhân giống, miễn sao là giống mới tại thị trường Việt Nam.

Tìm ra giống mới là nỗi khát khao của người trồng hoa Sa Đéc, họ luôn muốn có một phòng thí nghiệm, cấy mô ngay tại làng hoa của mình. Từ đó để đặt mục tiêu xa hơn, là làng hoa sẽ sản xuất theo hướng công nghiệp và trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách, cho sinh viên nghiên cứu về hoa nhiệt đới. Người trồng hoa Sa Đéc vẫn đau đáu tìm hướng đi cho mình, bởi khả năng, tiềm lực tài chính có hạn. Theo kế hoạch của tỉnh Đồng Tháp, từ nay đến năm 2025, ngân sách tỉnh sẽ đầu tư hệ thống thủy lợi, điện, xây dựng trung tâm nghiên cứu giống, phòng thí nghiệm cấy mô, hỗ trợ sinh viên địa phương theo học chuyên ngành về nghiên cứu hoa phục vụ tại chỗ... trên 80 tỉ đồng để phục vụ phát triển của làng hoa. Mục tiêu của địa phương là phát triển Làng hoa Sa Đéc theo hướng công nghiệp, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất các giống hoa, cây cảnh nhiệt đới phục vụ trong nước và xuất khẩu. Theo kế hoạch, diện tích trồng hoa tại đây vào năm 2015 là 300 ha, năm 2020 là 500 ha, năm 2025 là 600 ha. Đây sẽ là bước đệm để người trồng hoa Sa Đéc thực hiện ước vọng của mình, hướng đến những mô hình trồng hoa công nghiệp đạt giá trị cao và vươn xa hơn trên thị trường.

Bài, ảnh: THÀNH NGUYỄN

Chia sẻ bài viết