Bài, ảnh: MỸ HOA
Cùng với các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể của thành phố, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở Cần Thơ đã chủ động ứng dụng các tiêu chuẩn vào sản xuất và đã có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP hoặc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)… Từ đó không chỉ nâng giá trị và thương hiệu sản phẩm, mà còn góp phần tạo nguồn hàng nông sản an toàn, chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Thu hoạch rau muống tại HTX rau an toàn Hòa Phát, quận Ô Môn.
Theo ông Nguyễn Ðức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, để tiếp sức cho các HTX nông nghiệp trong bối cảnh mới, Liên minh HTX thành phố đã phối hợp với các sở, ngành hữu quan thành phố tích cực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ HTX áp dụng khoa học, công nghệ, thay đổi cách thức sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, để tạo ra những sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, hỗ trợ HTX tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối đưa sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, VietGAP hay an toàn vệ sinh thực phẩm… tiếp cận các kênh phân phối hiện đại, từ đó đã giúp cho nhiều HTX quảng bá, kết nối thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm và thương hiệu cho sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng của địa phương.
Toàn thành phố có 155 HTX nông nghiệp và trong đó có nhiều HTX đã chủ động ứng dụng công nghệ, tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất để nâng tầm sản phẩm và đã đạt hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập thành viên và nông dân có liên kết với HTX. Ðiển hình là HTX rau an toàn Hòa Phát, quận Ô Môn đã duy trì tốt các quy trình canh tác rau an toàn theo hướng GAP; kết hợp làm hệ thống tưới nước tự động, xây dựng đường ray để vận chuyển rau muống, đầu tư bồn nước chuyên rửa rau muống... Qua đó đã giúp HTX gia tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng cho rau an toàn sau thu hoạch. Nhờ vậy, với tổng diện tích canh tác hơn 18ha, mỗi ngày HTX thu hoạch từ 3-5 tấn rau các loại và được thương lái đến tận ruộng thu mua, đảm bảo đầu ra và thu nhập ổn định cho 10 thành viên và 60 nông hộ chuyên canh rau màu tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Bi, Giám đốc HTX rau an toàn Hòa Phát, cho biết: Nhờ duy trì tốt các quy trình canh tác rau an toàn, nên qua 10 năm thương hiệu rau an toàn Hòa Phát luôn giữ vững được uy tín thương hiệu trên thị trường, giúp mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhà nông. Ước tính trung bình với diện tích sản xuất trên 2 công đất (hơn 2.000m2), mỗi ngày thu hoạch đạt trên 300kg rau muống, bán với giá từ 5.000-8.000 đồng/kg, tùy thời điểm, nông dân có lời hơn 500.000 đồng/ngày. Theo ông Bi, nhờ áp dụng tốt các kỹ thuật canh tác theo hướng an toàn, nên rau muống của HTX luôn giữ được phẩm chất tươi, ngon, nhất là đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Không chỉ ứng dụng công nghệ chế biến sâu, tạo ra nhiều mặt hàng như trà, rượu đặc trưng từ nấm đông trùng hạ thảo, HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Giọt Phù Sa, huyện Phong Ðiền còn tích cực tham gia xây dựng sản phẩm OCOP. Và đến nay, sản phẩm sợi nấm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa của HTX đã được công nhận đạt OCOP 4 sao. Anh Phạm Ngọc Ðá, Giám đốc HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Giọt Phù Sa, cho biết: Việc được công nhận OCOP 4 sao đã giúp sản phẩm của HTX tăng thêm uy tín trên thị trường. Song, để khẳng định thương hiệu và mở rộng hệ thống phân phối, HTX không ngừng ứng dụng công nghệ mới cũng như các tiêu chuẩn vào sản xuất, đảm bảo cho sản phẩm đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt chất lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe người dùng. Không chỉ dừng lại đó, HTX còn quan tâm đầu tư bao bì sản phẩm, thiết kế các mẫu giỏ, hộp đựng sản phẩm, với hình ảnh đặc trưng và đẹp mắt, mang thương hiệu Giọt Phù Sa. Nhờ đó, sản phẩm của HTX ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, do đáp ứng được yêu cầu của thị trường và được nhiều đối tác, đại lý ở nhiều tỉnh, thành trong vùng ÐBSCL và TP Hồ Chí Minh ký kết hợp đồng tiêu thụ, giúp đảm bảo thu nhập cho thành viên cũng như nông hộ có liên kết với HTX.
Ðể tăng sức cạnh tranh thị trường, nhiều HTX nông nghiệp đã tăng cường đầu tư công nghệ vào sản xuất để đạt các chứng nhận OCOP, VietGAP… giúp nâng tầm sản phẩm và tạo hiệu quả cao hơn trong sản xuất kinh doanh. Song, để HTX nông nghiệp phát triển bền vững trong bối cảnh mới, ngành chức năng các cấp cần đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển các HTX nông nghiệp kiểu mới, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương dựa trên cơ sở liên kết hộ sản xuất với doanh nghiệp chế biến và doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa. Ðồng thời tăng cường huy động nguồn lực hỗ trợ các HTX tiếp cận nguồn vốn đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản. Cùng với đó, hỗ trợ các HTX nâng cao chất lượng dịch vụ, ứng dụng các tiêu chuẩn, công nghệ cao vào sản xuất, phát triển đa dạng sản phẩm chế biến sâu, đạt các tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.