10/03/2018 - 07:05

Mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế (HTQT) có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ). Thời gian qua, lãnh đạo các trường ĐH, CĐ tại Cần Thơ đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động HTQT, bước đầu mang lại hiệu quả đáng khích lệ.

Hiệu quả bước đầu

Nguyễn Thu Hà, sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, bộc bạch: “Tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ với các bạn sinh viên Hàn Quốc giúp em dạn dĩ và giao tiếp tốt hơn; nhất là nâng cao trình độ ngoại ngữ. Em học ở các bạn sự chịu khó, tính kỷ luật cao, sự cảm thông, chia sẻ... Đây là hành trang quý trong bước đường công tác sau này”. Đó là cảm nhận của Hà sau những đợt giao lưu với sinh viên Hàn Quốc vào dịp hè vừa qua. Hiện nay, Hà đang hoàn thiện chuyên môn, vốn ngoại ngữ để có cơ hội sang giao lưu nước bạn. Trước mắt, Hà có thể tìm hiểu sâu hơn về kinh tế - xã hội, văn hóa đất nước và con người Hàn Quốc tại “Góc Hàn Quốc” đặt tại trường.

Hợp tác quốc tế -

góp phần nâng cao vị thế của

cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng
Lễ ký kết hợp tác giữa lãnh đạo ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ  (bên phải, hàng đầu) với lãnh đạo ĐH California Baptist (Hoa Kỳ). Ảnh: BÍCH KIÊN

Không chỉ tạo không gian quốc tế trong trường học, lãnh đạo Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ còn tạo điều kiện cho giảng viên, sinh viên sang nước bạn (Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan…) giao lưu học tập, rèn luyện. Nguyễn Thị Mộng Ngân, Nguyễn Thị Phương Dung (sinh viên ngành Quản lý công nghiệp), là 2 trong nhiều sinh viên từng đến Trường ĐH RRU (khu Bangkhla, Thái Lan). Sau chuyến đi, các sinh viên hiểu hơn về về văn hóa, tập quán; sự nhiệt tình, hiếu khách của sinh viên Thái Lan; quan trọng hơn, từ đó mỗi sinh viên tự ý thức, nỗ lực học tập, rèn luyện ngoại ngữ, để chuẩn bị hành trang đáp ứng thị trường lao động trong và ngoài nước…

HTQT phát triển còn mang lại diện mạo mới cho các trường. Thông qua HTQT, các trường ĐH, CĐ ở Cần Thơ thụ hưởng nhiều dự án, đề án để đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ cán bộ giảng viên. Đối với Trường ĐHCT, HTQT để lại dấu ấn trong khuôn viên trường qua các công trình: Trung tâm học liệu, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Khoa Công nghệ… do các tổ chức quốc tế (Úc, Hà Lan) tài trợ. Còn Trường ĐH Y Dược Cần Thơ trung bình mỗi năm cử 50 lượt cán bộ đi học tập, công tác tại nước ngoài; có 2 cán bộ học nghiên cứu sinh từ Đề án 911 của Bộ Y tế. Trong 5 năm (2012-2017), 19 sinh viên từ các nước Mỹ, Pháp, Đức… đến học tập tại các bộ môn lâm sàng và y tế công cộng thuộc Trường ĐH Y Dược Cần Thơ. Theo lãnh đạo Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, trong gần 200 cán bộ, giảng viên hiện hữu, có trên 91% người có trình độ sau ĐH. Phần lớn cán bộ có trình độ sau đại học được đào tạo ngoài nước; đây là nguồn lực quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của trường.

Nâng cao vị thế của trường

Trong giai đoạn hội nhập, việc đẩy mạnh HTQT là xu hướng tất yếu của các trường ĐH, CĐ, nhằm đào tạo nguồn nhân lực vững vàng về chuyên môn, ngoại ngữ, đủ có khả năng đáp ứng môi trường làm việc quốc tế. Để thực hiện hiệu quả công tác HTQT, các trường phải chuẩn bị chu đáo nguồn nhân lực cũng như cơ sở vật chất, mới có thể hợp tác song phương với đối tác quốc tế.

Hợp tác quốc tế -

góp phần nâng cao vị thế của

cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng
Nhiều sinh viên Trường ĐH Cần Thơ thích thú với giờ học tiếng Hàn Quốc. Đây là khóa học miễn phí nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa ĐH Quốc gia GyeongSang (Hàn Quốc) và ĐH Cần Thơ. Ảnh: BÍCH KIÊN

Thành lập trên cơ sở nâng cấp Khoa Y - Nha - Dược, Trường ĐH Cần Thơ, 15 năm qua, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ ngày càng khẳng định vị thế là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực y tế trình độ cao cho ĐBSCL và cả nước. Giai đoạn 2012-2017, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ có 16 chương trình hợp tác đào tạo, trao đổi học thuật, đã tạo nhiều cơ hội trao đổi giữa chuyên gia nước ngoài và cán bộ trường; tiếp nhận khoảng 100 đoàn với 586 lượt người nước ngoài... PGS.TS Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, cho biết: Trường xác định ở mỗi giai đoạn, sẽ tập trung phát triển từng nội dung cụ thể. Sau khi đã ổn định về cơ sở vật chất, con người, trường tập trung phát triển nghiên cứu khoa học, HTQT. Trong đó, HTQT là chiến lược ưu tiên phát triển trường trong tương lai. HTQT đi từ trường đến khoa, rồi qua bộ môn và trao trách nhiệm cho từng cán bộ, giảng viên. Trường xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, cũng như thực hiện các đề tài quốc tế.

Dù còn nhiều khó khăn trong thực hiện hoạt động HTQT do chỉ mới lập 5 năm, Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ vẫn tập trung đẩy mạnh, đa dạng hóa hoạt động HTQT để nâng cao chất lượng đào tạo. Tính từ đầu năm 2017 đến nay, trường đón tiếp 19 đoàn quốc tế, ký kết thỏa ước đào tạo với 3 đơn vị (New Zealand, Đài Loan và Hàn Quốc), nâng tổng số lên 8 đơn vị nước ngoài có hợp tác với trường ở lĩnh vực: đào tạo, nghiên cứu khoa học; trao đổi, giao lưu giữa cán bộ, sinh viên... Tùy theo thế mạnh của mỗi trường đối tác, Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ có sự hợp tác khác nhau. Chẳng hạn với Trường ĐH Victoria Wellington (New Zealand), hợp tác về lĩnh vực công nghệ thông tin - một trong những lĩnh vực vốn là thế mạnh của trường. Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ, chia sẻ: “Một vài năm tới, trường có khoảng 20 cán bộ học nước ngoài trở về phục vụ. Có thể nói, một số thầy cô trở về trường công tác gần đây đã tạo sinh khí mới trong dạy học. Họ là “cầu nối” mang dự án, đề án HTQT về trường, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của trường”.

Ở khối trường CĐ, hoạt động HTQT vốn không phải thế mạnh nhưng gần đây, ngày càng khởi sắc. Khi nhắc đến HTQT ở Trường CĐ Y tế Cần Thơ, sẽ nghĩ ngay đến Dự án WINDY do trường, Trung tâm Sức khỏe và An toàn Lao động Tokyo Nhật Bản và các trường THPT ở Cần Thơ thực hiện, nhằm hướng học sinh bảo vệ môi trường. 5 năm qua (từ 2013 đến 2017), HTQT ở CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ ngày được mở rộng, đã tiếp và làm việc với 19 lượt khách nước ngoài; ký kết 3 thỏa ước hợp tác với ĐH Victoria - New Zealand, SoonChunHyang - Hàn Quốc và Viện Khoa học Công nghệ Việt Nhật Mekong - Ken... Theo Thạc sĩ Trang Vũ Phương, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, sắp tới trường củng cố các mối quan hệ hiện có, nghiên cứu thực hiện triển khai các nội dung đã ký kết với các đơn vị nước ngoài; mở rộng hợp tác với các đối tác mới… tạo nền tảng, nâng cao vị thế của trường, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố, ĐBSCL.

BÍCH KIÊN

Chia sẻ bài viết