(CT) - Sáng 17-3, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Cần Thơ, Trường Bách Khoa (thuộc Trường Ðại học Cần Thơ), Trường Ðại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ và Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Sun Edu ký kết hợp tác đào tạo nhân lực ngành điện tử và vi mạch bán dẫn.
Lãnh đạo thành phố và các đơn vị chứng kiến Lễ ký kết hợp tác. Ảnh: B.NGỌC
Ông Huỳnh Thành Ðạt, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; ông Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ; ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ; ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố, các công ty, doanh nghiệp... dự Lễ ký kết.
Vi mạch bán dẫn được xem là nền tảng của tính toán hiện đại, giữ vai trò quan trọng trong bối cảnh thế giới bước sang giai đoạn bùng nổ nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới (trí tuệ nhân tạo, IoT, dữ liệu lớn,...).
Theo thỏa thuận, các bên hợp tác tổ chức hiệu quả chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và mở rộng nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch bán dẫn để đón đầu nhu cầu của các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, như: tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu cho đối tượng là viên chức, giảng viên và sinh viên trên địa bàn TP Cần Thơ và ÐBSCL; tổ chức các sự kiện truyền thông về hoạt động triển khai chương trình; tổng hợp, báo cáo, đánh giá hiệu quả hoạt động đào tạo, đồng thời tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực một cách hiệu quả, chất lượng.
Việc ký kết thỏa thuận hợp tác về đào tạo nhân lực ngành điện tử và vi mạch bán dẫn giữa các đơn vị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; là tiền đề, tạo sự lan tỏa và chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao về điện tử và vi mạch bán dẫn tại TP Cần Thơ và ÐBSCL.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ký kết hợp tác, ông Huỳnh Thành Ðạt đánh giá cao TP Cần Thơ đã rất chủ động thúc đẩy hoạt động phát triển nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn thông qua việc hợp tác đào tạo nhân lực giữa các bên. Ðiều này chứng minh năng lực đổi mới sáng tạo của TP Cần Thơ - địa phương xếp hạng 5 trong bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023.
Bộ trưởng Bộ KH&CN cũng cho biết, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều cơ hội và các yếu tố cần thiết để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, có tiềm năng nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu; đã và đang ngày càng thu hút được nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn từ các nước phát triển...
Trong bối cảnh như vậy, Bộ trưởng tin tưởng sự hợp tác này sẽ đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút vốn đầu tư cho TP Cần Thơ cũng như vùng Tây Nam Bộ.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, phát biểu tại Lễ ký kết.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Hiếu mong muốn việc ký kết giữa các bên thực sự hiệu quả, thực chất. “Sản phẩm” được đào tạo có năng lực, chuyên môn và được xã hội công nhận, người lao động có thu nhập ổn định…; đây là thước đo quan trọng đánh giá hiệu quả chương trình.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ đề nghị 3 đơn vị đầu mối của TP Cần Thơ là Sở KH&CN Cần Thơ, Trường Ðại học Cần Thơ, Trường Ðại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ sẽ phối hợp với Sun Edu bắt tay triển khai ngay các nội dung ký kết sao cho hiệu quả. Trong chương trình đào tạo, cần quan tâm tập trung 3 nhóm đối tượng là lực lượng giảng viên ở các trường đại học, cao đẳng; nguồn lao động đã làm ở các lĩnh vực gần với điện tử và vi mạch bán dẫn, có nhu cầu đào tạo bổ sung; đào tạo và thu hút sinh viên tham gia ngành này…
Dịp này, 2 Trung tâm vi mạch CESC1 (Trường Đại học Cần Thơ) và CESC2 (Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ), được trao chứng nhận bản quyền License.
Tin, ảnh: B.NGỌC