(CT) - Ngày 1-11-2024, tại Cần Thơ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ phối hợp cùng Trường Ðại học Cần Thơ, Viện Friedrich Naunman Foundation (FNF/Ðức) tổ chức Hội thảo “Các mô hình quản lý chất thải rắn cho thành phố thông minh”. Ðại diện các sở, ngành chức năng, các viện, trường, nhà khoa học tại TP Cần Thơ và khu vực ÐBSCL đến dự.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại hội thảo.
Theo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ, ô nhiễm môi trường từ nguyên nhân chất thải rắn đang là vấn đề cấp bách với các nước đang phát triển nói chung, Việt Nam nói riêng. Với vai trò đầu mối trong công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài của thành phố, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ đã kết nối Viện Friedrich Naunman Foundation (tổ chức phi chính phủ nước ngoài) với các nhà khoa học (Trường Ðại học Cần Thơ) thực hiện dự án phát triển mô hình thành phố thông minh, trên nền tảng ứng dụng công nghệ để biến chất thải rắn thành tài nguyên… Hội thảo “Các mô hình quản lý chất thải rắn cho thành phố thông minh” nhằm giới thiệu hướng tiếp cận mới về ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất thải rắn, phương pháp xử lý rác thải thông minh, quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong phát triển mô hình thành phố thông minh.
Tại Hội thảo, nhiều giải pháp công nghệ đã được đề xuất. PGS.TS Nguyễn Chí Ngôn - Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Ðại học Cần Thơ đề xuất cần phải xây dựng hệ thống thu gom rác thải thông minh. Hệ thống hoạt động dựa vào công nghệ tự động và điện toán đám mây: tích hợp Internet vạn vật (IoT) cảm biến trong thùng rác để tối ưu hóa các tuyến thu gom và lịch trình dựa trên dữ liệu thời gian thực; ra quyết định dựa trên phân tích dữ liệu, dự đoán xu hướng lãng phí, cải thiện chính sách quản lý chất thải. Bên cạnh đó, công đoạn phân loại và tái chế cũng phải được tự động hóa thông qua trí tuệ nhân tạo (AI) và hệ thống robot. Có như vậy mới giảm thiểu các hạn chế mà mô hình truyền thống dựa trên sức người như hiện nay đang áp dụng, từ đó nâng cao tính chính xác của công đoạn phân loại, đẩy nhanh thời gian phân loại và tái chế.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàng (Trường Ðại học Cần Thơ) thông tin: tại khu vực ÐBSCL, chôn lấp vẫn đang là giải pháp xử lý rác thải chủ đạo (chiếm 83%). Trong đó, ít nhất 161 bãi chôn lấp với công nghệ lạc hậu, sơ sài. Từ thực trạng này cho thấy, cần có sự đồng bộ, nhất quán từ trên xuống, từ chính sách đến hành động trong việc xây dựng và triển khai mô hình phân loại - thu gom - xử lý - sử dụng vật liệu tái chế từ rác. Cụ thể, cần nhanh chóng triển khai luật về phân loại rác tại nguồn, coi việc xả rác bừa bãi và không phân loại rác là các hành động vi phạm pháp luật. Các cảm biến tự động sẽ được lắp đặt vào thùng rác, xe lấy rác… để báo mức độ đầy, cũng như làm cơ sở để thu tiền đổ rác dựa trên số lượng rác thải thực tế của từng hộ gia đình thay vì cào bằng như hiện nay.
Sau khi rác được thu gom về nhà máy, cần có quy trình phân loại và xử lý rác tự động bằng robot. Ðiều này sẽ giảm nguy cơ các bệnh hô hấp cho công nhân vệ sinh, giảm chi phí trợ cấp độc hại. Hơn thế nữa, trong quá trình xử lý rác thải sẽ phát sinh khí nén, lượng khí này cần có giải pháp công nghệ để kết nối vào hệ thống đường ống cung cấp khí nén cho các công trình, vừa giảm xả thải ra môi trường lại giúp tiết kiệm nguyên liệu… Các giải pháp này nhằm tối ưu phân bổ tài nguyên, giảm chi phí vận hành, tăng tính bền vững của quy trình xử lý rác thải.
Tin, ảnh: HÀ VĂN