21/04/2010 - 08:43

Hội Nhà báo Việt Nam đã đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950-21/4/2010) đã được tổ chức trọng thể ngày 20-4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười gửi lẵng hoa chúc mừng. Tới dự có các đồng chí: Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Tô Huy Rứa. Cùng dự Lễ còn có đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, các cơ quan báo chí trung ương và Hà Nội; đại diện một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, các nhà báo lão thành...

Tại buổi Lễ, các đại biểu đã dành một phút tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh- Người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, nhà báo lỗi lạc, người thầy vĩ đại đã chăm lo, đào tạo, rèn luyện đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam; bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với hơn 400 nhà báo- liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, tô thắm truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng...

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí Trương Tấn Sang biểu dương những cống hiến to lớn của nền báo chí cách mạng, giới báo chí nước nhà đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, nhân dân ta; những thành tựu, đóng góp xứng đáng của Hội Nhà báo Việt Nam trong 60 năm qua vào sự nghiệp phát triển của báo chí, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và trao tặng Hội Nhà báo Việt Nam bức trướng mang dòng chữ “Báo chí Việt Nam trung thành, sáng tạo, bản lĩnh, đổi mới vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc”.

Đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Việt Nam đang đứng trước triển vọng, thời cơ lớn để cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, đồng thời cũng đặt ra không ít khó khăn và thách thức. Điều này cũng đặt ra cho báo chí, đội ngũ những người làm báo, hội nhà báo các cấp nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang. Báo chí cần tiếp tục phát huy thế mạnh, ưu điểm, khắc phục nhược điểm để làm tốt vai trò là vũ khí tư tưởng sắc bén, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước... Báo chí phải góp phần tạo ra khí thế mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chớp thời cơ, vượt qua mọi khó khăn thách thức để đạt được mục tiêu xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”...

Đồng chí Trương Tấn Sang tin tưởng: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, nền báo chí nước nhà nhất định sẽ phát triển ngày càng mạnh mẽ, hoàn thành tốt sứ mệnh là “người thư ký” của thời đại Hồ Chí Minh, thời đại độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, làm cho đất nước ngày càng phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân dân Đinh Thế Huynh khẳng định: 60 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Nhà báo Việt Nam luôn phấn đấu hoàn thành sứ mạng là tổ chức chính trị-xã hội- nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam, là ngôi nhà chung tập hợp, đoàn kết đội ngũ người làm báo phấn đấu vì sự nghiệp báo chí cách mạng, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong công cuộc đổi mới đất nước, báo chí đã kịp thời phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, sáng kiến, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, những tấm gương dũng cảm, quên mình vì an ninh Tổ quốc. Báo chí làm cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân, góp phần đưa thế giới đến gần Việt Nam và đưa hình ảnh Việt Nam vươn tới bạn bè quốc tế. Cũng theo đà phát triển của công cuộc đổi mới, báo chí đã có bước tiến về số lượng, từ vài chục cơ quan báo chí trong những ngày đầu giành chính quyền, đến nay nước ta đã có hơn 700 cơ quan báo chí in, một hãng thông tấn quốc gia, 2 đài phát thanh, truyền hình quốc gia, một đài truyền hình của ngành, 63 đài phát thanh- truyền hình cấp tỉnh...Báo điện tử phát triển mạnh, tạo nên mạng thông tin báo chí điện tử sôi động, thu hút hàng triệu lượt truy cập mỗi ngày. Đội ngũ những người làm báo, nòng cốt là hội viên Hội Nhà báo phát triển nhanh chóng, từ 300 trong kháng chiến chống Pháp đã tăng lên hơn 17.000 hội viên cùng đội ngũ cộng tác viên đông đảo trong cả nước...

Sau Lễ kỷ niệm tại Hà Nội, đoàn đại biểu các Hội Nhà báo cả nước tổ chức hành hương về nguồn, tham dự lễ khánh thành Nhà trưng bày di tích- nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam tại xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và giao lưu với Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên.

THANH GIANG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết