12/04/2007 - 18:10

Học theo đời du cư

Nhà nghèo, cha mẹ sống du cư rày đây mai đó. Con đường học vấn của các em vì vậy cũng lắm gian truân. Có đứa học hai năm lớp 1 vẫn chưa lên được lớp 2, có đứa học hoài không đọc được chữ. Và thật đau lòng khi đa số các em phải kết thúc đời học sinh khi chữ đọc chưa chạy, câu viết chưa tròn!

Đưa rước học sinh ở xã Đất Mũi. Ảnh: T.V

Lâm Tàu năm nay 14 tuổi nhưng chỉ mới học lớp 4 (lớp 4A3, Trường Tiểu học 1 Đất Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). Tôi hỏi “Sao học chậm dữ vậy?”. Em đáp: “Học trường lạ hoài, khó học quá, chú ơi!”. Lâm Tàu kể: Cha mẹ em năm nào cũng thay đổi chỗ ở. Năm em học lớp 1, cha mẹ đi nhận giữ vuông tôm thuê cho người ta bên Kinh Cụt (cũng ở xã Đất Mũi), nên em được học trường Kinh Cụt. Học được gần hết lớp 1, cha em chuyển qua Rạch Gốc đi làm ngư phủ (cửa biển Tân Ân, huyện Ngọc Hiển). Em lại vào học tiếp lớp 1 ở trường mới. Làm ăn không khá, cha em lại quay về Kinh Cụt giữ vuông tôm thuê. Lâm Tàu lại quay về đây học lớp 1 lần thứ 3. Lần đó, “may mắn” là cha em ở đây được 2 năm, nên em học lên được lớp 2. Lúc đó, Lâm Tàu đã 12 tuổi. Đến năm học lớp 3, cả gia đình lại chuyển lên TP Cà Mau bán vé số. Em vào học ở trường tiểu học phường 4. Học được hết học kỳ 1, việc buôn bán của cha ế ẩm, cả nhà lại chuyển về Kinh Cụt như xưa. Lâm Tàu lại chuyển hồ sơ về xã Đất Mũi học tiếp học kỳ 2. Học xong lớp 3, cha em mang cả nhà về Rạch Trương Phi tạm cư trồng rẫy, em lại phải chuyển qua Trường Tiểu học 1 Đất Mũi học đến hôm nay. Lâm Tàu tâm sự: “Mỗi lần chuyển trường em sợ lắm, vào gặp toàn người lạ. Rất ít bạn thích chơi với em. Học hành hổng thấy hứng thú gì hết!”.

Thầy Mai Kiến Oanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học 1 Đất Mũi, cho biết: “Trường hợp như em Lâm Tàu mấy năm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều. Riêng tại trường tôi, năm nào cũng có khoảng 30 - 40 học sinh rơi vào tình trạng như vậy. Có đứa chuyển đi, chuyển lại liên tục, theo đúng mùa tôm cá của ngư dân”.

Chỉ tốn 5 phút lật hồ sơ, thầy Oanh tìm cho tôi 3 học sinh “lưu vong” kiểu em Lâm Tàu. Đó là: Thái Kim Ngân, 8 tuổi; Lê Bích Thủy, 9 tuổi và Ngô Thị Cẩm Thi, 10 tuổi. Tất cả đều học lớp 1. Cẩm Thi cho biết, đây là năm thứ 3 em học lớp 1 và đã từng học ở các trường Rạch Gốc, Tân Ân. Em Bích Thủy cho biết, đã trải qua 3 trường, một ở Đầm Dơi, hai là ở cầu Số Hai, tỉnh Bạc Liêu và nay là Trường Đất Mũi.

Thầy Oanh tâm sự: “Hoàn cảnh khó khăn vậy, nhưng các phụ huynh vẫn cố gắng cho con mình đến lớp. Đó là một điều đáng quý ở vùng đất tận cùng Tổ quốc này. Vì vậy, chúng tôi hết sức thông cảm và giúp đỡ các em, với hy vọng là giúp được các em biết thêm chữ nào hay chữ nấy”. Cô Lưu Thị Hồng, phụ trách văn phòng trường, nói tiếp: “Hai tháng nay, chắc là hết mùa làm ăn, nên rất nhiều phụ huynh đến xin chuyển cho các em. 22 đứa rồi, chuyển đi Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, rồi về Sóc Trăng, lên Trà Vinh, Vĩnh Long. Kinh nghiệm nhiều năm cho thấy, năm sau các em lại chuyển trở lại trường này”.

Lâm Tàu 14 tuổi mới học được lớp 4, do phải liên tục chuyển trường theo đời sống dư cư của cha mẹ. Ảnh: T.V

Học sinh chuyển đi, chuyển đến ngày một nhiều hơn, khiến các thầy cô ở trường luôn bận bịu và càng khổ tâm hơn. Thầy Oanh kể: “Tất cả các em chuyển đến chúng tôi phải sát hạch lại học lực. Hầu như 10 đứa như 1, nói là học hết lớp 1, thậm chí có đứa nói là học hết lớp 3, nhưng ráp vần không được. Đành phải cho các em học lại từ đầu hoặc cho các em học cùng lúc 2 lớp luôn, một lớp 3 kèm một lớp phụ đạo lại kiến thức lớp 1 và 2”.

Với tình hình học sinh “lưu vong” ngày một nhiều như thế, nhiều thầy cô, nhất là thầy cô khối lớp 1 không còn thời gian rảnh, kể cả trong hè. “Năm nào tôi cũng phải phụ đạo cho 4- 5 học sinh trong hè. Dạy miễn phí, nhưng có lúc các em còn không chịu đến học. Buồn nhất là khi thấy các em vừa có tiến triển tốt thì phụ huynh đến bảo phải chuyển đi nơi khác làm ăn, nên xin cho cháu nghỉ học, chuyển trường” - cô Đoàn Thị Chép tâm sự.

Gặp những phụ huynh có đời sống du cư, chuyện càng xót xa hơn. Chị Trần Thị Thủy, sống bằng nghề lặn mò ve chai, phế liệu cho biết: “Con tôi 5 đứa thất học hết 3. Có 2 đứa được học nhưng cũng chỉ đến lớp 2. Do rày đây mai đó mãi, tụi nó chuyển trường hoài, rớt lên rớt xuống. Rớt một hai lớp thì quá tuổi nên nghỉ học luôn. 8 anh chị em tôi và 7 anh chị em chồng tôi đều giống như tôi, cả đời sống du cư du canh. Tính cả 2 gánh cháu của cha tôi và cha chồng tôi dốt đến mấy chục đứa”.

Những gia đình nhiều thế hệ thất học vì nghèo, vì cuộc sống không an cư lạc nghiệp như gia đình chị Thủy không phải là hiếm ở vùng đất tận cùng Tổ quốc này. Đó là chuyện buồn mà chắc hẳn mỗi chúng ta ai cũng mong nó mau sớm chấm dứt.

TRẦN VŨ

Chia sẻ bài viết