24/11/2008 - 21:14

Du học Nhật Bản

Học phí thấp, chất lượng cao

Một buổi thực tập tại Trường Nhật ngữ Kyushu - trường chuyên đào tạo tiếng Nhật cho du học sinh quốc tế đến học tập tại Nhật Bản. Nguồn: tintuc.hocmai.vn

Nói đến Nhật Bản là nói đến đất nước của công nghệ điện tử và cơ giới hiện đại bậc nhất trên thế giới, đất nước của võ sĩ đạo (samurai), của bộ kimono truyền thống, món sushi... Những năm gần đây, nói đến Nhật Bản, người ta cũng bắt đầu hình dung về một địa điểm đang thu hút du học sinh quốc tế đến học tập, nghiên cứu và làm việc.

* Hấp dẫn du học sinh

Về giáo dục, Nhật Bản là một trong số các quốc gia phát triển trên thế giới với tỷ lệ người mù chữ thực tế bằng 0 và 72,5% số học sinh theo học lên bậc đại học, cao đẳng và trung cấp- một con số ngang hàng với Mỹ và vượt trội so với một số nước châu Âu. Điều này đã tạo cơ sở cho sự phát triển kinh tế và công nghiệp của đất nước Nhật Bản trong thời kỳ hiện đại. Cùng với xu hướng quốc tế hóa, sự hiện diện của sinh viên nước ngoài tại các trường đại học hàng đầu của Nhật ngày càng tăng, đặc biệt là ở bậc sau đại học. Hơn 65% cựu du học sinh Nhật Bản khi được phỏng vấn đều cho rằng Nhật Bản là môi trường học tập và nghiên cứu rất tốt.

Cách nay hơn 1 thế kỷ, khoảng 200 thanh niên Việt Nam theo phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu khởi xướng đã đặt chân lên đất Nhật. Một số nhà khoa học tên tuổi của Việt Nam được đào tạo tại Nhật Bản như: Lương Định Của, Đặng Văn Ngữ, Lê Văn Quý... Hiện nay, sinh viên Việt Nam có mặt tại hầu hết các trường đại học lớn của Nhật Bản, từ các trường ở vùng Hokkaido, Tohoku cho tới Kyusu, Okinawa. Số lượng du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản tăng theo từng năm: năm 2006, số lượng du học sinh Việt Nam xếp thứ năm trong tổng số du học sinh quốc tế thì năm 2007, vị trí của Việt Nam đã tăng lên thứ tư, với số lượng là 2.582 du học sinh.

Khi du học tại Nhật Bản, cần lưu ý một điều là hầu hết các chương trình đại học đều đào tạo bằng tiếng Nhật. Từ cấp bậc học sau đại học trở lên mới có chương trình đào tạo bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, một thuận lợi lớn nếu bên cạnh tiếng Anh, bạn có thể giao tiếp tốt bằng một ngôn ngữ khác, bởi bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về văn hóa, con người và đất nước Nhật Bản.

Cũng giống như Việt Nam, chương trình đại học chính quy của Nhật Bản thường kéo dài 4 năm. Riêng chương trình đào tạo các ngành y khoa, nha khoa và thú y kéo dài đến 6 năm. Thời gian học cao đẳng là 2 năm, nhưng cũng có những ngành 3 năm như y tá và hộ lý. Các trường đại học ở Nhật Bản lấy trọng tâm là nghiên cứu học thuật, lý luận; còn các trường cao đẳng chủ yếu đào tạo những kỹ năng ứng dụng trong thực tế.

Để đăng ký học đại học, cao đẳng, du học sinh chỉ cần tốt nghiệp phổ thông trung học và đáp ứng một số giấy tờ cần thiết, như: đơn xin học, sơ yếu lý lịch, bằng tốt nghiệp phổ thông trung học, giấy tiến cử v.v... Đối với hệ sau đại học, du học sinh phải tốt nghiệp đại học (đối với bậc thạc sĩ) và tốt nghiệp thạc sĩ (đối với bậc tiến sĩ). Một khi du học sinh nhận được giấy báo nhập học và có hộ chiếu, du học sinh có thể xin visa tại Đại sứ quán hoặc Tổng lãnh sự nước sở tại.

* Học phí: thấp; sinh hoạt phí: đắt đỏ

Nhìn chung, giá cả sinh hoạt tại Nhật Bản khá đắt đỏ. Mức chi tiêu bình quân ở những vùng miền cũng khác nhau. Tại các thành phố lớn như Tokyo, Yokohama, mức chi tiêu cao hơn nhiều so với các địa phương khác. Mức chi tiêu bình quân cho một sinh viên khoảng 136.000 yên Nhật/ tháng, tương đương 1.300 USD. Một ưu thế vượt trội khi học tập tại Nhật Bản chính là học phí. So với các trường ở Anh và Mỹ, học phí ở Nhật Bản thấp hơn nhiều. Ngoài ra, chế độ giảm học phí và chế độ học bổng của các trường ở Nhật Bản cũng hoàn thiện hơn nhiều. Các khoản tiền phải đóng cho trường vào năm học đầu tiên là: tiền nhập học, học phí, trang thiết bị và các khoản chi phí khác. Ở bậc học đại học, sau đại học, học phí năm đầu tiên của các trường công lập khá thấp, dao động từ 7.135 USD đến 8.506 USD. Khoản tiền này sẽ giảm đáng kể trong những năm tiếp theo, khi du học sinh không phải đóng tiền nhập học, hoặc trang thiết bị mà chỉ đóng học phí đơn thuần.

Chi phí nhà ở cũng chiếm một khoản đáng kể. Tại Nhật Bản, giá tiền thuê nhà được tính theo mét vuông hoặc tatami (tên một loại chiếu dùng để trải sàn nhà của Nhật Bản). Ví dụ, giá tiền thuê nhà 1 phòng 6 tatami (tương đương 9,6m2) tại Tokyo là 40.000 yên/tháng, tương đương 360 USD.

Mặc dù chi phí sinh hoạt ở Nhật Bản khá cao nhưng sinh viên có thể trang trải được phần nào nếu nhận việc làm thêm. Có khoảng 84% du học sinh đi làm thêm. Công việc phổ biến nhất là các việc phụ nhà hàng, tiếp đến là bán hàng, gia sư, dọn vệ sinh... Mức thu nhập tùy theo tính chất công việc, trung bình, mỗi giờ làm thêm, du học sinh có thể kiếm được 800 yên đến 1.200 yên. Du học sinh phải được giấy phép của trường và cục nhập cảnh địa phương gần nhất mới được đi làm thêm, với điều kiện là không ảnh hưởng đến việc học và tiền kiếm được là để trang trải học phí, chứ không phải để gửi về nhà. Đồng thời, du học sinh cũng phải cam kết không được làm những công việc xấu ảnh hưởng đến phong tục tập quán và tư cách đạo đức của du học sinh.

Du học sinh cũng có thể chủ động xin học bổng để trang trải một phần nhỏ tiền học phí và sinh hoạt phí. Theo thống kê, có 45% du học sinh nhận được học bổng, bình quân mỗi tháng là 53.000 yên, tương đương 500 USD. Có 2 cách xin học bổng: xin học bổng trước khi qua Nhật và xin học bổng sau khi đến Nhật. Học bổng trước khi đến Nhật gồm có: học bổng Chính phủ, học bổng của các công ty và tập đoàn của Nhật. Muốn xin học bổng Nhật Bản, bạn nên liên hệ Đại sứ quán hoặc Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Việt Nam. Loại học bổng thứ hai phổ biến hơn, đó là xin học bổng sau khi đến Nhật. Du học sinh có thể liên hệ trực tiếp với trường để xin học bổng Chính phủ hoặc học bổng của trường, liên hệ địa phương để xin học bổng của đoàn thể địa phương.

Tùy vào mục đích và điều kiện của mình, bạn có thể quyết định chọn cách đi du học Nhật Bản bằng con đường phù hợp.

PHẠM XUÂN BÌNH

(Trung tâm Tư vấn du học- Trường Đại học Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết