21/01/2018 - 16:27

Bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP Cần Thơ

Học nghề phổ thông đi vào thực chất, tránh hình thức 

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT. Trong đó, điểm đáng lưu ý là không cộng điểm khuyến khích thi nghề phổ thông trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Xoay quanh vấn đề này, bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho biết:

- Thời gian qua, chủ trương cộng điểm khuyến khích thi nghề phổ thông trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 có tác động tích cực. Một mặt khuyến khích học sinh tiếp cận với một số nghề nghiệp, giúp các em biết được sở trường, năng khiếu hoặc niềm đam mê ở một số lĩnh vực; mặt khác còn góp phần thực hiện tốt chủ trương giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS. Tuy nhiên, việc cộng điểm khuyến khích dần trở thành mục tiêu chính so với việc tìm hiểu nghề, học nghề của học sinh. Nên chất lượng giáo dục nghề trong trường phổ thông thời gian gần đây đã phát sinh một số vấn đề không đảm bảo mục đích, yêu cầu ban đầu.

Với điểm cộng khuyến khích từ việc học nghề, có không ít giáo viên, học sinh chỉ hướng đến mục tiêu chọn nghề để được cộng điểm tuyển vào lớp 10. Từ đó, học sinh có đăng ký học nghề, nhưng thực tế các em chưa nhận thức đầy đủ mục tiêu mà giáo dục nghề phổ thông hướng tới. Vì thế, chất lượng và tính đa dạng của nghề phổ thông không còn gắn với yêu cầu thực tiễn. Khi các học sinh đã có chứng chỉ nghề phổ thông, nhưng không đủ năng lực tham gia lao động sản xuất ngoài xã hội, thì việc dạy và cấp chứng chỉ nghề không còn ý nghĩa như mong muốn. Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT vừa được Bộ GD&ĐT công bố và đang lấy ý kiến rộng rãi dư luận; trong đó có điểm không cộng điểm khuyến khích thi nghề phổ thông trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là phù hợp.

Tuy vậy, nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng rằng nếu bỏ điểm khuyến khích thi nghề phổ thông, sẽ giảm cơ hội đầu vào lớp 10. Bà có ý kiến ra sao về việc này?

- Một số ý kiến cho rằng, việc không cộng điểm khuyến khích thi nghề phổ thông trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 khiến phụ huynh, học sinh hoang mang. Theo tôi, cần phải bình tĩnh suy xét. Bởi vì không cộng điểm khuyến khích thi nghề phổ thông trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ được áp dụng cho tất cả học sinh chứ không phải riêng đối tượng nào; đây cũng không phải là yếu tố chi phối kết quả tuyển sinh. Dù không còn điểm cộng trong tuyển sinh vào lớp 10 nhưng kết quả thi nghề của học sinh THCS vẫn được sử dụng để khuyến khích trong việc xét tốt nghiệp THCS theo quy chế hiện hành.

Điều quan trọng hơn là trong thời gian tới, sau việc không cộng điểm khuyến khích nghề phổ thông, chất lượng dạy nghề trong trường phổ thông phải được cải thiện về chương trình, danh mục nghề phổ thông, nghề được dạy phải phù hợp với yêu cầu thực tiễn… Chẳng hạn, học sinh ở vùng miền, địa phương khác nhau cần được học nghề, hướng nghiệp bằng danh mục nghề phù hợp với thực tiễn lao động, sản xuất ở địa phương đó. Hiện nay, danh mục nghề được dạy trong trường phổ thông còn chưa phù hợp. Một số nghề thủ công truyền thống có giá trị cũng cần phải được quan tâm, chú ý giáo dục cho học sinh phổ thông.  

Vậy bà có những định hướng và kiến nghị gì để giúp việc dạy và học nghề trong trường phổ thông thực chất hơn, bởi đây vẫn là môn học bắt buộc để xét tốt nghiệp THCS, THPT?

- Nếu bỏ cộng điểm khuyến khích thi nghề phổ thông trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, đương nhiên học sinh sẽ nghĩ việc học nghề không còn cần thiết nữa. Khi thực hiện chính sách này, trước hết ngành giáo dục cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền; nhất là giúp nhà trường, phụ huynh, học sinh thấy được ý nghĩa của việc tiếp cận giáo dục nghề nghiệp của các em từ khi còn trên ghế nhà trường. Kế đến là danh mục giáo dục nghề trong trường phải có sức hút, bám sát nhu cầu đời sống xã hội, gắn với những yêu cầu, kỹ năng cơ bản khi con người hội nhập vào hoạt động lao động, sản xuất ngoài xã hội… Một yếu tố quan trọng là cần sự quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên dạy nghề. Nếu hội tụ được các yếu tố nói trên, việc dạy nghề trong trường phổ thông sẽ tự khắc thu hút học trò. Các em sẽ tìm học một cách hứng thú chứ không phải học để được cộng điểm.

Giờ học thực hành của cô trò Trường THPT Châu Văn Liêm. Ảnh: ĐẶNG NGỌCGiờ học thực hành của cô trò Trường THPT Châu Văn Liêm. Ảnh: ĐẶNG NGỌC

Mặt khác, giáo viên dạy nghề trong trường phổ thông hiện nay chủ yếu là kiêm nhiệm. Đa phần các trường chọn những nghề dạy cho học sinh gắn với ngành nghề sư phạm của giáo viên đã được đào tạo. Những giáo viên này được bồi dưỡng ngắn hạn về kiến thức dạy nghề. Do đó, muốn chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy nghề trong trường phổ thông phải gắn với các cơ sở đào tạo sư phạm kỹ thuật, các cơ sở đào tạo nghề… Được đào tạo cơ bản, giáo viên dạy nghề cho học sinh đạt hiệu quả cao hơn, chất lượng giáo dục nghề phổ thông được cải thiện. Học sinh sau khi học nghề trong trường phổ thông có thể sử dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng vào đời sống, lao động, sản xuất.

Nếu điều khoản này trong dự thảo quy chế tuyển sinh THCS và THPT được đồng tình và trở thành quy chế chính thức, thì sẽ tác động như thế nào và nên được tiến hành ra sao để đạt hiệu quả, thưa bà?

- Không cộng điểm khuyến khích thi nghề phổ thông trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS sẽ rõ nét hơn. Bởi vì nếu không cộng điểm sẽ phân loại học sinh rất rõ và cụ thể. Học sinh đủ năng lực học tiếp tục sẽ vào học THPT, còn ngược lại, các em có thể học giáo dục thường xuyên, học nghề… Việc không cộng điểm khuyến khích, trong đó bao gồm cả việc thi nghề phổ thông nhằm đảm bảo mục tiêu chọn được đúng học sinh có khả năng tiếp tục học ở cấp THPT; tránh tình trạng học sinh chạy theo điểm cộng trong tuyển sinh vào lớp 10, có đăng ký học nghề nhưng thực tế việc học nghề chỉ mang tính hình thức. Tuy nhiên, việc không cộng điểm khuyến khích cần có lộ trình thực hiện và nên lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội để xác định yếu tố tác động. Ngành giáo dục cần nêu rõ thêm định hướng cụ thể của chính sách ở từng năm. Từ đó các đơn vị triển khai thực hiện được chủ động hơn; phụ huynh, học sinh và xã hội đồng tình, ủng hộ.

Xin cảm ơn bà!

B.NGỌC (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết