05/01/2018 - 09:38

Học cách tiêu tiền 

Để chứng tỏ sự sành điệu, “đẳng cấp”, một số bạn trẻ “vung tay quá trán” vào những sản phẩm công nghệ, thời trang, vui chơi giải trí dù đa số sống phụ thuộc gia đình. Các bạn tâm sự rằng, vì chạy theo sở thích cá nhân nên thiếu kiểm soát chi tiêu, lúc khó khăn phải vay mượn bạn bè… Trước thực trạng trên, các cấp bộ Đoàn - Hội tổ chức nhiều hoạt động tăng cường giáo dục tài chính, định hướng lối sống tiết kiệm cho học sinh, sinh viên và thanh niên.

Chạy theo trào lưu

Huỳnh Thị Giao Hạ (ở quận Cái Răng) vừa tốt nghiệp cao đẳng kế toán, xin được công việc trong một công ty thủy sản, thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng. Được cha mẹ chu cấp mọi chi tiêu cộng thêm đó là khoản thu nhập ổn định nhưng hầu như tháng nào, Hạ cũng phải xin thêm tiền cha mẹ. Nguyên do là Hạ rất sành điệu, luôn muốn chứng tỏ “đẳng cấp”, “chăm chỉ” sắm hàng hiệu, thường xuyên thay đổi quần áo mới, phụ kiện... Hạ còn là “tín đồ shopping” các loại nước hoa, mỹ phẩm, đặc biệt các sản phẩm công nghệ. Hạ mới tậu thêm chiếc Iphone X dù đã “sở hữu” hai chiếc điện thoại hàng hiệu, giá gần 15 triệu đồng. Hạ phân trần: “Bạn bè đều quần áo sang trọng, điện thoại hàng hiệu, mình sử dụng đồ cũ “quê” chết”. Điều đáng nói, biết Hạ chi tiêu lãng phí nhưng cha mẹ than phiền lấy lệ, rồi sẵn sàng chi tiền trước lời nài nỉ của con gái “rượu”.

Các cấp bộ Đoàn thường xuyên lồng ghép giáo dục quản lý tài chính cho sinh viên. Ảnh: HỒ THÁI

Từng thích mua sắm, Cao Vũ Luân, sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ, bộc bạch: “Trước đây, em thích sưu tầm giày. Mỗi khi có mẫu mới phải mua ngay dù chưa có nhu cầu sử dụng”. Đó cũng là lý do khiến Luân thường xuyên “cháy túi”. Đến khi đi làm thêm, Luân thấm thía phải vất vả mới có tiền nên bắt đầu lập kế hoạch chi tiêu tiết kiệm, hợp lý. Luân chia sẻ, khá nhiều bạn trẻ hiện nay sống phụ thuộc gia đình nhưng chi tiêu phung phí. Đa số thường “đổ” tiền vào ăn uống, nhậu nhẹt, sản phẩm thời trang, công nghệ… Cũng có trường hợp, dù được cha mẹ “cấp lương” hằng ngày hoặc hằng tuần nhưng nhiều bạn vẫn thiếu tiền xài, phải mượn tiền bạn bè.

Bên cạnh chạy theo các trào lưu, có thể thấy điểm chung của các bạn trẻ trên là chưa có kế hoạch chi tiêu rõ ràng, thiếu kỹ năng quản lý tài chính. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến chi tiêu thiếu kiểm soát, không xác định được giữa nhu cầu và mong muốn nên thường xuyên “cạn ví”...

Giáo dục kỹ năng quản lý tài chính

Anh Ngô Chí Trung, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ cho rằng, một bộ phận học sinh, sinh viên có lối sống hưởng thụ, lãng phí, chưa có ý thức tiết kiệm dù hầu như chưa tự chủ về tài chính. Nguyên nhân sâu xa là điều kiện kinh tế phát triển, một số bậc phụ huynh nuông chiều, sẵn sàng chu cấp tiền chi tiêu cho con em mình, mà không định hướng, giáo dục cách tiêu tiền cho con. Từng tham gia Dự án Giáo dục tài chính cho sinh viên (do Thành đoàn phối hợp Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế tổ chức), anh Trung cho biết, qua khảo sát, hầu như sinh viên hạn chế kỹ năng quản lý tài chính. Ví dụ như, chưa biết cách lập bảng chi tiêu, chưa phân biệt nhu cầu và mong muốn, chưa biết cách tiết kiệm… Để tăng cường giáo dục kỹ năng quản lý tài chính cho sinh viên, gần đây, Đoàn- Hội Sinh viên trường lồng ghép định hướng, tuyên truyền cho các bạn cách chi tiêu hợp lý, thực hành lối sống tiết kiệm. Anh Trung khuyên: “Mỗi bạn trẻ cần trích riêng trước từ 10 đến 15% tổng thu nhập hằng tháng. Số tiền còn lại dành chi tiêu học tập, sinh hoạt và chi phí phát sinh. Đồng thời, cần thực hành thường xuyên để trở thành thói quen, tự điều chỉnh chi tiêu hợp lý và khoa học hơn”.

Cao Vũ Luân chia sẻ, nhờ tham gia các khóa học quản lý tài chính (khuôn khổ Dự án Giáo dục tài chính), Luân cố gắng rèn thói quen tiết kiệm và chi tiêu hợp lý. Luân đang làm thêm ở khu vui chơi trẻ em, thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng. Trong đó, Luân ưu tiên gởi 600.000 đồng vào sổ tiết kiệm, sau đó mới tính toán chi tiêu những việc khác. Nhờ vậy, Luân có thể trang trải chi phí học tập và sinh hoạt, hạn chế xin tiền cha mẹ.

Theo một số cán bộ Đoàn- Hội, nhiều phụ huynh quá nuông chiều, sẵn sàng chu cấp, thiếu sự kiểm soát việc chi tiêu của con. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực của các cấp bộ Đoàn- Hội trong giáo dục kỹ năng quản lý tài chính, cha mẹ cần quan tâm giáo dục, định hướng cho con cái. Song song đó, cách chi tiêu tiết kiệm của phụ huynh sẽ là tấm gương để các bạn trẻ học hỏi,  xây dựng lối sống đẹp, lành mạnh, không sa đà vào đua đòi, tiêu xài hoang phí…

HỒ THÁI

Chia sẻ bài viết