08/10/2020 - 12:15

Hòa giải tốt ở cơ sở 

Qua 5 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở (HGOCS), hoạt động HGOCS có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước nâng cao về chất lượng, tổ chức và ngày càng đi vào nền nếp. Tỷ lệ hòa giải thành ngày càng cao, góp phần ngăn chặn những mâu thuẫn phát sinh, giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó trong địa bàn dân cư.

Các thành viên Tổ hòa giải ấp Bờ Bao, xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh tham gia buổi hòa giải.

Ông Nguyễn Trọng Trí, Phó Trưởng Phòng Tư pháp quận Thốt Nốt, cho biết: “Thông qua hoạt động HGOCS đã góp phần duy trì, củng cố sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện tốt HGOCS, người dân sẽ phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Bên cạnh đó, làm tốt công tác hòa giải còn góp phần hạn chế khiếu nại, đơn thư lên cơ quan cấp trên và tòa án, tiết kiệm thời gian, tiền bạc của cơ quan nhà nước và người dân”.

Hiện nay, toàn quận Thốt Nốt có 45 tổ hòa giải ở 45 khu vực, với 288 thành viên. Mỗi tổ hòa giải có 5-7 thành viên, được cơ cấu đủ thành phần, gồm: bí thư, trưởng khu vực, trưởng Ban Công tác Mặt trận, các đoàn thể… Bà Hà Thị Xoan, Bí thư, Trưởng khu vực, Tổ trưởng Tổ hòa giải khu vực Tân Quới, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, cho biết: “Tiếp nhận đơn khiếu kiện của người dân, các thành viên xác minh, tìm hiểu vụ việc, rồi họp bàn hướng giải quyết, trước khi đưa vụ việc ra hòa giải. Chúng tôi thường vận dụng giữa “lý” và “tình”, để hóa giải mâu thuẫn, hàn gắn tình làng nghĩa xóm. Nhờ vậy, số vụ việc hòa giải thành ở khu vực luôn đạt trên 90%”.

Từ năm 2015 đến nay, các tổ hòa giải ở quận Thốt Nốt đã tiếp nhận 2.773 vụ, đưa ra hòa giải 2.773 vụ, trong đó, hòa giải thành được 2.296 vụ, đạt tỷ lệ 82,8%;... Theo ông Nguyễn Trọng Trí, những vụ việc hòa giải không thành chủ yếu là mâu thuẫn, tranh chấp liên quan đến đất đai, phần lớn là tranh chấp trong thân tộc với nhau. Bên cạnh đó, do các bên thiếu giấy tờ chứng minh về tài sản hợp pháp của mình nên rất khó trong hòa giải. Ngoài lĩnh vực đất đai, số vụ ly hôn hòa giải thành chiếm tỷ lệ cũng tương đối thấp, do các đương sự có nhiều bất đồng về quan điểm, cách sống…

Tại huyện Vĩnh Thạnh, công tác HGOCS luôn được chính quyền và ngành chức năng quan tâm, thực hiện có hiệu quả. Ông Nguyễn Thanh Huy, ở xã Thạnh Quới, kể: “Trước đây, tôi và một hộ dân trong xóm có phát sinh tranh chấp, dẫn đến việc khiếu kiện, nhờ tổ hòa giải ở ấp giải quyết. Qua phân tích, động viên của các hòa giải viên, chúng tôi nhận thấy cái đúng, cái sai của mỗi bên. Từ đó, chúng tôi làm lành với nhau”. 

Hiện nay, toàn huyện Vĩnh Thạnh có 56 tổ hòa giải của 56 ấp, với 387 hòa giải viên cơ sở. Ða số các tổ hòa giải đều bảo đảm đúng, đủ thành phần, cơ cấu theo quy định. Hằng năm, Phòng Tư pháp phối hợp Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác HGOCS, nhằm nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ công tác hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở. Thông qua công tác hòa giải đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, giữ gìn đoàn kết trong nhân dân; phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; hạn chế lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp…

Hiện nay, đa số hòa giải viên cơ sở của huyện đều nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác HGOCS. Từ năm 2015 đến nay, các tổ hòa giải của huyện đã thụ lý và đưa ra hòa giải 797 vụ việc. Trong đó, hòa giải thành 675 vụ việc, đạt tỷ lệ 85%. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Công tác HGOCS trên địa bàn luôn được huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện. Qua công tác hòa giải, đã xuất hiện một số mô hình, cách làm hay, có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, như: phối hợp chặt chẽ với các vị chức sắc, chức việc của các Nhà thờ, các Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo để hỗ trợ tuyên truyền, vận động các bên đương sự nâng cao ý thức chấp hành pháp luật”.

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết