10/12/2010 - 21:54

Hòa giải sớm - đồng thuận cao

Công tác hòa giải, dập tắt mâu thuẫn ngay từ khi mới manh nha ngay tại các ấp ở xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, thời gian qua đã giúp người dân hiểu nhau hơn, tình làng nghĩa xóm càng thắt chặt... Chính việc hòa giải sớm này đã góp phần hạn chế được những khiếu kiện gay gắt, vượt cấp không đáng có.

Xã Thạnh Lợi có 4 ấp, trên 10 ngàn dân, sống chủ yếu bằng nghề nông. Những tranh chấp nhỏ hay phát sinh ở đây là tranh chấp ranh đất. Với quyết tâm giúp bà con sống chan hòa với nhau, chính quyền xã Thạnh Lợi luôn nhanh chóng giải quyết kịp thời những mâu thuẫn nhỏ phát sinh trong dân. Chỉ cần nghe các gia đình, chòm xóm có xích mích, lập tức trưởng ấp có mặt để nắm tình hình. Nếu người dân “đệ đơn” lên chính quyền thì cán bộ tư pháp xã nhanh chóng lên kế hoạch cùng các ban, ngành đi xác minh. Chính việc kịp thời nắm bắt tình hình trong xã, trực tiếp đến với dân giải quyết nhanh chóng các vụ việc, chính quyền và các ban ngành đã tạo lòng tin trong nhân dân.

Các thành viên Ban hòa giải xã Thạnh Lợi họp bàn trước khi đến nhà dân xác minh vụ việc. 

Điển hình như vụ tranh chấp giữa bà Phạm Thị Suy và bà Đoàn Thị Nghị cùng ở ấp C2. Chỉ vì chưa hiểu nhau, nên bà Suy làm đơn gởi đến UBND xã, trình bày bà có cho bà Nghị đứng ra canh tác và cấy tô trên lô đất của bà, nhưng không thu được tiền cấy tô, bà Suy đòi ruộng lại. Ngay khi nhận được đơn, anh Trần Đình Triệu, cán bộ tư pháp xã lên kế hoạch ngày hôm sau đi xác minh. Đang thời điểm xuống giống, không để dân phải chờ đợi, anh Triệu cùng Trưởng ấp C2 và cán bộ địa chính xã có mặt để sớm hòa giải vụ việc. Sau khi nghe các bên trình bày, anh Triệu cùng Trưởng ấp C2 phân tích cho bà Suy và bà Nghị biết các quy định của pháp luật về đất đai, đồng thời phân tích tình làng nghĩa xóm để hai bên hiểu nhau. Qua những lời phân tích, bà Nghị đồng ý trả đất cho bà Suy. Bà Nghị nói: “Trước đây, việc bà Suy cho tôi cấy tô không nói rõ và cũng không có hợp đồng cụ thể. Nay hai bên đã hiểu nhau, mong rằng chuyện trước đây đã qua rồi thì thôi”. Một buổi xác minh nhanh chóng, kết quả mỹ mãn khi hai gia đình bà Suy và bà Nghị đều vui vẻ bắt tay nhau làm hòa.

Mặc dù mới gắn bó với công tác tư pháp, làm cán bộ hòa giải chỉ ngót nghét 3 năm, nhưng anh Triệu đã hòa giải thành công nhiều mâu thuẫn nhỏ trong dân. Anh Triệu bộc bạch: “Đa số dân ở đây theo đạo công giáo, từng cùng di cư với nhau nên sống khá hòa thuận, có xích mích thì chỉ là những mâu thuẫn nhỏ. Người cán bộ hòa giải khéo, ngay khi biết có vụ việc, đến xác minh, giải thích là có thể hòa giải thành rồi”.

4 ấp của xã Thạnh Lợi, đều có tổ hòa giải do trưởng ấp làm tổ trưởng. Khi ở ấp xảy ra chuyện từ nhỏ đến lớn, tổ trưởng tổ hòa giải lập tức đến giải quyết. Như vụ ông T.Q.T. và con rể B.C.T. (cùng ngụ ấp B2) góp tiền mua chung một miếng đất, nhưng mới làm giấy tay. Sau đó, giữa ông T.Q.T. và gia đình con rể lục đục về việc mua chung miếng đất này. Qua tìm hiểu, nắm bắt vụ việc, chú Đoàn Công Thắng, Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp B2, đã đến phân tích, giải thích cho ông T.Q.T. biết, đề nghị chủ đất ghi vào giấy tay là bán cho ông diện tích bao nhiêu, người con rể diện tích bao nhiêu để có cơ sở làm giấy tờ nhà đất, không phát sinh tranh chấp sau này. Khi hiểu tường tận vấn đề, ông T.Q.T. không còn mâu thuẫn với gia đình con rể nữa. Chú Thắng cho biết: “Làm công tác hòa giải cũng phải có nghệ thuật. Trước khi giải quyết vụ việc gì phải nghiên cứu kỹ mâu thuẫn, thậm chí phải nắm đời sống, tình cảm của gia đình đương sự thì mới có thể hòa giải được. Mặt khác, người làm công tác này cũng phải có lòng kiên trì, hòa giải một lần không thành, mình để cho mọi chuyện yên ắng rồi thuyết phục dần dần cũng sẽ hòa giải được thôi”. Có những vụ việc rất nhỏ, nhưng vì hàng xóm ngại đụng chạm với nhau nên cần phải có một người đứng ra làm “trọng tài”, những lúc đó người dân tìm đến trưởng ấp. Như chuyện cột mốc ranh đất nghiêng qua một chút, hai bên muốn dựng cho thẳng nhưng ngại, lại phải chạy đến trưởng ấp nhờ làm chứng để khỏi mích lòng.

Chú Nguyễn Huy Lực, Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp C2, nói: “Ngay khi biết những người trong gia đình hay hàng xóm có mâu thuẫn với nhau dù lớn hay nhỏ, mình cũng nên tìm hiểu và khuyên nhủ họ từ từ ngồi lại với nhau. Người làm công tác hòa giải phải có đạo đức, uy tín, lối sống chuẩn mực, nhận thức cơ bản về pháp luật. Bên cạnh đó, phải biết kết hợp giữa chính quyền với các chức sắc tôn giáo để vận động, thuyết phục người dân”. Xác định làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở sẽ giảm áp lực cho chính quyền địa phương, UBND xã Thạnh Lợi đã không ngừng củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải. Trong tổ hòa giải luôn phải có người uy tín như Trưởng Ban công tác Mặt trận tổ quốc, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi, Trưởng ấp... để tạo lòng tin cho người dân.

Ông Trần Đình Hưng, Trưởng phòng Tư pháp huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Xã Thạnh Lợi là nơi làm công tác hòa giải tương đối tốt, hòa giải thành chiếm tỷ lệ cao, đạt 96%. Bên cạnh đó, những tranh chấp miệng phát sinh trong dân luôn được các tổ hòa giải kịp thời giải quyết, tạo lòng tin cho dân yên tâm làm ăn sinh sống”. Kịp thời giải quyết những gút mắc nhỏ trong dân, tránh khiếu kiện dai dẳng, vượt cấp là việc làm hợp lý, có hiệu quả của chính quyền xã Thạnh Lợi. Việc làm này không chỉ giúp chính quyền xã Thạnh Lợi yên tâm thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội được giao mà còn giúp bà con trong xã sống trong sự chan hòa, yêu thương lẫn nhau.

Bài, ảnh: SƠN HÀ

Chia sẻ bài viết