Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG
Sầu riêng là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao được nông dân tại TP Cần Thơ phát triển trồng. Ðể tạo thuận lợi về đầu ra cho trái sầu riêng, ngành chức năng TP Cần Thơ hỗ trợ nông dân xây dựng mã số vùng trồng và áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, chất lượng nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu. Hỗ trợ kết nối giữa nông dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm.
Sầu riêng Ri6 được trồng ở huyện Phong Điền.
Cần Thơ có hơn 24.000ha cây ăn trái các loại, trong đó có khoảng 2.500ha trồng sầu riêng, tăng gần 2.000ha so với thời điểm năm 2015. Các loại sầu riêng được trồng trên địa bàn TP Cần Thơ cho chất lượng trái tốt và thơm ngon, chủ yến là sầu riêng hạt lép Ri6. Cây sầu riêng đã được phát triển trồng tại nhiều quận, huyện như Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Ðiền, Thới Lai và Cờ Ðỏ, trong đó nhiều nhất là tại huyện Phong Ðiền, với 2.000ha. Nhờ năng suất, chất lượng trái tốt và bán được giá, thời gian qua nhiều hộ dân trồng sầu riêng đạt thu nhập khá cao.
Ông Ðồng Ngọc Phước, ngụ ấp Trường Trung A, xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền, có 6 công đất trồng sầu riêng Ri6, cho biết: "Vườn sầu riêng Ri6 được trồng và chăm sóc tốt có thể cho năng suất trái từ 2,5-3 tấn/công. Nếu bán sầu riêng được giá từ 45.000-60.000 đồng/kg như thời gian qua, người trồng sầu riêng có thể thu được lợi nhuận từ 60-80 triệu đồng/công, thậm chí cao hơn". Theo anh Nguyễn Thanh Tâm ngụ ấp Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Ðiền, hiện gia đình anh có 2ha trồng sầu riêng, trong đó 1ha đã cho trái và năm nay đã thu được hơn 20 tấn và bán được với giá từ 45.000-50.000 đồng/kg, trừ đi chi phí, tính ra anh có lời khoảng 600-700 triệu đồng. Giống sầu riêng đang được ông trồng là Ri6 và Mỏn Thon.
Cây sầu riêng cho hiệu quả kinh tế rất cao nhưng nông dân cũng đang có những mối lo về đầu ra sản phẩm trong thời gian tới, nhất là khi diện tích cây sầu riêng đã tăng mạnh tại nhiều địa phương trong cả nước. Ðồng thời, việc trồng sầu riêng tại nhiều nơi hiện còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có mã số vùng trồng, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, nông dân chủ yếu tiêu thụ tại nội địa. Vào mùa thu hoạch rộ, lượng trái sầu riêng cần tiêu thụ tại các địa phương là rất lớn và sẽ còn tăng lên trong thời gian tới. Theo ông Huỳnh Văn Hoảnh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tân Thới 1 ở huyện Phong Ðiền, để ổn định đầu ra, nông dân cần tăng cường liên kết với nhau và với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ. Kịp thời xây dựng mã số vùng trồng và đảm bảo các tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, đây cũng là vấn đề mà HTX đang tập trung thực hiện.
Ðể đáp ứng yêu cầu sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ, hiện ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ cùng các sở, ngành thành phố và địa phương đang tích cực hỗ trợ nông dân xây dựng mã số vùng trồng. Ðồng thời, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và quy trình canh tác tiên tiến để sản phẩm đạt chất lượng, an toàn, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Khuyến khích nông dân liên kết, hình thành các HTX, tổ hợp tác và vùng chuyên canh trồng sầu riêng để thuận lợi kết nối với các doanh nghiệp, nhà tiêu thụ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, đến nay tại các quận, huyện của thành phố đã thành lập được 8 HTX và tổ hợp tác trồng sầu riêng, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Các HTX và tổ hợp tác thu hút 154 hộ dân tham gia, tổng diện tích trồng sầu riêng hơn 117ha, sản lượng hơn 2.850 tấn/năm. Hiện sầu riêng trồng tại nhiều HTX cũng đã có mã số vùng trồng. Bà Trần Thị Kim Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết " Ðể phát triển bền vững cây sầu riêng, tới đây Chi cục tiếp tục phối hợp các đơn vị có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, thúc đẩy nông dân tăng cường liên kết để khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ. Hỗ trợ người dân trong xây dựng mã số vùng trồng gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát các mã số vùng trồng đã được cấp. Tập huấn, hướng dẫn nông dân chăm sóc cây, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, đặc biệt lưu ý một số hoạt chất cảnh báo của các thị trường xuất khẩu. Kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì vùng nguyên liệu sầu riêng xuất khẩu hiện có và mở rộng các vùng trồng trên địa bàn".
Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ đã phối hợp với Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cùng Công ty TNHH Ðầu tư và Phát triển Vạn Hòa tổ chức hội nghị "Phát triển cây sầu riêng với mã số vùng trồng" nhằm cung cấp các thông tin cần thiết và hỗ trợ nông dân kết nối với doanh nghiệp xuất khẩu. Dịp này, Công ty Vạn Hòa đã ký thỏa thuận liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân trồng sầu riêng tại HTX Tân Thới 1 ở huyện Phong Ðiền. Công ty cũng đã chia sẻ thông tin về các chính sách bao tiêu sản phẩm mà đơn vị đang áp dụng và mong muốn được liên kết với nhiều nông dân tại nhiều HTX, tổ hợp tác trên địa bàn TP Cần Thơ để phát triển vùng nguyên liệu xuất khẩu. Theo ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Ðầu tư và Phát triển Vạn Hòa, Cần Thơ có nhiều tiềm năng phát triển cây sầu riêng. Công ty muốn liên kết với nông dân tại Cần Thơ để phát triển vùng nguyên liệu sầu riêng xuất khẩu. Hiện công ty đã ký kết hợp tác, cung cấp sầu riêng cho đối tác ở Trung Quốc với sản lượng 300.000 tấn/năm. Bên cạnh bao tiêu sản phẩm và thực hiện chốt giá thu mua từ 10-15 ngày trước thời điểm thu hoạch, công ty cũng trợ vốn cho nông dân và các đối tác mức 50 triệu đồng/ha từ đầu vụ. Ðồng thời, áp dụng nhiều chính sách khen thưởng, hỗ trợ, hướng dẫn trong xây dựng mã số vùng trồng và sản xuất đạt chuẩn xuất khẩu.