24/09/2016 - 16:13

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn

Theo Cục Tài chính DN, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DVNVV) hiện chiếm đến 98% tổng số DN trên cả nước, đóng góp 45% tổng sản phẩm trong nước (GDP), 33%/ tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết đến 62% nhu cầu việc làm. Tuy nhiên, đây là đối tượng dễ bị tổn thương, thiếu khả năng cạnh tranh do quy mô nhỏ, thiếu nhân lực, công tác quản trị còn nhiều hạn chế, thiếu vốn đầu tư cũng như khó tiếp cận vốn. Trong bối cảnh hội nhập, bên cạnh những nỗ lực tự thân, các DN rất cần những giải pháp hỗ trợ thiết thực để chủ động đầu tư gia tăng hàm lượng công nghệ, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

* DN khát vốn

ĐBSCL hiện có trên 53.000 DN các loại hình đang hoạt động, chiếm khoảng 10% tổng số DN trên cả nước và đa phần là DNNVV. Muốn gia tăng khả năng cạnh tranh, DN rất cần vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, hoàn thiện quy trình sản xuất. Theo ông Phạm Hoàng Thắng, Giám đốc DNTN Nhựa Hoàng Thắng (TP Cần Thơ), trong quá trình sản xuất, DN rất cần vốn để đầu tư máy móc, nguyên liệu trong khi nguồn vốn tự có lại không đảm bảo. Trước đây có thời điểm lãi suất ngân hàng biến động lên đến 18-20%/năm, DN vẫn chấp nhận vay để duy trì hoạt động của bộ máy sản xuất. Hiện nay, DN đang vay vốn ngân hàng với lãi suất bình quân 8%/năm nhưng mức vốn này vẫn tương tự như các đơn vị khác và không được ưu đãi dù những sản phẩm của Nhựa Hoàng Thắng đều là sản phẩm sở hữu trí tuệ như máy gặt đập liên hợp, thiết bị sạ hàng, thiết bị phun xịt dung dịch, phục vụ đắc lực cho yêu cầu cơ giới hóa nông nghiệp của vùng ĐBSCL.

HDBank là 1 trong 3 ngân hàng thương mại tham gia hỗ trợ tín dụng cho các Chương trình của Quỹ phát triển DNNVV.

Để phát triển sản xuất kinh doanh, vấn đề tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi trong thời gian dài là nhu cầu cấp thiết đối với các DN. Theo ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP Cần Thơ, thời gian qua, các DN tại ĐBSCL thường kêu ca về việc thiếu vốn và khó tiếp cận vốn. Trong khi các ngân hàng thương mại trên địa bàn đều khẳng định có nhiều chương trình cho vay cho các đối tượng khách hàng và từng lĩnh vực. Tuy nhiên, những rủi ro trong quá trình cho vay đã khiến một số ngân hàng e ngại và đòi hỏi chặt chẽ hơn về hồ sơ, thủ tục khi DN có nhu cầu tiếp cận vốn.

* Gỡ khó về vốn

Ngày 16-5-2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP "Về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020". Nghị quyết 35 nhấn mạnh nguyên tắc Nhà nước sẽ có chính sách đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao. Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, chia sẻ: "DNNVV với nguồn tài nguyên nhân lực và công nghệ hạn chế, đồng vốn ít. Song đây là đối tượng DN được Thủ tướng Chính phủ khẳng định là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Theo đó, Quỹ Phát triển DNNVV thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư được thành lập nhằm mục tiêu tạo nguồn vốn tín dụng để giúp DNNVV thuận lợi tiếp cận vốn sâu khi được hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục hành chính cần thiết. Thông qua nguồn quỹ này, DN sẽ được tiếp cận vốn với thời gian dài hơn, lãi suất hợp lý hơn, giúp DN vay được mà không cần tài sản thế chấp hoặc có thể vay từ tài sản hình thành từ vốn vay phục vụ cho các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực hỗ trợ của Quỹ. Ở từng lĩnh vực cụ thể, Quỹ Phát triển DNNVV quy định hạn mức vay tối đa dành cho các doanh nghiệp. Theo đó, đối với DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo hạn mức chương trình là 100 tỉ đồng. DN tham gia chuỗi sản xuất, chế biến và bảo quản nông, lâm, thủy sản hạn mức cho vay 210 tỉ đồng. DN thuộc ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ cho ngành điện tử và cơ khí hạn mức 150 tỉ đồng. DN thuộc ngành quản lý và xử lý rác thải, nước thải 100 tỉ đồng.

Là 1 trong 3 ngân hàng thương mại tham gia hỗ trợ tín dụng cho các Chương trình của Quỹ Phát triển DNNVV, Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) tập trung cho vay ở 3 ngành nghề: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải. Ông Phạm Quốc Thanh, Phó Tổng Giám đốc HDBank, cho biết: Ngân hàng khi giải quyết hồ sơ vay vốn cũng sẽ ưu tiên cho doanh nghiệp thuộc các trường hợp như: Sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, vật liệu mới, năng lượng mới; đổi mới trang thiết bị kỹ thuật làm tăng năng suất lao động, chế tạo, sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao; Cải thiện năng lực quản trị điều hành; Tạo nhiều việc làm mới, sử dụng nhiều lao động nữ; Sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường hoặc sử dụng công nghệ sạch, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, phát thải thấp. Đặc biệt, ngân hàng HDBank giải quyết cho vay linh hoạt với tài sản hình thành từ vốn vay; dòng tiền từ triển khai dự án, phương án sản xuất kinh doanh thông qua tài khoản giao dịch của DNNVV mở tại HDBank; chứng thư bảo lãnh của tổ chức bảo lãnh tín dụng hoặc các tài sản hiện hữu khác...

Theo bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc Quỹ Phát triển DNNVV, hiện nay có 3 ngân hàng nhận ủy thác của Quỹ gồm: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VCB), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank). Thông thường, sau khi tiếp nhận hồ sơ của DN xin vay vốn từ Quỹ, trong vòng 3 ngày tiếp theo, Quỹ sẽ kiểm tra nội dung các thông tin DN cung cấp và đối chiếu các quy định của Chương trình hỗ trợ của Quỹ trong từng thời kỳ. Nếu phù hợp, Quỹ sẽ có thông báo bằng văn bản hoặc email, tin nhắn gửi tới DN và gửi thông tin của DN tới ngân hàng nhận ủy thác để thực hiện hoàn thiện hồ sơ và thẩm định dự án theo quy định của ngân hàng. DN nộp hồ sơ xin vay vốn tới ngân hàng nhận ủy thác. DN có thể tới chi nhánh các ngân hàng nhận ủy thác của Quỹ để yêu cầu được hướng dẫn về các Chương trình hỗ trợ tài chính của Quỹ.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết