(Chinhphu.vn) - Bộ LĐTB&XH đề nghị các tỉnh, thành phố ưu tiên bố trí, hỗ trợ để trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19 được chăm sóc thay thế bởi người thân, cá nhân, gia đình nhận chăm sóc, để trẻ được sống trong môi trường gia đình và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ. Việc trẻ em được chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội chỉ là biện pháp sau cùng.
Lãnh đạo Thành ủy TPHCM động viên, thăm hỏi trẻ mồ côi do đại dịch COVID-19. Ảnh: hcmcpv.org.vn
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà vừa ký Công văn số 3234/LĐTBXH-TE gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai kịp thời các biện pháp chăm sóc trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19.
Tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở các địa phương bùng phát dịch lần thứ tư. Tại TPHCM và một số tỉnh, thành phố đã có hơn 1.000 trẻ rơi vào hoàn cảnh mồ côi. Để kịp thời chăm sóc, nuôi dưỡng, giảm nhẹ nỗi đau thương, mất mát của các em, Ủy ban Quốc gia về trẻ em và Bộ LĐTB&XH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai một số nội dung: Cập nhật số lượng, danh sách, hoàn cảnh cụ thể, điều kiện chăm sóc từng trường hợp trẻ em có cha, mẹ mất do đại dịch COVID-19, nguyện vọng của trẻ và người giám hộ của trẻ để có biện pháp trợ giúp kịp thời, phù hợp.
Thực hiện đầy đủ chính sách trợ giúp xã hội đối với nhóm trẻ em này theo quy định của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; chính sách hỗ trợ cho trẻ em tại Nghị quyết số 68/2021/NĐ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Phối hợp với Bộ LĐTB&XH để hỗ trợ cho trẻ là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19, trẻ có cả cha và mẹ tử vong vì nhiễm COVID-19, trẻ có cha hoặc mẹ tử vong vì nhiễm COVID-19 có hoàn cảnh khó khăn... từ nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.
Thực hiện việc chăm sóc thay thế cho các em theo quy định của Luật Trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em. Ưu tiên bố trí, hỗ trợ để trẻ em được chăm sóc thay thế bởi người thân, bởi cá nhân, gia đình nhận chăm sóc, để trẻ được sống trong môi trường gia đình và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ. Việc trẻ em được chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội chỉ là biện pháp sau cùng.
Ban hành chính sách, kế hoạch của địa phương về hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trước mắt và lâu dài đối với nhóm trẻ em này tại các tỉnh, thành phố có số lượng lớn trẻ mồ côi do đại dịch.
Chỉ đạo việc trợ giúp pháp lý cho các em theo quy định của pháp luật để bảo đảm quyền, lợi ích của trẻ em không bị xâm hại do các em không có sự giám hộ của cha, mẹ.
Hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có đề xuất dự án, kế hoạch, hoạt động hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trước mắt và lâu dài nhóm trẻ em này, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật đối với việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và chăm sóc thay thế cho trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ bị bỏ rơi, trẻ không nơi nương tựa. Hướng dẫn quy trình, thủ tục cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nguyện vọng thành lập cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi theo quy định của Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng, bao gồm cả việc bảo đảm quyền học tập của các em theo đúng các quy định của pháp luật về trẻ em, pháp luật về giáo dục, trong đó có quy định về giáo dục hoà nhập.
Khi có các vướng mắc phát sinh, hoặc trường hợp khẩn cấp liên quan đến nhóm trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19 cần chủ động thông tin, phối hợp với Bộ LĐTB&XH (qua Cục Trẻ em) để có giải pháp xử lý, hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời.
Thu Cúc