27/10/2012 - 20:24

Họ “tàn” nhưng không “phế”

Chuẩn bị cho Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2012 sắp diễn ra tại TP HCM vào hạ tuần tháng 11, các vận động viên khuyết tật Cần Thơ đã bước vào luyện tập. Đoàn thể thao người khuyết tật Cần Thơ có 31 vận động viên, tham gia tranh tài ở 6 môn gồm cầu lông, bơi lội, điền kinh, bóng bàn, cử tạ và cờ vua.

8 giờ sáng 24-10 là ngày tập đầu tiên của các vận động viên khuyết tật. HLV phụ trách môn bơi lội Bùi Thanh Tâm cho 12 vận động viên tự động lên bục xuất phát ngồi và ngã xuống hồ bơi theo sở trường. Tuy nhiên với các vận động viên khuyết tật, việc thực hiện các động tác này không đơn giản tí nào. Bởi một vài vận động viên bị liệt nửa người, teo cả hai chân nên phải đi lại bằng hai tay; có người khá hơn chút thì khập khiểng bước lên bục xuất phát… Nhưng các vận động viên từ trên bục xuất phát ngã nhào xuống nước, đã lao về phía trước như những tay bơi sành sỏi. Sau khi kết thúc buổi tập, các vận động viên vui vẻ trao đổi thông tin với nhau về gia đình, về công việc, tạo một không khí đầy tiếng cười đùa. Dường như không còn những nỗi đau thương tật của các vận động viên.

 Các vận động viên bơi lội khuyết tật hăng say tập luyện. Ảnh: MINH THẢO

Người bình thường tập thể thao đã phải nỗ lực rất nhiều, còn với người khuyết tật tập thể thao thì càng phải nỗ lực hơn nữa. Họ phải tập luyện bằng tất cả ý chí. Bên cạnh những khiếm khuyết về thân thể, nhiều vận động viên khuyết tật còn phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống. Nguyễn Ngọc Hùng, 50 tuổi, người đã có 10 năm tham gia nội dung bơi tự do, cho biết chú bị bệnh sốt bại liệt từ lúc 8 tháng tuổi, tỷ lệ thương tật là S8. Để mưu sinh hàng ngày, chú phải chạy xe ôm ở bến đò Cô Bắc (quận Bình Thủy) và tiếp vợ bán bánh mì. Một số vận động viên bơi lội như Nguyễn Thành Sang và Lê Văn Thanh là thợ quấn mô-tơ, tập một buổi phải về làm một buổi kiếm sống. Hay vận động viên Trần Văn Mốm và Nguyễn Thanh Tùng phải đi bán vé số sau buổi tập. Cuộc sống khá vất vả, nhưng các vận động viên đều nói rằng khi đến tập luyện bơi lội là gạt bỏ mọi lo toan cuộc sống, thấy vui, khỏe khoắn hẳn ra... Các vận động viên trẻ như Nguyễn Thành Tặng, 22 tuổi, tỏ ra hớn hở vì tập bơi cảm thấy mạnh mẽ hơn, ăn uống nhiều hơn. Năm ngoái, Thành Tặng từng đoạt được 1 HCB cá nhân và 2 HCĐ tiếp sức nên năm nay, em rất quyết tâm để có huy chương vàng.

Có lẽ người nếm trải nhiều vui buồn nhất trong làng thể thao người khuyết tật Cần Thơ là Võ Văn Sĩ. Năm nay 69 tuổi, chú tham gia thi đấu bóng bàn cùng đoàn thể thao khuyết tật Cần Thơ liên tục từ năm 2000 đến nay. Chú cho biết trong bộ sưu tập của mình đã có đủ các huy chương vàng, bạc, đồng. Mỗi khi có dịp tham gia hội thao là dịp gặp lại bạn bè cũ, rất vui.

***

Tham gia phong trào thể thao là cơ hội để người khuyết tật tiếp cận thông tin, tiếp thêm niềm tin trong cuộc sống. Ông Huỳnh Ngọc Hùng, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội – Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ, cho biết năm nào Cần Thơ cũng tổ chức đoàn vận động viên tham gia đều đặn hội thao người khuyết tật toàn quốc.

Nhiều năm qua, đoàn thể thao người khuyết tật Cần Thơ luôn đứng trong tốp 5 các đoàn mạnh nhất, dù lực lượng tham gia không đông. Cần Thơ cũng đã cung cấp nhiều vận động viên khuyết tật đạt thành tích cao cho đội tuyển quốc gia, mang về những chiếc HCV ParaSeaGames như Nguyễn Hoàng Nhã, Lê Tiến Đạt, Võ Thanh Tùng…

NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết