11/03/2021 - 08:39

Hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp ở Đồng Tháp 

Nhiều mặt hàng nông sản ở tỉnh Đồng Tháp đã phát huy thế mạnh nhờ không chạy theo số lượng mà chú trọng nâng cao chất lượng. Doanh nghiệp chú trọng đổi mới công nghệ chế biến sâu, đẩy mạnh liên kết tạo lượng hàng hóa lớn đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu. Riêng bà con nông dân đã ứng dụng tốt tiến bộ khoa học để giảm chi phí, tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích. 5 năm tập trung thực hiện tái cơ cấu sản xuất, ngành Nông nghiệp Đồng Tháp đã giữ mức tăng trưởng ổn định trên 3,5%/năm, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh là 6,4%.

Bên cạnh lúa và nhiều loại cây ăn trái, hiện nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cũng phát triển sản xuất nhiều loại hoa kiểng và cây trồng mới gắn với phát triển du lịch. Trong ảnh: Cây chà là được trồng ở TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.

Bên cạnh lúa và nhiều loại cây ăn trái, hiện nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cũng phát triển sản xuất nhiều loại hoa kiểng và cây trồng mới gắn với phát triển du lịch. Trong ảnh: Cây chà là được trồng ở TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.

Đồng Tháp là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Trung ương chọn thí điểm xây dựng và thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp. Chủ trương của địa phương không tăng diện tích 3 vụ lúa trong năm mà thay thế bằng cây màu, nuôi trồng thủy sản phù hợp.

Từ năm 2017, tỉnh đã tập trung phát triển sản xuất thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Đến nay, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa là 27.800ha, chủ yếu trên đất 3 vụ và đất 2 vụ. Riêng vụ đông xuân 2019-2020, diện tích chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác là 3.570ha, gồm rau màu và cây lâu năm. Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp Đồng Tháp chuyển biến mạnh mẽ theo định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thực tế kết quả nổi bật của thành tựu tái cơ cấu nông nghiệp Đồng Tháp là tạo ra sự thay đổi tư duy tích cực từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”. Nông dân thấu hiểu tầm quan trọng của việc sản xuất phải gắn với tiêu thụ, vì vậy mà không ngừng liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp để được cung ứng vật tư đầu vào và có hợp đồng tiêu thụ nông sản.

Phát triển liên kết sản xuất nông nghiệp sạch trên cây xoài là một trong những điển hình tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp nơi đây. Xác định xoài trái là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp chọn vùng chuyên canh xoài nổi tiếng Cao Lãnh tập trung đầu tư phát triển nhều mô hình canh tác hữu cơ an toàn. 5 năm nay, cứ trước mỗi đợt thu hoạch, các nhà vườn Cao Lãnh cẩn thận bóc bao, kiểm tra từng trái, chứ không còn theo kiểu hái đồng loạt hết số trái trên cây như trước đây. Với cách làm này, chủ vườn chỉ lựa chọn những trái xoài màu phấn tươi hồng, đủ độ ngon, độ chín để bán đến tay người tiêu dùng. Những trái xoài bóng đẹp lại đảm bảo chất lượng vì sản xuất theo hướng hữu cơ an toàn nên được khách hàng tin tưởng, tiêu thụ mạnh hơn.

Năm 2019, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã khảo sát thực tế vùng trồng xoài Cao Lãnh và chấp nhận đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường của họ. Thế mạnh xuất khẩu xoài trái Đồng Tháp nhờ vậy càng được phát huy. Ông Lê Thành Vân, Trưởng ban Kiểm soát Hợp tác xã (HTX) Tịnh Thới, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Ở đây, bà con phát triển kinh tế gia đình là dựa vào cây xoài. Thành thử ra lúc nào bà con cũng muốn làm theo quy trình, tiêu chuẩn cho sạch để mà đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng rồi từ đó bà con ta mới có điều kiện phát triển cây xoài của mình”.

Xuất khẩu sang thị trường tiềm năng Mỹ, xoài Cao Lãnh đã nâng cao được giá trị. Quan trọng hơn là đã giúp ổn định kinh tế cho nhà vườn trong một năm đầy khó khăn, biến động của nền kinh tế thế giới trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Ngoài tư duy và trình độ sản xuất của nhà nông đã được cải thiện nâng cao, sản phẩm hàng nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường, việc xuất khẩu xoài ổn định còn nhờ doanh nghiệp và ngành chức năng địa phương nỗ lực phát triển vùng nguyên liệu chất lượng, ổn định sản lượng, nâng cao hiệu quả cạnh tranh tiêu thụ xoài trái trên thị trường.

Bà Đinh Kim Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Kim Nhung, Đồng Tháp, nói: “Muốn nông sản Việt Nam mình xuất khẩu được những nước khó tính mà không phụ thuộc vào Trung Quốc thì nên làm theo những cái an toàn, làm về hữu cơ. Công ty đã tìm tới An Giang và Đồng Tháp, 2 tỉnh và một phần của Tiền Giang để kết hợp lại, lựa chọn cái vùng nào đủ tiêu chuẩn làm về VietGAP hoặc cái an toàn để kết nối thêm vùng nguyên liệu rộng lớn để xuất khẩu”.

Ông Nguyễn Văn Công, Nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Tạo ra bước đột phá để làm sao cái diện tích quy mô sản xuất trên mỗi hộ tốt hơn, nếu như bà con chưa có điều kiện để mua đất thì bằng sự liên kết nhiều ông chủ nhỏ thì chúng ta vẫn có thể có được một mảnh đất lớn để việc sản xuất mang lại hiệu quả tốt hơn”.

Liên kết sản xuất đã giúp nhà nông chủ động phát triển mặt hàng mới đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả canh tác. Thực tế không chỉ có thị trường Mỹ, nông sản nước ta sẽ phát huy giá trị và duy trì hiệu quả kinh tế bền vững một khi nông dân biết chọn đầu tư loại nông sản thế mạnh theo nhu cầu thị trường. Xuất khẩu thuận lợi, giá trị gia tăng cao, đây là lợi thế cạnh tranh lớn, ổn định kinh tế cho nhà nông. Hiệu quả như vậy, nên Đồng Tháp tiếp tục xây dựng các vùng trồng xoài có liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, trên diện tích khoảng 7.000 héc-ta. Điều này càng tạo thuận lợi cho địa phương mở rộng thị trường tiêu thụ xoài trái vươn tới 40 nước trên thế giới.

Ông Lê Văn Tâm, Chủ tịch Hội làm vườn tỉnh Đồng Tháp, cho rằng: “Chủ trương và định hướng của Hội làm vườn từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở là tiếp tục tuyên truyền vận động bà con sản xuất theo hướng an toàn để mở rộng vùng nguyên liệu, chứng nhận địa lý, để đáp ứng theo yêu cầu thị trường hiện nay. Bên cạnh đó tăng cường kết nối doanh nghiệp trong sản xuất cũng như tiêu thụ.”

Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển các mô hình kinh tế quy mô, hiệu quả. Đáng chú ý là chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. UBND tỉnh đã phê duyệt tổng kinh phí hỗ trợ gần 10 tỉ đồng. Địa phương từng có quyết định hỗ trợ 50% lãi suất cho nông dân thuê đất mở rộng diện tích lên ít nhất 3ha. Theo đó, đã có nhiều hộ nông dân được xét duyệt hỗ trợ lãi suất thuê đất và san phẳng mặt ruộng bằng laser.

Đến nay, Đồng Tháp đã có 44 đơn vị triển khai thực hiện dự án xây dựng cánh đồng lớn với tổng diện tích 92.758ha. Từ mô hình này các địa phương đã tổ chức lại sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, khuyến khích và hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là phát triển sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Đồng Tháp còn thúc đẩy công nghiệp chế biến tiếp tục phát triển, đặc biệt là chế biến nông sản theo chuỗi ngành hàng. Nhiều sản phẩm nông sản giá trị gia tăng ra đời, đáp ứng nhu cầu thị trường, khai thác hiệu quả kinh tế tốt hơn cho các mặt hàng truyền thống đặc thù. Nổi bật có thể kể đến là sự đa dạng của các sản phẩm từ sen như hạt sen sấy, sữa sen, các loại trà, rượu từ sen hay các sản phẩm từ mãng cầu như nước ép mãng cầu, mứt mãng cầu, trà mãng cầu...

Đến nay, Đồng Tháp đã chấp thuận chủ trương và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 54 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, với tổng vốn đăng ký hơn 7.500 tỉ đồng. Tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản; ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Đồng Tháp vươn lên trở thành tỉnh dẫn đầu khu vực ĐBSCL và trong tốp dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Những thay đổi rất căn bản từ ngành nông nghiệp đã góp phần vào bức tranh kinh tế chung của toàn tỉnh. Đây là một thành tích  rất đáng phấn khởi và tự hào.

CHÂU KHÁNH - HUY HIẾU

Chia sẻ bài viết