Biết sử dụng kiến thức vào những ý tưởng/dự án sáng tạo cụ thể, phát triển năng lực, phẩm chất và nâng cao hứng thú học tập cho học sinh... là những hiệu quả mà giáo dục STEM mang lại. Ðiều này thể hiện rõ nét trong các hoạt động tại Ngày hội giáo dục STEM cấp tiểu học TP Cần Thơ vừa được tổ chức.
Các em học sinh tranh tài tại Hội thi Đấu trường robot.
Ngày hội giáo dục STEM cấp tiểu học năm học 2023-2024 do Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) TP Cần Thơ vừa tổ chức đã lan tỏa tinh thần dạy và học sáng tạo, tích cực trong thầy cô, học sinh và phụ huynh; nhất là hai cuộc thi tại ngày hội. Chị Nguyễn Thị Ngọc Tú (quận Ninh Kiều), cho biết con trai của chị học lớp 3 Trường Tiểu học Mạc Ðĩnh Chi. Dù không trực tiếp tham gia đội thi nhưng bé rất vui khi hỗ trợ, cổ vũ các bạn thi. “Tôi thấy những hoạt động giáo dục như ngày hội STEM rất hay, ý nghĩa, giúp trẻ dạn dĩ, năng động, sáng tạo, hỗ trợ việc học tốt hơn”, chị Ngọc Tú nói.
Ngày hội giáo dục STEM vừa qua thu hút gần 1.000 giáo viên, học sinh đến từ các trường tiểu học trên địa bàn thành phố tham gia. Hoạt động chính của ngày hội là 2 hội thi: Dự án giáo dục STEM “Trường học thông minh” và Ðấu trường robot. Ở Hội thi Dự án giáo dục STEM “Trường học thông minh”, mỗi quận, huyện tham gia 3 dự án. Nội dung thi gồm trưng bày và giới thiệu, thuyết trình dự án. Theo đánh giá của ban tổ chức, các dự án của học sinh đều thể hiện những ý tưởng xây dựng ngôi trường hiện đại, văn minh hơn như ứng dụng tích hợp kiến thức công nghệ, vật lý, toán học… để kiến tạo xây dựng ngôi trường xanh, tự động hóa trong điều khiển các thiết bị điện.
Em Bùi Quốc Tài, học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Trinh 2 (huyện Vĩnh Thạnh), cho biết em cùng các bạn thực hiện sản phẩm cho dự án “Trường học thông minh” gồm 7 thiết bị thông minh như chống trộm, đo nhiệt độ, đo độ ẩm của đất, báo động đất... “Em rất vui khi tham gia ngày hội vì quen được nhiều bạn; học và hiểu nhiều hơm về kiến thức trên lớp”, Quốc Tài nói. Nhóm của Bùi Quốc Tài có 3 thành viên, với 3 giáo viên hướng dẫn. Một số ý tưởng chạy demo trên mô hình trường học thông minh được áp dụng tại Trường Tiểu học Vĩnh Trinh 2. Sản phẩm nhằm tạo sự hứng thú, gợi mở cho học sinh khám phá kiến thức; các em được học, được chơi, kết hợp với phát triển trí tuệ, vận động chân tay, dễ dàng hiểu và nhớ bài.
Trong khi đó Hội thi Ðấu trường robot cho thấy niềm đam mê khoa học cũng như kiến thức và quyết tâm của học sinh. Với chủ đề hội thi là Xây dựng khu đô thị mới - hạt nhân tiềm năng, mỗi quận huyện có 4 đội tham gia. Nhiệm vụ của các đội thi là điều khiển robot trên sa bàn thực hiện các nhiệm vụ: vận chuyển vật liệu theo vị trí định sẵn; đẩy khối nguyên liệu quan trọng đến vị trí để giành quyền phát triển... Ðội đạt giải Nhất hội thi là em Huỳnh Ðăng Khoa và Nguyễn Ngọc Phát, học sinh Trường Tiểu học Phú thứ 2 (quận Cái Răng). Ðăng Khoa cho biết, hai em đã phối hợp luyện tập rất nhiều lần, luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất phần thi. Ðăng Khoa hồ hởi: “Em có nhiệm vụ hỗ trợ anh Phát nhìn những khối gạch, canh sao cho đúng vị trí. Anh Phát thì điều khiển robot đẩy khối gạch vô ô”.
Ngày hội giáo dục STEM không chỉ là sân chơi trí tuệ, phát huy tư duy sáng tạo trong học tập; mà còn giúp học sinh rèn luyện nhiều kỹ năng mềm khác như tự tin trong giao tiếp, làm việc nhóm, tinh thần đoàn kết… Ông Lê Thanh Long, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ÐT TP Cần Thơ, cho biết bên cạnh các hoạt động dạy học trên lớp, giáo dục tiểu học còn có những hoạt động giao lưu, trong đó có Ngày hội giáo dục STEM với hội thi đấu robot, trưng bày những sản phẩm/dự án Trường học thông minh. Thông qua đó đã thể hiện sự hiểu biết về giáo dục STEM, cũng như phát huy khả năng sáng tạo và tinh thần học hỏi những kiến thức mới của các em học sinh.
* * *
Năm học 2022-2023, TP Cần Thơ có 10 trường tiểu học thuộc 5 quận, huyện trên địa bàn thành phố được chọn triển khai thí điểm giáo dục STEM. Ðến năm học 2023-2024, giáo dục STEM chính thức được đưa vào 100% trường tiểu học và triển khai dưới dạng chủ đề, để học sinh làm quen, thực hiện được những sản phẩm từ những kiến thức đã học để ứng dụng vào thực tế. Các trường học chủ động phương án tổ chức thực hiện theo định hướng phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục. Cùng với đó, các đơn vị còn đa dạng hình thức tổ chức giáo dục như hoạt động trải nghiệm thông qua câu lạc bộ nghiên cứu khoa học kỹ thuật; thực hiện tốt không gian trải nghiệm, góc STEM trong từng lớp học, khuôn viên nhà trường. Hoạt động nhận được sự ủng hộ từ chính quyền, cha mẹ học sinh và cộng đồng trong công tác xã hội hóa, duy trì và tổ chức câu lạc bộ STEM - Robotics…
Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ÐT TP Cần Thơ, cho biết giáo dục STEM có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngoài việc phát triển các năng lực và phẩm chất như định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục STEM nâng cao hứng thú học tập cho học sinh; đồng thời giúp các em phát triển tư duy sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục.
Bài, ảnh: B.KIÊN