29/05/2017 - 20:52

Hiểu đúng kinh nghiệm dân gian cho thời kỳ thai sản

Đó là chương trình Bệnh viện (BV) Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long vừa tổ chức, do bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Anh, Phó Trưởng Khoa Sản BV trực tiếp giải đáp các thắc mắc. Qua đó, giúp thai phụ hiểu đúng về những kinh nghiệm dân gian thường được truyền miệng để thực hiện trong thai kỳ và sau sinh.

* Trong thai kỳ

- Không chụp ảnh khi mang thai vì sợ con mất duyên: Bác sĩ cho rằng, không có lý do ngăn cản các thai phụ chụp ảnh. Mang thai là quãng thời gian tuyệt vời nhất của phụ nữ khi tận hưởng thiên chức làm mẹ.

Bác sĩ sản khoa tư vấn cho chị em những kiến thức hữu ích về kinh nghiệm dân gian trong thai kỳ.

- Không đeo trang sức vì sợ con mất duyên hoặc dây rốn quấn quanh cổ: Nếu việc mang trang sức lúc mang bầu làm bạn tự tin và đẹp hơn thì không gì là không thể. Tuy nhiên, các bà bầu nên tránh nguy hiểm rình rập khi mang nhiều trang sức đắt tiền.

- Không bước qua dây hoặc võng để đứa bé trong bụng không bị dây rốn quấn cổ: Đó là tâm lý e sợ đứa trẻ trong bụng sẽ bị tràng hoa quấn cổ, tình trạng khá nguy hiểm ảnh hưởng thai nhi. Tuy nhiên, theo khoa học, việc tràng hoa quấn cổ do nhiều nguyên nhân khác và không liên quan chuyện bà bầu bước qua sợi dây hay võng. Tuy nhiên, lo lắng này có thể giúp tránh khỏi những tai nạn vấp ngã dẫn đến sang chấn thai.

- Uống nhiều nước dừa, nước mía sẽ làm cho con có làn da hồng hào, trắng trẻo: Việc lạm dụng các thức uống như nước mía, nước dừa không tốt cho thai phụ lẫn thai nhi, bởi chúng có thể làm tăng lượng đường trong máu dẫn đến tiểu đường thai kỳ, hoặc làm tăng ối những tháng cuối. Thai phụ có thể dùng các loại nước khác để bù việc mất nước.

- Trứng ngỗng: Được xem là thần dược cho trí thông minh của thai nhi nhưng thai phụ không nên ăn nhiều, dẫn đến thừa chất và tăng cân. Trứng ngỗng không mang nhiều dưỡng chất tốt cho não bộ như nhiều người nghĩ. Chị em có thể bổ sung bằng trứng gà.

- Thai phụ không nên tiếp xúc với mèo: Ký sinh trùng toxoplasma trong phân mèo có thể gây hại thai nhi, thai phụ tránh tiếp xúc với ổ mèo, đặc biệt phân mèo. Nếu thai phụ quá yêu mèo, chưa cách ly ngay được, nhớ rửa tay thật sạch sau khi chạm vào chúng.

Sau sinh

- Kiêng tắm gội cả tháng sau sinh: Điều này hoàn toàn sai lầm và không có cơ sở khoa học. Sau khi vượt cạn, nếu kiêng tắm lâu, sản phụ dễ bị tấn công bởi các vi khuẩn gây bệnh cho mẹ và lây sang con, khiến trẻ có thể bị viêm miệng, tưa lưỡi, tiêu chảy. Do vậy, sau sinh, sản phụ có thể tắm bằng nước ấm nhưng không kéo dài thời gian mà tắm càng nhanh càng tốt. Không nên tắm bằng nước lạnh hoặc tiếp xúc với nước lạnh như: giặt quần áo, uống nước đá, vì sau sinh thận khí hư, dễ bị cảm lạnh.

- Không nằm gối kê đầu cao: Tuân thủ điều này trong 8 giờ đầu sau sinh, vì sau khi vượt cạn cơ thể vừa mất sức cũng như lượng máu lớn, nếu nằm gối cao quá máu sẽ không lưu thông để có thể tuần hoàn đến não. Sau sinh, sản phụ nên tắm sạch toàn thân, tránh nhiễm trùng da do bụi bẩn và mồ hôi tiết ra lúc chuyển dạ; có hiện tượng sản dịch ra mỗi ngày và sẽ giảm dần vào các ngày sau đó. Ngày đầu tiên sau sinh, sản dịch ra nhiều, bà mẹ cần thay băng vệ sinh thường xuyên, không nên để quá 6 giờ vì nguy cơ làm vi trùng vùng âm đạo phát triển, gây nhiễm trùng. Thời gian nằm viện, sản phụ có các nữ hộ sinh chăm sóc rửa vệ sinh âm hộ; ở nhà, phải tự vệ sinh vùng kín hàng ngày.

- Nằm than sau sinh: Quan niệm này bắt nguồn từ miền Bắc, miền Trung, những vùng có thời tiết lạnh, nhất là mùa mưa, mùa đông. Ngày xưa nhà thường thấp, nền đất, mái tranh nên rất lạnh, thông thoáng chớ không kín như hiện nay. Ngày nay, sản phụ sau sinh nằm phòng kín, có máy lạnh, nếu đốt than trong phòng, khiến CO2 không thoát ra ngoài, dẫn đến ngạt thở mẹ lẫn bé và gây các bệnh về phổi sau này. Nằm than cũng là nguyên nhân khiến mẹ và bé bị nổi mẩn đỏ.

- Chế độ dinh dưỡng sau sinh: Không nên kiêng khem quá ảnh hưởng chất lượng sữa cho con bú. Bà mẹ ăn cơm sau 2 - 4 giờ sinh thường. Các món ăn cần nấu chín và ăn nóng. Sản phụ cần ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, bữa ăn đủ 3 nhóm chất cơ bản. Sau mỗi bữa ăn cần tráng miệng với các loại trái cây tính chất lành như: thanh long, đu đủ, chuối, vú sữa… Trường hợp mẹ ít sữa hay không có sữa, ngoài chế độ ăn đủ dinh dưỡng và uống nhiều nước, cần ngủ đủ giấc, trung bình từ 8 – 9 giờ/ngày, giúp bài tiết sữa nhiều hơn. Sau sinh một giờ, mẹ nên cho bé bú ngay để tăng bài tiết sữa và tận hưởng nguồn sữa non quý giá.

Bài, ảnh: Thu Sương

Chia sẻ bài viết