02/02/2014 - 15:18

Hiệp lực làm giàu

KHÁNH TRUNG

Trong những câu chuyện “trà dư tửu hậu” của các lão nông tri điền, việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ nông sản luôn được bàn luận rôm rả. Tâm ý của bà con là mong muốn gắn kết lâu dài với doanh nghiệp không chỉ để ổn định đầu ra sản phẩm mà còn là cơ hội cho người nông dân tăng cao thu nhập, sản xuất bền vững…

Liên kết là chiến thắng!

Chiếc xe tải dừng lại, tiếng hô liền theo đó của bác tài: “Nhận hàng thôi bà con ơi, xe chở lúa giống tới rồi”. Đã thỏa thuận với Công ty TNHH Trung An từ trước, bà con ở Tổ hợp tác sản xuất Đồng Vạn (ở ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh) đã đến điểm hẹn từ rất sớm lần lượt nhận phần của mình, những bao lúa giống do công ty cung cấp được đưa tận tay nông dân.

Ông Nguyễn Văn Đoan ở ấp Thầy Ký cho biết, vụ lúa trước ông phải chạy vạy tìm mua lúa giống, tới thu hoạch lúa lại lo sốt vó đầu ra khi giá lúa liên tục giảm. Ông tiếc hùi hụi khi bà con trong Tổ hợp tác sản xuất Đồng Vạn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, được công ty Trung An cung cấp giống, vật tư nông nghiệp đến cuối vụ mới trả và bao tiêu lúa với giá cao hơn thị trường 100-200 đồng/kg. Vì vậy, vụ đông xuân 2013-2014, ông xin vào tổ hợp tác, được công ty cung cấp lúa giống, vật tư và cam kết bao tiêu lúa tươi với giá thu mua ở mức 6.500 đồng/kg… Ông Đoan phấn khởi nói: “Bây giờ mình phải vào tổ hợp tác thôi, chứ làm lẻ mẻ, bán lúa cho thương lái bấp bênh, liên kết lại sản xuất lúa theo đặt hàng của doanh nghiệp thấy “êm” hơn”.

 Đến nay, trên 20% diện tích trồng lúa đã được nông dân thành phố liên kết với doanh nghiệp xây dựng mô hình “cánh đồng lớn”, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... Trong ảnh: Trình diễn máy gặt đập liên hợp trên đồng. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

Ban đầu chỉ có 7 tổ viên, canh tác 21ha, đến nay Tổ hợp tác sản xuất Đồng Vạn đã có 38 tổ viên, canh tác hơn 93ha lúa. Được cán bộ hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật và sử dụng giống, bón phân, xịt thuốc đúng cách để giảm giá thành sản xuất, bà con tổ viên còn mạnh dạn sản xuất các giống lúa mới có chất lượng cao. Ông Nguyễn Văn Thành, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất Đồng Vạn, cho biết: “Doanh nghiệp cung cấp lúa giống và bao tiêu sản phẩm. Chúng tôi đã sản xuất giống lúa Nàng Hoa 9, với giá bán cao trên dưới 800 đồng/kg so với các loại lúa truyền thống tại địa phương. Vụ này, bà con quyết định tiến thêm một bước, nhận lời của Công ty Trung An đưa giống lúa Nhật vào sản xuất đầu tiên tại đồng ruộng ở đất này”.

Giờ đã khác xưa, không còn cảnh đông người cùng oằn lưng gặt lúa. Những cánh đồng bạt ngàn ở ấp D2, xã Thạnh Lợi vẫn náo nhiệt trong ngày mùa thu hoạch lúa thu đông, nhưng thay vào đó là tiếng máy gặt đập liên hợp nổ giòn tai, tiếng máy kéo rền vang hối hả kéo lúa về nhà, máy cuốn rơm cùng hòa nhịp thu gom rơm trên đồng... Anh Nguyễn Ngọc Huấn, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất Khiết Tâm, ở ấp D2, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Canh tác hơn 340ha, nhưng bà con ở đây đã không còn lo chuyện thu hoạch lúa gặp phải mưa gió hay trở ngại do thiếu nhân công. Bởi tất cả các khâu thu hoạch hầu như đã cơ giới hóa. Bà con nức lòng khi được ngành nông nghiệp thành phố và các nhà tài trợ tặng máy cuốn rơm để cơ giới hóa khâu thu gom rơm. Có máy, từ đây sắp tới chúng tôi dễ dàng tận dụng tốt nguồn phụ phẩm rơm rạ chất nấm và làm dịch vụ tăng thêm thu nhập, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do đốt rơm tại đồng”. Anh Huấn khẳng định, nhiều nông dân đã đủ khả năng sản xuất lúa theo các yêu cầu khó tính của thị trường, chẳng hạn sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP mà thời gian qua nông dân Tổ hợp tác Khiết Tâm đã duy trì với diện tích 100ha theo đặt hàng của Công ty cổ phần Gentraco. Tuy nhiên, muốn tăng cao thu nhập trong điều kiện diện tích canh tác trên đầu người thấp, nông dân cũng cần phải đa dạng hóa thêm thu nhập từ các hoạt động làm dịch vụ và sản xuất khác…

Khi bàn về chuyện liên kết, ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Đến nay, đã có 80% trên tổng diện tích lúa tại thành phố được gieo sạ các giống lúa chất lượng cao, trên 20% diện tích lúa nông dân sản xuất liên kết với doanh nghiệp thông qua các mô hình “cánh đồng lớn” -CĐL, mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Thành phố đã hình thành được nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất rau an toàn và phát triển sản xuất theo hướng có kế hoạch gắn kết với nhà tiêu thụ. Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều diện tích nuôi thủy sản, thế mạnh là con cá tra, nông dân cũng đã được doanh nghiệp liên kết và bao tiêu sản phẩm. Song, để nâng cao hơn hiệu quả sản xuất và ổn định đầu ra các sản phẩm nông sản, rất cần bố trí lại cơ cấu cây trồng vật nuôi hợp lý hơn và tận dụng tốt các nguồn lao động, tài nguyên sẵn có và tăng cường, phát huy hiệu quả liên kết “4 nhà”, gắn kết đặc biệt giữa nông dân, doanh nghiệp”.

Vững tin vào tương lai

Với mục tiêu chuyển từ “số lượng sang chất lượng”, những năm qua thành phố đã chú trọng gia tăng giá trị bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm phù hợp với điều kiện diện tích đất canh tác giảm và xu hướng phát triển nông nghiệp ven đô. Từ đó, công tác khuyến nông, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất đã được ngành nông nghiệp và các địa phương thực hiện quyết liệt. Thành phố đã có nhiều chính sách sách ưu đãi, hỗ trợ về vốn, kỹ thuật và giống cây trồng vật nuôi cho nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa và khuyến khích liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả theo hướng sạch và tăng trưởng xanh, bền vững cho môi trường. Kết quả bước đầu khẳng định hướng đi phù hợp, tạo tiền đề thuận lợi cho các địa phương trong thành phố thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo định hướng chung của cả nước.

Liên kết đã trở thành động lực, là lối ra giúp nông dân đối với địa phương có nền sản xuất nông nghiệp dựa chủ lực vào cây lúa như huyện Cờ Đỏ. Khuyến khích liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp được các đồng chí lãnh đạo huyện quyết tâm thực hiện. Đến nay, Cờ Đỏ cũng đã phát triển nhiều mô hình trồng rau màu, cây ăn trái cho hiệu quả cao và chăn nuôi gia súc gia cầm, thủy sản theo hướng sạch, an toàn sinh học, có hợp đồng bao tiêu đầu ra của doanh nghiệp. Đơn cử, Siêu thị Metro Cash& Carry đã liên kết bao tiêu cho hơn 50 hộ dân ở xã Thạnh Phú nuôi lươn, ếch, cá lóc vèo đang rất có triển vọng để nhân rộng. Ông Lâm Minh Trí, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cờ Đỏ, thố lộ: “Làm tốt vai trò kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp Cờ Đỏ sẽ đẩy nhanh việc nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả và thực hiện cơ cấu lại sản xuất”.

Bây giờ gạo thơm Jasmine 85 trồng ở các vùng đất thuộc huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ đã nổi tiếng gần xa gạo thơm ngon và người tiêu dùng ưa chuộng cũng nhờ doanh nghiệp góp sức quảng bá. Lối đi duy nhất để ổn định đầu ra sản phẩm là phải “phủ đầy” liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giữa nông dân và doanh nghiệp. Ông Phan Văn Năm, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho rằng: “Sản xuất lúa phải được doanh nghiệp đặt hàng mới bền vững. Huyện đang triển khai thí điểm một số mô hình trồng bắp lai để thăm dò khả năng thích nghi và điều kiện tiêu thụ nhằm chuyển bớt diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng bắp lai trong vụ hè thu tới… Đồng thời, thăm dò hiệu quả của các mô hình tận dụng nguồn rơm rạ trồng nấm rơm, rau màu… để có hướng đẩy mạnh phát triển”.

Tích cực phát huy hiệu quả của liên kết, bà Lưu Thị Lan, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Gentraco, nhìn nhận: “Mô hình CĐL trong sản xuất lúa và các mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản nói chung đã khẳng định là hướng đi đúng”.

***

Tái cơ cấu nông nghiệp sẽ không còn là chuyện quá “vĩ mô” và xa vời nếu từng nơi, từng địa phương xác định được những việc làm thiết thực, cụ thể. Liên kết bền chặt giữa nông dân và doanh nghiệp hợp lực làm giàu là cách làm hay trong thời hội nhập. Mùa xuân đang về trên khắp các nẻo đường quê hương, sắc xuân cũng tràn ngập trên các đồng lúa bao la, các vườn cây nặng trĩu quả... Mong rằng, cảnh “được mùa trúng giá” sẽ đến với nông dân trong năm mới.

Chia sẻ bài viết