26/06/2009 - 19:49

Hiểm họa ma túy (Tiếp theo và hết)

“Ma túy không được thử dù chỉ một lần”, đó là khẩu hiệu đã được các ngành chức năng tuyên truyền từ rất lâu. Vì chỉ cần một lần thử “chất bột màu trắng” ấy đã đủ sức công phá cơ thể, làm cho người ta trở nên nghiện ngập, khó thể dứt ra. Do đó, để từ bỏ ma túy cũng là từ bỏ được những tội ác đã và sẽ gây ra, mà không ai khác hơn là chính bản thân người nghiện phải hết sức nỗ lực đoạn tuyệt với ma túy. Bên cạnh đó, sự quan tâm động viên, đồng cảm của gia đình và xã hội cũng là trợ thủ đắc lực, giúp họ có thêm nghị lực vượt lên chính mình.

Bài 2: Chống tái nghiện, cần sự trợ lực...

Bài 1: Ma túy và giới trẻ

* GIAN NAN TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG!

Các câu lạc bộ, nhóm đồng đẳng tham gia trò chơi trong buổi sinh hoạt truyền thông về tác hại của ma túy và HIV/AIDS.
Ảnh: P.T.NGHI

Theo số liệu thống kê của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP Cần Thơ: Từ đầu năm 2009 đến nay, có 167 học viên của Trung tâm chữa bệnh Giáo dục lao động xã hội TP Cần Thơ tái hòa nhập cộng đồng, và từ nay đến cuối năm 2009, con số này có thể tăng thêm 50 học viên. Tuy nhiên, theo Đại tá Lê Việt Hùng, Phó Giám đốc Công an TP Cần Thơ, có khoảng 90% đối tượng sau khi được cai nghiện lại tái nghiện. Từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy như trộm cắp, cướp giật, cướp của giết người... Thực trạng này đòi hỏi các ngành chức năng phải nâng cao vai trò, nhiệm vụ đối với công tác quản lý các đối tượng sau cai nghiện để giúp các đối tượng này tái hòa nhập cộng đồng, đoạn tuyệt hẳn với ma túy. Theo quy định tại Điều 33 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2009, người sau cai nghiện được tái hòa nhập cộng đồng sẽ giao cho chính quyền địa phương quản lý từ 1-2 năm (quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú, có sự giám sát, giúp đỡ của chính quyền, các đoàn thể và cộng đồng dân cư địa phương).

Do đó, người cai nghiện được tái hòa nhập cộng đồng đều có hồ sơ quản lý ở tại địa phương. Tuy nhiên, việc cán bộ địa phương có tiếp cận được, để “kéo” người sau cai nghiện tránh xa ma túy hay không còn là một vấn đề đầy gian nan, đòi hỏi sự kiên trì, mạnh dạn của cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động. Tại những phiên tòa xét xử các vụ trộm cắp, cướp giật, đa phần các bị cáo đều là những con nghiện và ít nhất đã qua một lần cai nghiện. Nhưng sau khi trở về nhà, chỉ một thời gian ngắn, họ lại tái nghiện. Nguyên nhân chủ yếu là do bị bạn bè xấu lôi kéo, bản thân họ chưa thật sự quyết tâm cao để từ bỏ ma túy. Chị Trần Hồng Tuyết Trân, Bí thư đoàn phường Cái Khế, đã từng tâm sự với chúng tôi, việc cảm hóa giáo dục đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật như trộm cắp, gây rối trật tự công cộng... thì còn dễ trong khâu tiếp cận và thuyết phục; còn đối tượng ma túy thì công tác cảm hóa đầy gian nan: tiếp cận đã khó, thuyết phục, tạo điều kiện giúp đối tượng từ bỏ ma túy còn khó gấp nhiều lần...

Ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP Cần Thơ, cho biết: “Ngay chính bản thân của những người sau cai nghiện trở về địa phương còn rất nhiều mặc cảm, e dè. Do đó, các cán sự xã hội khó tiếp cận để tìm hiểu tâm tư và có những biện pháp động viên, hỗ trợ phù hợp. Không ít trường hợp sau khi rời khỏi trung tâm cai nghiện, họ bỏ địa phương đi nơi khác thì không thể quản lý. Mặt khác, cán bộ phụ trách lĩnh vực này ở địa phương thường xuyên thay đổi, không gắn bó lâu dài với công việc (do kiêm nhiệm, công việc gặp nhiều rủi ro nhưng tiền bồi dưỡng lại thấp...). Cũng không ít trường hợp, khi cán sự tình nguyện đến nhà thuyết phục người hồi gia đi kiểm tra sức khỏe, đến trung tâm tư vấn, dạy nghề thì gia đình họ lại bất hợp tác, gây khó cho cán bộ làm nhiệm vụ”. Mặc dù Luật Phòng, chống ma túy đã quy định việc quản lý đối tượng sau cai nghiện giao về cho địa phương quản lý từ 1-2 năm, nhưng đến nay các địa phương ở TP Cần Thơ vẫn chưa triển khai thực hiện được quy định này.

Bà Phạm Ngọc Phượng, Chi cục Trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP Cần Thơ, trăn trở: “Các đối tượng được đưa vào trung tâm cai nghiện dù ở dạng bắt buộc hay tự nguyện thì thật sự phải có quyết tâm cao mới thành công, nếu không, tỉ lệ tái nghiện rất cao. Thời gian qua, bên cạnh công tác hỗ trợ cho những người hoàn lương như giúp vốn để họ làm nghề sửa xe, hớt tóc,... chúng tôi còn mời họ đến sinh hoạt ở những nhóm, câu lạc bộ, tiếp nhận họ làm công việc đồng đẳng viên, giúp họ có việc làm, tạo thu nhập cho bản thân và hạn chế được tình trạng tái nghiện”. Trung tá Nguyễn Thanh Danh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Chúng tôi sẽ kết hợp với chính quyền địa phương và nhân dân thống kê, lập hồ sơ tất cả các loại đối tượng, trong đó có tệ nạn và tội phạm ma túy để có kế hoạch đấu tranh thích hợp với từng loại đối tượng cụ thể. Chúng tôi tin tưởng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác phòng chống ma túy thì sắp tới, tình hình ma túy trên địa bàn TP Cần Thơ sẽ được kềm chế và từng bước đầy lùi.

Ma túy làm cho người vướng vào nó phải mất hết tài sản, sức khỏe, người thân, chưa kể có thể bị vướng vào căn bệnh HIV/AIDS. Ngoài ra, nó còn làm cho người nghiện dễ sa vào con đường phạm tội. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, khát vọng hoàn lương làm lại cuộc đời, một số người nghiện ma túy đã từ bỏ được ma túy, trở về với cuộc sống đời thường. Điển hình như anh T. ở phường An Cư, quận Ninh Kiều, đã cai nghiện thành công và có một mái ấm gia đình với thu nhập ổn định từ nghề may. Trong một lần nghe bạn bè rủ rê, anh đã thử “thứ chết người” ấy và nghiện lúc nào không hay. Lần đầu, anh giấu vợ con, nhờ mẹ ruột đưa anh đi cai nghiện. Nhưng sau khi về nhà chưa đầy một tuần lễ, anh T. lại tìm đến ma túy rồi bị công an bắt đưa đi cai nghiện ở Trung tâm chữa bệnh Giáo dục lao động xã hội TP Cần Thơ. Trong những tháng ngày cai nghiện, nỗi thương nhớ gia đình cùng với lòng ân hận giày vò vì những khổ đau chính anh đã gây cho gia đình, anh T. quyết tâm làm lại cuộc đời. Sau khi rời trung tâm cai nghiện, anh không về nhà mà đến ở nhờ nhà người bà con ở địa phương khác, đến khi thật sự dứt bỏ được ma túy, anh mới quay về với gia đình. Giờ đây, anh T. đã trở lại cuộc sống bình thường, mạnh khỏe, có việc làm, thu nhập ổn định và luôn bận rộn chăm sóc gia đình.

Khi có thiện chí quyết tâm đoạn tuyệt ma túy, người trong cuộc sẽ tìm nhiều cách để được trở về với cộng đồng. Như trường hợp anh H. ở quận Ninh Kiều. Sau khi cai nghiện về nhà, đi đâu anh cũng cùng đi với người nhà để bớt tự ti, mặc cảm và cũng không để bạn bè xấu tiếp tục lôi kéo vào con đường nghiện ngập. Với ý chí, quyết tâm cao và sự hỗ trợ của các ban ngành đoàn thể, anh H. đã vượt qua lầm lỗi để sống tốt hơn. Hạnh phúc mới đã đến với anh T. và H. sau khi cai nghiện thành công, nhưng quá khứ luôn là vết thương nhức nhối, nhắc nhở hai anh không bao giờ được tái lỗi với gia đình.

* HƯỚNG MỞ CHO NGƯỜI CAI NGHIỆN

Tháng 6-2009, Ban Chỉ đạo Phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm TP Cần Thơ cùng Sở Y tế và các ban ngành liên quan tiến hành xây dựng Đề án thí điểm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại TP Cần Thơ. Đây là phương pháp điều trị nghiện bằng cách thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, một loại ma túy dạng nhẹ, dùng với tác dụng giảm hại cho người nghiện. Phương pháp này đã được thực hiện thí điểm tại TP Hồ Chí Minh và TP Hải Phòng. Qua 6 tháng thí điểm, tỷ lệ người được tham gia điều trị bằng Methadone giảm nguy cơ lây nhiễm HIV rõ rệt. Nhiều bệnh nhân đã được cải thiện đáng kể về thể chất, tìm được việc làm sau 6 tháng tham gia điều trị các chất nghiện bằng Methadone. Theo nội dung của Đề án thí điểm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone thì đề án này sẽ được triển khai thực hiện tại quận Ninh Kiều và quận Cái Răng. Mỗi cơ sở sẽ tiếp nhận điều trị cho 250 người nghiện. Đây là một tín hiệu vui cho những người nghiện ma túy trên địa bàn TP Cần Thơ. Hiện nay, Đề án điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone trên địa bàn TP Cần Thơ đang được các ngành liên quan gấp rút hoàn thiện để chính thức thực hiện.

Bà Lại Kim Anh, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, cho biết: “Từ lâu, nhiều nước trên thế giới đã điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Việc điều trị bằng phương pháp này cho hiệu quả cao như: giảm hành vi nguy cơ tiêm chích, nguy cơ lây nhiễm các bệnh theo đường máu như viêm gan B, C, HIV,... ; sử dụng ma túy bất hợp pháp; cải thiện tình trạng sức khỏe nói chung cho bệnh nhân (về mặt tâm lý, xã hội); giảm tội phạm liên quan đến ma túy. Tuy nhiên, việc điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cần phải kết hợp cả yếu tố tâm lý và xã hội thì hiệu quả thành công mới thật sự cao.

Làm gì để những người sau cai nghiện thật sự trở về cuộc sống đời thường, tái hòa nhập cộng đồng, đây là câu hỏi lớn đòi hỏi sự nỗ lực rất nhiều của chính bản thân người trong cuộc và cộng đồng xã hội, yếu tố quyết định trực tiếp đến nguồn lao động, tương lai một bộ phận thanh thiếu niên và sự phát triển của xã hội.

* * *

Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Cần Thơ, hiện nay số người nghiện loại ma túy như á phiện, hêrôin tăng không đáng kể. Nhưng đáng chú ý là người sử dụng ma túy tổng hợp điển hình như thuốc lắc có chiều hướng tăng. Đa số người sử dụng loại ma túy này là thanh thiếu niên, các tầng lớp kinh tế gia đình khá giả, kéo theo một bộ phận nữ giới làm việc ở những nơi dễ có nguy cơ bị cám dỗ cao như nhà hàng, vũ trường, karaoke. Việc này đòi hỏi các ngành chức năng ở TP Cần Thơ thời gian tới phải nỗ lực tìm mọi biện pháp để kiềm chế, ngăn chặn. Phát huy sức mạnh toàn dân tham gia vào công tác phòng ngừa, tố giác tội phạm và cùng với chính quyền địa phương quản lý, giáo dục tốt người sau cai nghiện; nâng cao ý thức cả cộng đồng trong phòng chống ma túy. Trong đó, việc tăng cường vai trò của gia đình, nhà trường, tổ chức, đoàn thể và cơ quan chức năng trong phối hợp giáo dục, tuyên truyền, xử lý là hết sức quan trọng để cuộc chiến chống ma túy đạt hiệu quả tích cực.

SƠN HÀ-THẢO MỘC

Các câu lạc bộ, nhóm đồng đẳng tham gia trò chơi trong buổi sinh hoạt truyền thông về tác hại của ma túy và HIV/AIDS. Ả

Chia sẻ bài viết