11/03/2021 - 08:00

Hệ sinh thái nước ngọt không còn “mạnh giỏi” 

Đi chợ mua được cá cóc, cá phèn hay cá mặt quỷ… là may nhờ mối để dành. Nhiều loài cá nước ngọt rất ngon không dễ gì tìm thấy. Trong một tài liệu nói về những loài cá bị lãng quên, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (World Wide Fund For Nature - WWF) nói rằng khoảng 1% diện tích bề mặt trái đất có nước ngọt và thật tuyệt vời khi nhiều loài cá nước ngọt được phân bố như nguồn sống cho con người. Nhưng năm 2020 là một năm ảm đạm đối với cá và hệ sinh thái nước ngọt.

Thông điệp từ các nhà khoa học

Cá nuôi “King size” của Công ty Kocana.

Cá nuôi “King size” của Công ty Kocana.

Năm 2020 là một năm ảm đạm đối với cá nước ngọt. Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (International Union for Conservation of Nature and Natural Resources - IUCN) công bố 80 loài cá nước ngọt đã tuyệt chủng, trong khi 10 loài khác đã được tuyên bố tuyệt chủng trong tự nhiên và 115 loài được phân loại là “Cực kỳ nguy cấp có thể tuyệt chủng”. Từ sự tuyệt chủng của loài cá mái chèo, một loài khổng lồ đặc hữu của sông Dương Tử và Danh sách Đỏ của IUCN báo động cho 15 loài khác ở Philippines… cùng nhiều loài quý hiếm khác.

“Chúng ta đang bước vào thời điểm quan trọng cho tương lai của hành tinh. Các quốc gia trên thế giới cuối cùng đã nhận được thông điệp này”, TS Jon Hutton, Giám đốc điều hành WWF, nói. Có vẻ như con người đã bỏ qua sự biến mất của nhiều loài cá khi ra quyết định: các loài cá nước ngọt bị coi thường và luôn bị đánh giá thấp. Nhiều người thậm chí không nhận ra tầm quan trọng của những loài này và chắc chắn họ không nhận ra những suy giảm nghiêm trọng từ hệ sinh thái nước ngọt.

“Sông, hồ và đất ngập nước là hệ thống hỗ trợ cuộc sống của con người. Sự đa dạng phi thường của các loài cá bên trong là điều cần thiết cho sức khỏe của muôn loài, trong  đó có chúng ta”, theo TS Jon Hutton.

Cá tầm beluga, cá mập và cá trê “mạ vàng”, cá tra dầu… di cư trên 10.000km, các loài cá nước ngọt cổ thích nghi với cuộc sống, phát triển để lấp đầy hầu hết khoảng trống trong hệ sinh thái - từ những dòng suối trong vắt trên núi cao, các con sông nhiệt đới giàu có trầm tích, từ ao cạn đến các hồ lớn trên thế giới, từ rừng ngập nước đến nước chảy xuyên qua các hang động dưới lòng đất… Nhiều loài di cư giữa các hệ sinh thái, thậm chí hàng nghìn cây số để ra khơi. Nhưng gần một phần ba các loài cá nước ngọt bị đe dọa tuyệt chủng do một sự kết hợp tàn phá từ đắp đập trên dòng chính các con sông, vùng đất ngập nước bị điều tiết không cần quan tâm đến hệ sinh thái, chất thải chưa được xử lý gây ô nhiễm nguồn nước, từ đánh bắt không bền vững và gây thiệt hại đến sự xâm lấn các loài không phải bản địa - và tất nhiên, tác động leo thang của biến đổi khí hậu.

Dù vậy, bảo vệ cá nước ngọt và đa dạng sinh học nước ngọt vẫn là vấn đề có khoảng cách quá xa với suy nghĩ của các nhà hoạch định chính sách. Rất hiếm khi, các giá trị đầy đủ của thủy sản nước ngọt được tính vào quyết định về đập thủy điện hoặc nạo vét để dẫn đường hoặc khai thác cát. Những con sông được sử dụng như máng nước, đường ống cho các thành phố, công nghiệp, nông nghiệp và bỏ qua nhiều lợi ích “tiềm ẩn” của dòng sông, bỏ qua nghề cá nước ngọt được duy trì rất lâu trong lịch sử sinh cư của cộng đồng. Theo các nhà nghiên cứu thuộc WWF và IUCN: Điều này không thể tiếp tục. Nhân loại không thể để mất thêm bất kỳ thứ gì của thế giới. Không thể tiếp tục lãng quên những loài cá đã biến mất và coi thường hệ sinh thái nước ngọt mà chúng sinh sống.

Tạo hóa lòng lành từng gánh vác...

Xã hội loài người đã đi qua những tầng, lớp của hệ sinh thái đó kể từ buổi đầu lịch sử nhân loại. Chính hệ sinh thái đó đã nuôi sống và cho con người những cơ hội hành động vì an ninh lương thực và dinh dưỡng, sinh kế và văn hóa trong hàng thiên niên kỷ.

Từ xa xưa, người miền Tây có nhiều cách nuôi cá, thu hoạch theo mùa hoặc chụp đìa khi nhà có đám tiệc. Văn hóa lúa mùa ghi nhận mùa tát đìa sau mùa gặt hái, thường để ăn, nhận mắm, phơi khô… theo cách sống nhẹ nhàng, điềm đạm, thuận thiên.

Nuôi cá số lượng lớn bán ra chợ, sau này, là nguồn cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu được xem là cách dựa vào tự nhiên để làm giàu. Mỗi doanh nghiệp có thể giàu nhưng nguồn tài nguyên bản địa suy giảm, người giàu tốt bụng muốn bù đắp cũng không làm nổi.

Nhiều nỗ lực trong chăn nuôi thủy sản nhưng không bù được thiếu hụt mà thậm chí còn làm mất cân bằng đa dạng sinh học trong tự nhiên.

Cá là sinh vật chiếm ưu thế trong hầu hết các hệ sinh thái nước ngọt về sinh khối và sinh thái kiếm ăn. Với vai trò quan trọng là kẻ săn mồi và con mồi, thậm chí động vật ăn xác thối, nhưng chúng đóng vai trò điều tiết và chức năng nền tảng trong một hệ sinh thái và là trung tâm của sự cân bằng tự nhiên.

Nước ngọt cũng là nơi sinh sống của các dòng động vật cổ xưa như máng đèn, cá đuôi gai, là loài cá không hàm - loại cá xuất hiện đầu tiên trên trái đất vào khoảng 530 triệu năm trước, còn sống sót tới ngày nay. Khoảng 400 triệu năm trước, cá đã phát sinh ra động vật tứ chi, một nhóm động vật bốn chi có liên quan bao gồm lưỡng cư, bò sát, chim và động vật có vú ngày nay.

Ngày nay, cá sông là họ hàng sống duy nhất của loại cá cổ xưa này. Cá phổi là một nhóm cổ đại khác đã phát triển cách đây khoảng 380 triệu năm. Cùng thời với khủng long là cá tầm, cá mái chèo, cá cúi, tất cả đều tiến hóa khoảng 120-130 triệu năm trước. Trong khi đó, vào năm 2020, một loài cá nước ngọt “mới” thuộc họ mới - cá lóc rồng - được phát hiện ở Ấn Độ với dòng Gonwanan có niên đại 120 triệu năm.

Sự đa dạng phi thường này tạo ra vô số những cái tên kỳ lạ và tuyệt vời. Sự đa dạng lớn nhất của các loài cá nước ngọt được tìm thấy ở vùng nhiệt đới, trong đó Amazon dẫn đầu với hơn 2.400 loài. Có rất nhiều điều mà chúng ta chưa biết, nhưng việc đánh bắt quá mức đã khiến nhiều loài suy giảm. Ngày nay chúng phải đối mặt với một loạt các mối đe dọa, bao gồm các đập chắn trên dòng chính, ngăn sự di cư của chúng, các đập thủy điện có tuabin sẵn sàng cắt đứt, bọn săn trộm buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, ô nhiễm, bệnh tật, ký sinh trùng và biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến hành trình di cư, sinh sản của chúng.

Vùng đầu nguồn An Giang, sớm thấy những thay đổi bất lợi khi không còn mùa nước nổi tìm tới PGS.TS Nguyễn Văn Kiểm đặt hàng sản xuất giống cá linh trong điều kiện nhân tạo. Tương tự, TS Dương Nhật Long, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ, cũng đã thành công khi cho cá heo đuôi đỏ sinh sản nhân tạo.

Khi làm ra con giống, nuôi dưỡng thành nguồn thương phẩm mới hiểu lâu nay thiên nhiên đã bao dung, đã gánh vác bao nhiêu khó khăn, thách thức thay cho con người.

Hệ sinh thái lành - mạnh

Hệ sinh thái nước ngọt lành mạnh là điều cần thiết để duy trì các quần thể cá nước ngọt phát triển mạnh. Nhưng sự thiếu hiểu biết trước sự giàu có của các loài cá nước ngọt đã khiến con người mù quáng, coi thường “sức khỏe”, tiềm năng của sông, hồ và đất ngập nước trên thế giới.

TS Jon Hutton và các nhà khoa học kêu gọi:

1. Để sông chảy tự nhiên hơn;

2. Cải thiện chất lượng nước trong nước ngọt các hệ sinh thái;

3. Bảo vệ và phục hồi các môi trường sống quan trọng;

4. Kết thúc khai thác cát sông, hồ; đánh bắt cá lạm sát và không bền vững

5. Ngăn chặn và kiểm soát các cuộc xâm lấn đe dọa từ các loài không bản địa

6. Bảo vệ các dòng sông chảy tự do, loại bỏ đập lỗi thời.

Để đảm bảo tương lai của chính mình, chúng ta  phải phục hồi khẩn cấp vì đa dạng sinh học nước ngọt dựa trên 6 trụ cột trên, chỉ bằng cách thực hiện kế hoạch này, được nhắc lại trong Công ước về Triển vọng đa dạng sinh học toàn cầu lần thứ 5, chúng ta mới hy vọng khôi phục lại hệ sinh thái nước ngọt và quần thể cá nước ngọt trong nhiều thập kỷ suy giảm.

Những lợi ích đa dạng của hệ sinh thái nước ngọt lành mạnh vẫn tiếp tục bị đánh giá thấp và bị bỏ qua - cho đến khi chúng biến mất. Thật không may, chúng đang biến mất với tốc độ đáng kinh ngạc. Chúng ta đã mất 35% diện tích đất ngập nước còn lại trên thế giới trong 50 năm qua. Chỉ 1/3 số sông dài hơn 1.000km vẫn chảy tự do từ nguồn ra biển.

Bằng cách bảo vệ và khôi phục các dòng chảy tự nhiên, chất lượng nước và các môi trường sống, làm việc để tránh tác hại do đánh bắt quá mức, khai thác mỏ cát và các loài xâm lấn… Khi chúng ta đẩy 1/3 số loài tiến tới tuyệt chủng, làm suy yếu hoạt động của nhiều hệ sinh thái nước ngọt trên thế giới - cũng có nghĩa là tự làm hại hệ thống hỗ trợ sự sống của chính mình. Chúng ta phải hành động khẩn cấp bởi vì nếu không hành động sẽ là quá muộn… - TS Jon Hutton kêu gọi.

Nuôi trồng thủy sản chiếm 46% sản lượng cá thế giới (51 triệu tấn), trong đó chủ yếu là nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Với dân số toàn cầu dự kiến đạt 9,8 tỉ người vào năm 2050, sự phụ thuộc của nhân loại vào nuôi trồng thủy sản - nhu cầu lương thực, thực phẩm sẽ rất lớn. Nhưng nuôi trồng thủy sản không thể thay thế nguồn do tạo hóa ban cho, theo The World’s Forgotten Fishes Report.

Bài, ảnh: CHÂU LAN

Chia sẻ bài viết