Hát sắc bùa là loại hình sinh hoạt dân gian có tính nghi lễ nông nghiệp kết hợp đạo giáo, diễn ra khá nhiều nơi trên đất Việt.
Hát sắc bùa diễn ra ở nhiều vùng quê huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vào mỗi độ Tết đến xuân về. Loại hình nghệ thuật dân gian này mang yếu tố tâm linh, cầu cho mưa thuận gió hòa, vật thịnh người lành, cuộc sống an vui, hạnh phúc. Về xã Kỳ Hải (Kỳ Anh) những ngày đầu tháng Chạp, từ đầu xã đã nghe tiếng trống, tiếng cồng nhộn nhịp của phường bùa tập luyện. Một phường bùa thường có từ 6 đến 12 thành viên, đông vui lên đến vài ba chục người. Phường có một ông cái sắc, một ông tróc quỷ, một người đóng quỷ, một người đánh trống, một người gõ phách, một người đọc thần chú, các người còn lại là nhóm đồng ca phụ họa. Ông cái sắc thường là người nhanh nhẹn, thông thạo các bài hát chúc mừng và có thể ứng khẩu sáng tác tùy theo hoàn cảnh gia đình và đối tượng. Đêm giao thừa, phường bùa tập trung làm nghi lễ tại đình làng, sau đó mới đi chúc mừng từng gia đình. Trên đường, phường vừa hát vừa đánh trống, khua chiêng, thanh la, sinh tiền, thu hút đông người dân theo cổ vũ. Chính sự kết hợp giữa nhạc cụ và lời ca đã làm nên sức quyến rũ của tục hát sắc bùa.

Đội hát sắc bùa duy nhất ở Bến Tre (xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm) biểu diễn phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng tỉnh Bến Tre.
Với người dân Đức Ninh (TP Đồng Hới, Quảng Bình), hát sắc bùa từ lâu đã trở thành một phong tục chúc Tết độc đáo của địa phương. Đoàn hát sắc bùa thường không có phụ nữ. Khi xông đất gia chủ, thường có từ 5 hoặc 6 người, gồm trưởng đoàn là người đứng tuổi, hát tốt, gia đình sung túc, nhanh nhẹn, có đạo đức và cuộc sống tốt đẹp. Nhạc cụ gồm trống, mõ, chiêng, sinh tiền. Những bài hát có kết cấu theo kiểu vần vè như thơ 4 và 5 chữ, lời lẽ dân dã, bình dị, giai điệu như lời tâm tình, thủ thỉ
Vào những ngày đầu xuân, dân làng Phò Trạch (Phong Bình, Hương Điền, Bình Trị Thiên cũ) thường tổ chức các trò vui xuân như đánh đu, hát trò và hát sắc bùa. Vào những năm có hát sắc bùa, nhân dân ở đây làm lễ tế âm hồn vào ngày 16 tháng Chạp để cúng những oan hồn không nơi nương tựa. Sau đó, người ta thường thành lập 4 đội hát sắc bùa diễn tập đến 29 tháng Chạp. Chiều 30 tháng Chạp, các đội nghỉ ngơi, chuẩn bị trang phục. Đêm 30 Tết, các đội đi sắc các đình, chùa, miếu, mạo rồi đến nhà thờ các dòng họ lớn trong làng. Mồng một Tết, sau khi đi sắc những nơi công cộng, đội đi sắc từng gia đình. Đến ngày 14 tháng Giêng thì chấm dứt. Mỗi đội có từ 14 đến 15 người. Một ông cái sắc trang phục áo mão tiên vẽ rồng phượng, lưng thắt dây vải đỏ, tay cầm dùi gỗ, đuôi đeo chuỗi lục lạc. Một ông tróc quỷ ăn mặc giống ông cai sắc, tay cầm thanh kiếm gỗ trừ tà ma và chém quỷ. Một đứa trẻ (từ 10 đến 14 tuổi) đóng vai quỷ, trang phục biểu tượng con quỷ, tay chân đeo vòng lục lạc. Một đánh trống mặc quần trắng áo dài đen, bịt khăn đóng, đi guốc. Mười ông đọc chú, mặc quần trắng áo dài đen. Tất cả tạo sinh khí rộn ràng, hào hứng cho đám đông, vừa có tính thần bí, nhờ hình thức diễn xướng, ngoài tiếng trống, phèng la còn có con quỷ biểu trượng cho sự phá hoại, rủi ro, gây kinh ngạc.
Ở Đức Phổ (Mộ Đức, Quảng Ngãi), hát sắc bùa có 18 điệu, gồm: hòa tấu, hát mở ngõ, hát mở cửa, hát mở cửa 2, hát vào nhà, hát trấn bùa, hát chúc xuân, hát chúc gia đình, hát chúc nghề biển, hát chúc nghề biển 2, hát lý hoa thơm, hát lý vẽ rồng, hát múa bắt bướm, hát múa đèn, hát ru con, hát tạ ông Táo, hát ra về, hát ra về 2.
Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức đã mô tả hát sắc bùa tại Gia Định hồi thế kỷ 19: "Đêm 28 tháng Chạp, na nhân (tục danh nẫu hát sắc bùa) đánh trống, gõ phách, một bọn 15 người đi theo dọc đường, trông nhà hào phú nào mở cửa ngõ thì dán 2 lá bùa nơi cửa niệm thần chú rồi nổi trống phách lên, ca xướng những lời chúc mừng, người chủ nhà dùng cỗ bàn chè rượu khoản đãi và gói tiền thưởng tạ, xong nhà nầy lại qua nhà khác, cũng làm như vậy cho đến chiều buổi trừ tịch mới thôi, ấy là có ý đuổi tà, chống ma, trừ cũ rước mới vậy".
Riêng hát sắc bùa Phú Lễ (Ba Tri, Bến Tre) có tư liệu cho rằng phát sinh từ Hòa Bình, Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên. Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian, giám đốc Bảo tàng tỉnh Bến Tre, Lư Hội, cho biết hát sắc bùa Phú Lễ có được là từ ông Trần Văn Hậu, lưu dân Bình Định, vào đất này làm rể hồi thế kỷ thứ 18. Trong cuộc sống mới nơi miệt vườn trù phú, nhớ quê nhà xa thẳm, nhớ thú chơi tao nhã, ông gom một số lưu dân lại thành một đội hát sắc bùa tập luyện cùng nhau. Đội hát diễn xướng trong những dịp cúng đình, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, thả rong khắp xóm làng phục vụ bà con lấy vui là chính. Nét văn hóa thanh tao của hát sắc bùa lâu ngày lan từ Phú Lễ ra hầu như khắp huyện Ba Tri và huyện Giồng Trôm.
Từ đó, cứ mỗi dịp Tết đến là người dân hai địa phương nầy hớn hở mời chào đội hát sắc bùa đang rộn rã tiếng đờn tiếng hát trên đường làng vào nhà mình diễn xướng lấy hên. Biểu diễn xong, họ dán một lá bùa nơi cột nhà rồi giã từ gia chủ trong tiếng đờn tiếng hát nôn nao. Đó là thứ âm nhạc mang sắc màu hát Bài chòi quê gốc, rộn rã, dứt khoát, cuốn hút người nghe bởi chất dân dã độc đáo. Đội hát sắc bùa tối thiểu có 4 người (một cái kể - hát chính phụ trách trống cơm, cùng ba con xô - hát hòa theo) bắt đầu phần hát nghi lễ, từ ngoài cửa rào vào đến trong nhà, tuần tự với các bài: Rước xuân, Chơi xuân, Tiên sư, Trừ tà, Xốc quách, Cõi nam, Khai môn, Mở cửa rào. Khi cửa cái mở, vào nhà là phần hát giúp vui chúc gia chủ gắn với nghề nghiệp, hát các bài lý, bài vè
Bài Lý đầu cầu đậm chất huê tình với các câu: Đầu cầu kia cất gánh hỏi đầu (ơ) cầu. Nâng khăn đỡ đãi, têm trầu ngãi nhơn ăn
Kết thúc phần hát giúp vui là liên hoan cùng gia chủ. Trước khi giã từ, đội hát bài Dán bùa, Dẫn bùa. Sau đó vừa đi ra cổng đội vừa hát bài Đi ra:
- Cái kể: Ăn trầu đã đặng. Hút thuốc đã rồi. Trình cô bác ngồi. Chúng tôi đi ra.
- Cái kể - Con xô: Đi ra! Đi ra! Đủ chúng bạn ta.
- Cái kể - Con xô: Đi ra! Đi ra! Đủ chúng bạn ta. Cái kể: Lớn thời đi trước. Con xô: Nhỏ lại đi sau.
- Cái kể: Đến chỗ sang giàu.
- Con xô: Chơi xuân năm mới.
- Cái kể: Chúc thanh chúc thọ.
- Con xô: Làm tuổi ông bà.
- Cái kể - Con xô: Năm mới giàu sang. Gia quan tấn lộc
Tiếc rằng, từ nhiều năm nay, hát sắc bùa Phú Lễ chỉ còn lại một đội ở xã Phong Nẫm (Giồng Trôm) phục vụ các dịp cúng đình, đặc biệt trong tháng Giêng chào xuân. Để bảo tồn loại hình nghệ thuật dân gian có một không hai này ở ĐBSCL, Bảo tàng tỉnh Bến Tre đã lên đề cương: Lập lý lịch khoa học, chuyển giao tài sản- cam kết địa phương cho cộng đồng và bản đồ xác định di sản. Song song đó, thiết nghĩ việc đưa hát sắc bùa vào các điểm du lịch sinh thái, bên cạnh nghệ thuật đờn ca tài tử là một điều khả thi. Nhất là phục dựng hoạt cảnh hát sắc bùa ngày Tết sẽ hấp dẫn nhiều du khách hơn. Có như vậy, loại hình văn nghệ phi vật thể nầy mới phục hồi, phát triển mạnh.
Bài, ảnh: CÚC TẦN
Tư liệu tham khảo:
- Wikipedia tiếng Việt.
- Tôn Thất Bình (Tạp chí Sông Hương).
- Hà Nhi - VOV.