04/05/2011 - 20:41

Hai ngón tay viết lên nghị lực sống

Anh Vũ Tuấn Tú (người thứ hai từ trái qua) trong buổi hội thảo về tham vấn đồng cảnh.

Trong buổi Hội thảo về tham vấn đồng cảnh cho người khuyết tật ở TP Cần Thơ, nhiều người tham dự rất ngạc nhiên và khâm phục trước một diễn giả là người khuyết tật nặng chỉ còn cử động được hai ngón tay. Một đại biểu ngồi gần tôi cho biết: “Đó là Vũ Tuấn Tú, tư vấn viên của Trung tâm Sống độc lập Hà Nội. Anh ấy đã tự học văn hóa, Anh văn, vi tính, trở thành một nhà báo. Ngoài ra, Tú còn chuyên dịch tài liệu chuyên ngành cho một công ty là đối tác phân phối phần mềm của nước ngoài tại Việt Nam”.

Nỗ lực tự học

Quan sát anh trong buổi hội thảo, chúng tôi nhận thấy kể cả những việc đơn giản như nghe điện thoại, uống nước... Tú đều cần có người hỗ trợ, ít ai nghĩ hồi nhỏ Tú cũng bụ bẫm, đáng yêu như bao đứa trẻ khác.

Sinh ra trong một gia đình công chức bình thường ở Hải Phòng vào năm 1976, khi lên 1 tuổi, Tú bắt đầu bị khuyết tật và không tự đi lại được. Lúc ấy, cha mẹ Tú rất lo lắng, thất vọng vì đây là dấu hiệu lặp lại của căn bệnh nhược cơ tiến triển mà Vũ Anh Tuấn, anh trai của Tú đã bị. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn kiên trì dạy Tú lần giường, vịn bàn, ghế, đẩy xe, rồi chống nạng để đi lại trong nhà. Vũ Tuấn Tú nhớ lại: “Ký ức tuổi thơ của tôi là hình ảnh một cậu bé gầy gò, gương mặt nhòe nhoẹt nước mắt, đang bặm môi tập đi bằng cách đẩy xe và nhờ sự hỗ trợ của cặp nạng”. Nhưng bao nỗ lực của Tú đều không được đền đáp khi sức khỏe anh ngày một yếu. Năm 10 tuổi, Tú không còn tập đi được nữa, phải di chuyển bằng xe lăn. Cha mẹ sợ Tú ra ngoài bệnh nên suốt ngày giữ Tú trong nhà kể cả ngày Tết.

Nhà ở cạnh trường tiểu học, đến tuổi đi học, những người bạn cùng xóm đều cắp sách đến trường, Tú cũng hy vọng cha mẹ sẽ cho đi học. Nhưng mọi hy vọng đều tiêu tan. Tú chỉ được người thân dạy học hết một quyển tập đọc tập 1, lớp 1. Ngón tay cong queo, yếu ớt, cầm cây bút mà cứ trượt ra nên chữ O, Tú viết còn không được tròn. Dù cố gắng đến mấy mỗi ngày Tú cũng chỉ viết được vài chữ.

Năm 18 tuổi, cha mẹ đã về hưu, gia đình chuyển nhà đến một địa điểm khác, môi trường sống thay đổi, Tú được tiếp xúc với nhiều người hơn. Thỉnh thoảng ra đường, gặp mọi người, ai cũng thảng thốt kêu lên: “Sao thằng này ngày càng yếu và bé đi thế. Chắc là không sống được đến 30 tuổi đâu”. Tú nghe được rất buồn, anh lao vào học để quên đi nỗi buồn về cơ thể tật nguyền. Anh nhờ mẹ và bạn bè mua sách giáo khoa các môn tự nhiên, rồi lần mò học dưới sự hướng dẫn của anh trai. Cũng trong thời gian này, nhờ người chị gái tặng cho một máy vi tính, Tú mày mò tự học vi tính, rồi anh trai dạy Anh văn. Tú học tất cả với sự say mê, như trời hạn gặp mưa rào nên ôm được quyển sách nào, anh ngấu nghiến đọc hết quyển đó. Cứ thế, Tú tự học hết sách giáo khoa chương trình phổ thông các môn tự nhiên, sử dụng thành thạo máy vi tính và tiếng Anh.

Quyết tâm trở thành người hữu dụng

Năm 1998, năm ấy anh Tú 22 tuổi, lại một thay đổi lớn đến với Tú, gia đình anh chuyển chỗ ở từ Hải Phòng đến Hà Nội sinh sống. Những ngày mới sống ở Hà Nội thật khó khăn với Tú. Vì ở Hải Phòng, Tú có nhóm bạn thân hay đến nhà giúp anh trong sinh hoạt, còn ở Hà Nội, Tú chỉ bấu víu vào người mẹ đã ngoài 60 tuổi. Nhưng mẹ Tú còn chăm sóc anh Tuấn và cháu nữa nên bà rất mệt mỏi. Khủng khoảng tinh thần, Tú bệnh nặng, tưởng sẽ không qua khỏi, nhưng với nghị lực vươn lên Tú cũng gượng lại được. Lúc ấy, người anh trai bắt đầu viết bài cộng tác với các báo, đài phát thanh. Thấy vậy, Tú cũng tập tành viết báo. Bài đầu tiên của anh được báo Hà Nội Mới đăng viết về khám phá hố đen vũ trụ. Khi Tú nhờ mẹ đi nhận tiền nhuận bút, bà cứ ngỡ mình nằm mơ. Niềm vui nhân lên, Tú hăng hái lên mạng Internet tìm tư liệu, dịch báo nước ngoài, các anh chị biên tập viên kỳ cựu của các báo, đài cũng nhiệt tình giúp đỡ, chỉ dẫn cách viết, cứ thế Tú viết bài cộng tác với báo Khoa học đời sống, Đài Tiếng nói Việt Nam chủ yếu ở mảng khoa học công nghệ, và thông tin văn hóa xã hội các nước trong khối ASEAN.

Gần 5 năm viết báo nhận ra mình còn hẫng hụt nhiều điều, nhất là kỹ năng viết, anh tạm ngưng cộng tác và tiếp tục hành trình tự học. Anh lên mạng tìm trang Web của các trường đại học để tìm hiểu và tự lập danh sách các môn cần học, rồi nhờ bạn bè ra hiệu sách cũ mua giúp sách giáo khoa về văn học, lịch sử, các môn xã hội và những môn chuyên ngành báo chí để đọc. Sau 3-4 năm tự học, Tú tự tin chuyển sang cộng tác với Báo điện tử VTC News và nhiều báo khác ở các lĩnh vực như kinh tế, tiêu dùng, thời sự quốc tế, công nghệ... Sân chơi thông tin rộng lớn, cạnh tranh nhiều, Tú làm việc cần mẫn, hầu như mỗi ngày anh đều lên mạng, dịch rồi viết tin, bài.

Năm 2009, dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Người khuyết tật Quốc tế khu vực châu Á- Thái Bình Dương (DPI A/P) và tài trợ của Nippon Foundation, Trung tâm Sống độc lập Hà Nội đã được hình thành. Các nhân viên và lãnh đạo của Trung tâm đã tìm đến gia đình để tìm hiểu và cung cấp cho Tú sự hỗ trợ kịp thời và cần thiết. Hiện nay, ngoài viết cộng tác với báo chí, anh tham gia vào Trung tâm Sống độc lập với tư cách một tư vấn viên đồng cảnh. Bằng những kinh nghiệm thực tiễn từ cuộc sống của mình, Tú đã tâm tình, chia sẻ với tất cả những bạn khuyết tật cùng cảnh ngộ. Đây cũng là cách để anh trải lòng mình và giúp nhiều người khuyết tật khác cởi mở trong suy nghĩ, bỏ bớt những tự ti, hòa nhập vào cuộc sống bằng nghị lực và bản lĩnh của chính mình. Hiện nay, Tú cũng là người chuyên dịch phần mềm từ tiếng Anh sang tiếng Việt và tổng hợp các tin tức có liên quan đến đối tác nước ngoài cho một công ty tin học lớn ở TP Hồ Chí Minh.

Công việc của Tú rất nhiều nhưng nhờ có 3 người bạn trợ giúp cá nhân do Trung tâm Sống độc lập cử đến thay nhau, mỗi người trợ giúp anh 4 giờ/ngày về sinh hoạt, học tập, làm việc, đi hội họp, giao lưu với bạn bè nên anh càng chủ động hơn với công việc, sinh hoạt. “Gần như, chúng em trợ giúp anh 100% từ các sinh hoạt hàng ngày, cho đến hỗ trợ anh làm việc. Tốc độ làm việc chậm, vì thế anh Tú phải nỗ lực gấp 2-3 lần người khác. Có những ngày anh phải làm việc đến 20 giờ”- anh Đồng Văn Chung, người trợ giúp cá nhân của anh Tú kể.

Chia tay tôi, Tú quả quyết nói: “Mình còn sống ngày nào là còn quyết tâm học tập, làm việc. Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm. Mình tin rằng, nếu có niềm tin và nỗ lực, nhất định thành công sẽ đến”.

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết