Sáng ngày 1-4, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) hợp tác cùng Google ra mắt website dauhieuluadao.com (dấu hiệu lừa đảo) nhằm nâng cao nhận thức về lừa đảo trực tuyến đang gia tăng cả về phương thức lẫn số lượng.
Giao diện của trang web dauhieuluadao.com.
Trang web này cung cấp các tình huống lừa đảo điển hình, giúp người dân nhận biết các phương thức lừa đảo rất phổ biến hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới cũng như những "nguyên tắc vàng" trong hành xử để tự ngăn chặn.
Với dauhieuluadao.com, NCSC hợp tác cùng Google để bản địa hóa một số nội dung, đồng thời xây dựng, bổ sung các tình huống lừa đảo điển hình thường xảy ra với người dân Việt Nam. Website cũng được NCSC tích hợp vào Cổng không gian mạng quốc gia tại địa chỉ https://staging.khonggianmang.vn/ để người dân dễ dàng sử dụng và tra cứu khi cần thiết.
Tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây, tình hình lừa đảo trực tuyến trở nên phức tạp với những con số thiệt hại ngày càng lớn, từ các thẻ cào mệnh giá vài trăm ngàn đồng nạp cho kẻ giả mạo đến hàng trăm triệu đồng chuyển khoản ngân hàng vì tin rằng "người thân" đang gặp sự cố khẩn cấp, cá biệt có những nạn nhân thiệt hại lên đến hàng tỉ đồng vì rơi vào bẫy lừa đảo qua email, điện thoại hoặc các hình thức lừa đảo trực tuyến như kêu gọi đầu tư tài chính online.
Lừa đảo trực tuyến cũng tăng mạnh kể từ khi các đợt dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam. Theo NCSC, riêng trong năm 2021, đã có hơn 1.000 website lừa đảo trực tuyến, giả mạo các ngân hàng, tổ chức tài chính đã bị ngăn chặn, xử lý.
Website dauhieuluadao.com sẽ mang đến những thông tin nhận diện phương thức và nội dung lừa đảo phổ biến của tội phạm mạng. Các đối tượng này thường tập trung vào các nhóm tin giật gân, tin giả mạo thông báo của công ty hay từ người thân quen, hoặc đe dọa bằng cách giả mạo cơ quan chức năng, giả mạo nhân viên sàn thương mại điện tử hoặc các thương hiệu lớn, dùng nhiều chiêu trò đánh vào tâm lý nạn nhân khiến họ trở nên bị động và dễ bị dẫn dắt vào bẫy của kẻ lừa đảo.
Ngoài ra, trang web còn có các bài kiểm tra thực tế dưới dạng câu hỏi trắc nghiệm hữu ích cho người dùng, bao gồm các hình thức nhận dạng lừa đảo: Thẻ quà tặng; tin tốt bất ngờ như trúng thưởng giải đặc biệt; yêu cầu cung cấp thông tin qua điện thoại hay email từ đại diện cơ quan chức năng; liên hệ từ một bên cung cấp dịch vụ thiết yếu như điện, nước mà bạn đang sử dụng; tin nhắn giả mạo từ tài khoản mạng xã hội của người thân yêu cầu nạp tiền, nạp thẻ điện thoại, hay chuyển khoản.
LÊ PHI (Theo Mic)