06/08/2019 - 07:32

Gỡ khó cho dạy học 2 buổi/ngày 

Thiếu phòng học, trang thiết bị giảng dạy, đội ngũ giáo viên… là những khó khăn, bất cập đang diễn ra ở nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP Cần Thơ khi thực hiện dạy học 2 buổi/ngày.

Thiếu thốn trăm bề

Dạy học 2 buổi/ ngày là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm đảm bảo học sinh tiểu học được hưởng một nền giáo dục toàn diện; là cơ sở tiến tới thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm 2020-2021. Tại Cần Thơ, năm học 2018-2019 có hơn 78.000 học sinh được học 2 buổi/ngày, đạt gần 80%. Dù có nhiều nỗ lực nhưng ngành giáo dục Cần Thơ vẫn còn không ít khó khăn khi thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Thành phố thiếu gần 400 phòng học, khoảng 200 giáo viên để đảm bảo 1,5 giáo viên/lớp,… Trong khi nội dung, chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu áp dụng đại trà từ năm học 2020-2021 (cấp tiểu học được thiết kế dạy 2 buổi/ngày). Vì vậy, bài toán về cơ sở vật chất, trường lớp đối với địa phương, nhà quản lý giáo dục càng nan giải. Hiện, Cần Thơ vẫn còn khoảng 20% học sinh học 1 buổi/ngày.    

Học sinh Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều trong giờ học. 

Ở quận Cái Răng, năm học 2018-2019 có 6/12 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia; cơ sở vật chất chưa đảm bảo, từ đó việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày rất khó khăn. Quận Thốt Nốt hiện có 20/23 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, ngành đang phấn đấu đến năm 2020 đạt tỷ lệ 100%. Tuy vậy, đại diện ngành giáo dục quận cho rằng, tỷ lệ trường dạy học 2 buổi/ngày ở quận chỉ đạt 95%, do còn nhiều trường có một số điểm lẻ. Huyện Thới Lai có 13/21 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Ông Nguyễn Văn Chi, Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện Thới Lai, nói: “Bên cạnh khó về cơ sở vật chất, trường lớp thì đội ngũ giáo viên nan giải hơn, vì tất cả 21 trường tiểu học ở huyện đều thiếu giáo viên Tin học”.

Quận trung tâm thành phố - Ninh Kiều cũng gặp không ít khó khăn, do đặc thù dân số cơ học tăng theo từng năm, khó tránh bị áp lực tuyển sinh vào mỗi đầu năm học mới, khó mở rộng diện tích đất để “nâng” trường đạt chuẩn quốc gia, cơ sở vật chất của quận hiện nay khó đáp ứng việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Quận hiện có 7 trường tiểu học (An Bình 1, Kim Đồng, Lê Quý Đôn, Mạc Đĩnh Chi…) đang trong tình trạng quá tải học sinh. Bà Quách Thị Thu Hương, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều, cho biết: “3 năm qua, quận khó tránh tình trạng một số trường phải ghép các phòng chức năng làm phòng học để giảng dạy. 9 trường ở quận không thể tổ chức 100% lớp học dạy 2 buổi/ngày; một số trường chỉ đạt 20%-30% số lớp dạy 2 buổi/ngày. So với quy chuẩn quy định tịnh biên 35 học sinh/lớp, quận còn thiếu 103 phòng học, gần 100 phòng chức năng”.

Giải pháp nào?

Tại Hội thảo Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, do Sở GD&ĐT thành phố tổ chức cuối tháng 7 vừa qua, đại diện lãnh đạo Phòng GD&ĐT các quận, huyện; trường tiểu học đều có chung nhận định: Hằng năm, HĐND, UBND thành phố, quận, huyện nên dành các nguồn đầu tư thỏa đáng cho phát triển giáo dục; trong đó đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là nhu cầu cấp bách để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.  

Bà Quách Thị Thu Hương đề xuất: "Lãnh đạo UBND TP Cần Thơ, UBND quận Ninh Kiều có thể ưu tiên quy hoạch quỹ đất xây dựng trường học; xin các vị trí đất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở các phường (An Khánh, An Bình, Hưng Lợi, An Hòa, An Cư), do áp lực học sinh ở các nơi này tăng hằng năm". Cụ thể, khẩn trương xây dựng trường tiểu học trong khu tái định cư phường An Bình; xây dựng trường tiểu học ở phường An Khánh; xin chuyển đổi vị trí mục đích sử dụng Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị quận Ninh Kiều (gần 4.000m2) để giảm áp lực cho các trường tiểu học Lê Quý Đôn, Ngô Quyền, Mạc Đĩnh Chi hiện đang quá tải.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên Tin học phục vụ dạy học 2 buổi/ngày, lãnh đạo ngành giáo dục huyện Thới Lai xin chủ trương thành phố cho phép, trước mắt đưa giáo viên phụ trách công tác phổ cập học văn bằng 2 ngành Sư phạm Tin học hệ vừa làm vừa học để giảng dạy. Ông Võ Minh Triều, đại diện ngành GD&ĐT huyện Phong Điền, cho rằng: Cần có kế hoạch đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu giảng dạy ở các trường tiểu học; ưu tiên cho các trường có cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy 2 buổi/ngày.

Theo bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, ngành tiếp tục yêu cầu phòng GD&ĐT các quận, huyện tham mưu cho cấp ủy đảng và chính quyền quan tâm đầu tư, xây dựng trường lớp, chuẩn bị các điều kiện dạy học 2 buổi/ngày ở lớp 1 năm học 2020-2021; xây dựng, triển khai kế hoạch tuyên truyền trong toàn thể giáo viên, phụ huynh và cộng đồng về chủ trương, định hướng của ngành trong việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với lớp 1. Ngành sẽ tiếp tục đề nghị Sở Nội vụ phê duyệt biên chế, bổ sung đội ngũ giáo viên cho ngành, đáp ứng yêu cầu dạy học. Bên cạnh nỗ lực của toàn ngành, rất cần sự hỗ trợ, cộng tác của các sở, ngành thành phố, lãnh đạo các địa phương, chuẩn bị các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới bậc tiểu học- nền móng vững chắc nâng cao chất lượng bậc trung học.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
dạy học