14/12/2014 - 15:56

Giúp nhau làm giàu

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhưng nhờ áp dụng khoa học – kỹ thuật và mạnh dạn đầu tư, tìm tòi phát triển nhiều loại vật nuôi, cây trồng, đồng thời biết tận dụng nguồn lợi tự nhiên, nhiều thanh niên ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã vươn lên làm giàu. Nhiều thanh niên còn chủ động thành lập câu lạc bộ, tổ hợp tác thanh niên để hỗ trợ vốn, cây, con giống và chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi giúp nhau lập nghiệp.

Anh Trần Hoàng Vang, Phó Bí thư Huyện đoàn Phụng Hiệp, cho biết, tính đến nay trên địa bàn huyện đã thành lập 94 câu lạc bộ (CLB), tổ hợp tác (THT) thanh niên, thu hút hàng trăm thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi. Tham gia các CLB, THT, thanh niên được ngành khuyến nông thường xuyên tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, giới thiệu cây, con giống đạt chất lượng, đồng thời có thể chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, từ đó áp dụng vào đồng ruộng đạt hiệu quả cao. Theo anh Vang, việc liên kết sản xuất còn giúp thanh niên đảm bảo nguồn cung sản phẩm dồi dào cho thương lái, doanh nghiệp, từ đó ổn định đầu ra, với giá cả ổn định. Hiện nay, thanh niên trên địa bàn huyện đã ứng dụng thành công nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, như: Nuôi ba ba thịt, ba ba giống, nuôi ếch Thái Lan, trồng lúa chất lượng cao, trồng rau sạch… với thu nhập từ 200 triệu đến trên 1 tỉ đồng mỗi năm.

Anh Nguyễn Văn Khoa ở ấp Hòa Phụng C, xã Hòa An đang chăm sóc rắn ri voi. Ảnh: Lan Chi

Điển hình như anh Nguyễn Văn Khoa ở ấp Hòa Phụng C, xã Hòa An với mô hình nuôi ếch Thái Lan, trăn và rắn ri voi, thu lợi mỗi năm trên 200 triệu đồng. Anh Khoa chia sẻ, năm 2012 trong một lần tham quan mô hình nuôi ếch Thái Lan của một người dân ở địa phương, nhận thấy ếch khá dễ nuôi, chi phí mua con giống rẻ và không cần diện tích nuôi lớn nên anh mua gần 500 con ếch giống về thả nuôi. Vụ đầu không nắm vững kỹ thuật nên tỷ lệ hao hụt còn cao, nhưng anh không nản lòng, tìm những lão nông có kinh nghiệm học hỏi quy trình nuôi, kỹ thuật chăm sóc. Anh tiếp tục mua khoảng 2.000 con giống về nuôi và sau 3 tháng anh xuất bán được hơn 50 triệu đồng. Trong quá trình nuôi, anh tích lũy kinh nghiệm rồi tự nhân giống ếch con để đáp ứng nguồn con giống cho ao nuôi nhà mình và cung cấp cho các thanh niên trên địa bàn. Hiện nay, mỗi năm anh xuất bán từ khoảng 300.000 con ếch giống cho người nuôi trên địa bàn tỉnh và xuất bán cho một số thương lái ở Campuchia và Lào. Chỉ tính riêng thị trường Campuchia và Lào, có tháng anh giao hàng 15 lần, lợi nhuận gần 70 triệu đồng.

Thành công với mô hình nuôi ếch, nhiều thanh niên ở ấp thường xuyên đến tham quan học tập, thấy vậy anh đã thành lập CLB Thanh niên chăn nuôi để hỗ trợ thanh niên lập nghiệp. Hiện nay, CLB có 15 thành viên tham gia chăn nuôi nhiều loại, như: Rắn ri voi, cá, ếch, trăn. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi cây trồng, hằng năm mỗi thành viên có thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Anh Khoa cho biết: "Định kỳ CLB tổ chức sinh hoạt mỗi tháng một lần để anh em chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, đồng thời mời cán bộ khuyến nông tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi để thanh niên ứng dụng mô hình đạt hiệu quả cao".

Anh Trần Hoàng Vang cho biết thêm, đứng trước thị trường tiêu thụ nông sản bấp bênh, nhiều hội viên thanh niên cũng đã liên kết sản xuất để mở rộng thị trường. Tiêu biểu như THT Trồng hẹ ở ấp Hòa Phụng A, thị trấn Kinh Cùng. Theo anh Nguyễn Văn Hạnh, Tổ trưởng THT, hẹ là loại rau màu dễ trồng, dễ chăm sóc và được người thị trường ưa chuộng nên giá cả khá ổn định. Nắm được điều này, anh Hạnh và một số thanh niên địa phương đã thành lập THT để đảm bảo nguồn cung ổn định, giúp anh em tăng thu nhập. Có nơi tiêu thụ ổn định, nhiều thanh niên dần yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, không còn cảnh lo lắng "thừa hàng dội chợ", giá cả cũng hợp lý hơn nhờ đáp ứng thị hiếu của người dân. Anh Nguyễn Hoàng Phúc, thành viên THT, phấn khởi chia sẻ với chúng tôi, gia đình anh ít ruộng canh tác nên thu nhập bấp bênh. Thấy một số thanh niên khá giả hơn nhờ trồng hẹ, anh quyết định lên liếp 1.000m2 đất để trồng hẹ. Sau khoảng 2 tháng chăm sóc, anh thu hoạch khoảng trên 1 tấn hẹ thành phẩm, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về khoảng 7-8 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo anh Trần Hoàng Vang, Phó Bí thư Huyện đoàn Phụng Hiệp, nhiều thanh niên chưa được xem xét vay vốn đề đầu tư, mở rộng qui mô sản xuất. Nguyên nhân là do đa số thanh niên sống chung với gia đình nên nếu cha hoặc mẹ vay nguồn vốn các đoàn thể, như: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, thì thanh niên sẽ không được xem xét vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội. Hơn nữa, việc quy định điều kiện được vay phải là hộ nghèo, cận nghèo và phải chứng minh được hiệu quả của mô hình kinh tế đang ứng dụng đã tạo khó khăn cho thanh niên. Nếu được gỡ khó, tin rằng nhiều thanh niên sẽ có điều kiện mở rộng qui mô sản xuất, vươn lên làm giàu, góp phần cổ vũ phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp tại địa phương.

LAN CHI

Chia sẻ bài viết