18/04/2021 - 11:45

Giỗ Tổ Hùng Vương - Linh thiêng nguồn cội 

“Con người có tổ có tông. Như cây có cội, như sông có nguồn”, truyền thống tri ân nguồn cội, kính nhớ công đức tổ tiên đã trở thành nét đẹp từ bao đời của dân tộc Việt Nam. Thân thương hai tiếng “Ðồng bào”, thiêng liêng hai từ “Quốc Tổ”, để mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, “Dù ai ăn đâu làm đâu/ Cũng biết cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ” như nhà thơ Nguyễn Khoa Ðiềm viết trong trường ca “Mặt đường khát vọng”.

Các quận, huyện trên địa bàn thành phố cung tiến lễ vật trong Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2019 tại Bảo tàng TP Cần Thơ.

Các quận, huyện trên địa bàn thành phố cung tiến lễ vật trong Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2019 tại Bảo tàng TP Cần Thơ. 

Truyền thống thờ cúng Hùng Vương

Ngày 6-12-2012, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã thông qua nghị quyết công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ðiều đó cho thấy giá trị văn hóa, tín ngưỡng dân gian thờ cúng Hùng Vương mang những giá trị nổi bật có tính toàn cầu, mỗi người dân Việt Nam thêm tự hào về truyền thống “uống nước nhớ nguồn” quý báu được gìn giữ suốt hàng ngàn năm qua.

Tra tìm từ nhiều nguồn sử liệu cho thấy, ngay từ những năm 40, Hai Bà Trưng trước lúc phất cờ khởi nghĩa đã đến Ðền Hùng tế lễ với lời thề vang vọng núi sông:

Một xin rửa sạch quốc thù

Hai xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng”.

Theo truyền thuyết, xưa kia, người dân các xã gần Ðền Hùng ngày nay đều có thờ Vua Hùng và cúng kính trang nghiêm vào mùng 9 tháng Giêng âm lịch và mùng 9, 10, 11 tháng 3 âm lịch hằng năm. Ðến thời Lý - Trần (thế kỷ XI đến thế kỷ XIV), khi đất nước bước vào giai đoạn độc lập, tự chủ, kiến thiết, thì việc thờ cúng Vua Hùng được quan tâm nhiều. Tại núi Hùng, trong các cuộc khai quật vào khoảng năm 1997-2002, tìm thấy nhiều hiện vật có niên đại thế kỷ XII đến thế kỷ XIV, liên quan đến tín ngưỡng thờ Vua Hùng, Thần và Phật. Nhiều ngôi đình, đền thờ cúng Vua Hùng cũng được xây dựng trong khoảng thời gian này. Ðiển hình là Lễ hội Làng He với những nghi lễ cổ diễn tả sinh hoạt văn hóa, xã hội thời Hùng Vương, được truyền tụng qua câu ca dao:

Sơn Tây vui nhất chùa Thầy

Vui thì vui vậy, chẳng tày hội He”.

Ðến thời Lê, thời đại Hùng Vương đã được ghi mở đầu cho bộ chính sử nước ta mang tên “Ðại Việt sử ký toàn thư”. Năm Hồng Ðức nguyên niên (1470), khi vừa mới lên ngôi, vua Lê Thánh Tông đã ban chỉ dụ viết Ngọc phả Hùng Vương với tên gọi “Hùng đồ thập bát diệp thánh vương ngọc phả cổ truyền”. Vua còn ban lệnh miễn thuế khóa, binh dân, sưu sai tạp dịch cho các miếu điện, các làng có thờ Vua Hùng để “dài quốc mạch, lưu thơm muôn đời” (lệnh được ghi trong Ngọc phả Hùng Vương). Thời vua Cảnh Hưng triều Lê rồi thời Chúa Trịnh Khải, Hoàng đế Quang Trung... sử liệu cũng đều ghi nhận các sự kiện liên quan đến việc tôn vinh tục thờ cúng Vua Hùng như ghi nhận số liệu làng xã thờ Quốc Tổ, ban lệnh miễn sưu thuế, trùng tu đền thờ, khuyến khích giữ gìn cổ lệ...

Thời nhà Nguyễn, trong điện Thái Hòa dựng ở kinh thành Huế có treo bài thơ về Ðền Hùng ngay trên ngai vàng của nhà vua. Thơ rằng:

Văn hiến nước ngàn năm

Vạn dặm chung một thế

Từ Hồng Bàng mở nước

Nghiêu Thuấn một trời Nam”.

Vua còn cho thỉnh rước bài vị các Vua Hùng từ Ðền Hùng về thờ ở Miếu Lịch Ðại Ðế Vương (Huế). Sử triều Nguyễn là bộ “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” cũng chọn mở đầu bằng thời đại Hùng Vương.

Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2019 tại Bảo tàng TP Cần Thơ.

Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2019 tại Bảo tàng TP Cần Thơ. 

Năm Khải Ðịnh nhị niên (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đệ trình Bộ Lễ định ngày Quốc Tế (hiểu là Quốc Lễ hay Quốc Giỗ) là mùng 10 tháng 3 âm lịch thường niên. Bộ Lễ phúc đáp rằng: “Nay phụng mệnh theo Bộ Lễ, chuẩn định ngày Quốc Tế tại miếu Tổ Hùng Vương là ngày mùng 10 tháng 3 (âm lịch)”. Chi tiết này còn được ghi lại trong văn bia “Hùng Vương từ khảo” do Tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Ðại thứ 15 (1940), hiện đang đặt ở Ðền Thượng trên núi Hùng (Phú Thọ).

Năm 1941, khi vừa từ nước ngoài trở về, Bác Hồ đã viết bài thơ “Lịch sử nước ta”. Người mở đầu bằng những vần thơ thấm đượm hồn dân tộc:

Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.

Kể năm hơn bốn ngàn năm

Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hòa

Hồng Bàng là tổ nước ta

Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang”

Ngày 19-9-1954, sau Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, Bác Hồ có cuộc gặp gỡ, nói chuyện với chiến sĩ Ðại Ðoàn quân tiên phong - Sư 308 tại Ðền Hùng. Người đã căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã ký Sắc lệnh ngày 18 tháng 2 năm 1946 về “Những ngày Tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo sẽ được coi là những ngày lễ chính thức”, trong đó Giỗ Tổ Hùng Vương được nghỉ 1 ngày là mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm. Năm 1995, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ban hành Chỉ thị về việc tổ chức các ngày lễ lớn trong năm, trong đó có ngày Giỗ Tổ. Tại Nghị định số 82/2001/NÐ-CP ngày 6 tháng 11 năm 2001 về Nghi lễ Nhà nước, trong đó có nội dung quy định cụ thể về quy mô, nghi lễ tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm.

Di sản và di sản

Hát xoan là một loại hình diễn xướng dân gian đặc trưng trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Năm 2012, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ðiều đáng tự hào là đến năm 2017, UNESCO lại tiếp tục công nhận Hát xoan là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Di sản và di sản, niềm tự hào ấy càng cho thấy sức lan tỏa và giá trị quốc tế của những loại hình thực hành văn hóa dân gian đặc sắc Việt Nam.

Sự ra đời của nghệ thuật Hát xoan được kể lại bằng một truyền thuyết thời Vua Hùng rất thú vị. Chuyện là Vua Hùng và vợ trong một chuyến du xuân, khi đến một làng nọ (tương truyền nay là làng An Thái, xã Phượng Lâu, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) thì vợ Vua chuyển dạ sinh con. Rủi sao, Ðức Bà đau mãi mà không thể sinh. Người hầu tâu Ðức Vua về việc trong làng có nàng Quế Hoa xinh đẹp, hát hay, múa giỏi, xin được lệnh đón nàng đến để múa hát làm vui, hầu giúp Ðức Bà đỡ đau và dễ sinh. Vâng lệnh Vua Hùng, nàng Quế Hoa đến và tài nghệ của nàng khiến Ðức Bà mải thưởng thức, quên cả đau. Khi đi đến xã Cao Mại, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ ngày nay thì vợ Vua Hùng sinh hạ được 3 người con trai, khôi ngôi tuấn tú, mẹ tròn con vuông.

Vua Hùng ban lệnh đón nàng Quế Hoa vào cung và truyền cho các Mỵ Nương học các điệu múa hát ấy để trình diễn trong các lễ hội đầu xuân. Từ đó, điệu múa hát đó gọi là Hát xuân. Cũng tương truyền, sau này vì kỵ húy tên của Mỵ Nương con gái Vua Hùng là Xuân Nương nên gọi trại điệu hát ấy là Hát xoan. Hát xoan gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Vào nhiều dịp lễ trong năm, trong đó có Giỗ Tổ, người dân làng An Thái lại sắm sửa lễ vật cung nghinh Vua Hùng về đình làng để nghe Hát xoan.

Một cuộc Hát xoan gồm 3 chặng với sự trình diễn của phường xoan. Chặng đầu là hát thờ với những khúc ca ca ngợi công đức các vị Vua Hùng, các vị Thành hoàng làng. Chặng giữa là hát quả cách với 14 bài, ngợi ca thiên nhiên, con người với ý niệm về nhân sinh quan, vũ trụ quan. Chặng cuối là hát hội, gồm những bài hát vui tươi, những khúc hát về tình yêu đôi lứa. Hát xoan còn kết hợp với các động tác tay, uyển chuyển thân người, chủ yếu mang tính mô phỏng. Năm 2011, UNESCO đưa Hát xoan vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Sau nhiều năm quyết tâm giữ gìn, khôi phục và truyền dạy di sản, năm 2013, UNESCO quyết định đưa Hát xoan ra khỏi danh sách di sản cần bảo vệ khẩn cấp và chính thức công nhận Hát xoan là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

*

* *

Ðời nối đời, hàng ngàn năm qua, Giỗ Tổ Hùng Vương vẫn là mỹ tục đầy tự hào của dân tộc Việt Nam. Trải qua bao biến thiên của thời gian, lịch sử, tục lệ thờ cúng Vua Hùng vẫn có sức sống trường tồn.

Tại Cần Thơ, Giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức lần đầu vào năm 2007. Từ đó đến nay, vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm, TP Cần Thơ đều long trọng tổ chức lễ dâng hương hướng về Quốc Tổ. Ðặc biệt, từ năm 2021, Giỗ Tổ Hùng Vương sẽ được TP Cần Thơ tổ chức tại Ðền thờ Vua Hùng trên đường Võ Văn Kiệt - Ðặng Văn Dầy, quận Bình Thủy. Sau khi công trình khánh thành (dự kiến vào dịp 2-9-2021), nơi đây sẽ là điểm đến văn hóa, nơi tìm về nguồn cội Lạc Hồng của người dân ÐBSCL cũng như du khách trong và ngoài nước.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết